TRƯỚC KHI NGỦ VƯƠNG GIA LUÔN NGHE THẤY ÁM HẦU NIỆM CHÚ THANH TÂM

Chương 110: Cầu Nại Hà và sông Vong Xuyên

Biên Trọng Hoa ôm quyền nói câu làm phiền rồi lập tức đuổi theo Chung Quỳ.

Chung quanh hai người quỷ khí âm trầm, du hồn phiêu đãng, trước mắt là một cổng vòm khổng lồ, bên trên ghi "U Môn Địa Phủ Quỷ Môn Quan".

Chung Quỳ không dừng lại mà đi thẳng vào cổng vòm, Biên Trọng Hoa ngẩng đầu nhìn rồi cũng theo vào.

Đi mấy bước thì bên phải hiện ra một dòng suối, trên bờ có tảng đá khắc ba chữ "Suối Tam Sinh".

Biên Trọng Hoa đến cạnh dòng suối cúi đầu nhìn, phát hiện mặt nước chỉ phản chiếu hình ảnh mình chứ không còn gì khác.

Chung Quỳ nói: "Yêu Đế Trọng Hoa, ngươi không có kiếp trước nên suối này đối với ngươi chỉ là suối bình thường thôi."

Biên Trọng Hoa gật đầu rồi theo Chung Quỳ tiếp tục đi tới phía trước.


Đi thêm mấy dặm thì một dòng sông đỏ vàng cuồn cuộn chảy xiết xuất hiện trước mặt hai người, Chung Quỳ dừng lại bảo Biên Trọng Hoa: "Chúng ta đến rồi, đây chính Vong Xuyên."

Biên Trọng Hoa nhớ rõ nơi này vì từng mơ thấy rất nhiều lần, trong mộng mình hoặc đứng trên bờ hoặc ở dưới sông.

"Yêu Đế Trọng Hoa, ngươi nhìn bên kia đi." Chung Quỳ chỉ một ngón tay, Biên Trọng Hoa nhìn theo hướng hắn chỉ, chướng khí từ nước sông lúc nhúc trùng rắn cuồn cuộn bốc lên che khuất tầm nhìn nhưng vẫn thấp thoáng thấy được một cây cầu đá bắc qua sông.

Trên cầu khắc ba chữ to "Cầu Nại Hà".

"Nếu ngươi muốn tìm lại hồn phách thì lên cầu đi." Chung Quỳ nói.

Biên Trọng Hoa ôm quyền tạ ơn, sau đó đi lên cầu Nại Hà.

Khi đứng ở bờ sông rõ ràng thấy du hồn từ bốn phương tám hướng hung hăng lao tới cầu Nại Hà, nhưng vừa bước lên cầu thì chỉ còn mỗi mình Biên Trọng Hoa.


Từ trên cầu nhìn xuống có thể thấy rõ trùng rắn chó ngao dưới sông, còn có một đám cô hồn dã quỷ mặt mày dữ tợn bị trùng rắn gặm nuốt, chó ngao cắn xé phát ra từng tiếng rú thảm.

"Bọn họ đều là du hồn không muốn đầu thai mà ở lại đây đợi người."

Bên tai Biên Trọng Hoa chợt vang lên một giọng già nua hiền từ, Biên Trọng Hoa quay đầu lại thì thấy một bà lão cười với mình.

Bà lão chống gậy đi tới trước mặt Biên Trọng Hoa, có vẻ rất quen thuộc với hắn: "Cuối cùng ngươi cũng đến rồi."

"Ngài biết ta à?" Biên Trọng Hoa nghi hoặc.

Bà lão nhìn cô hồn dưới sông rồi nói lảng đi: "Sở dĩ những du hồn này cam tâm chịu khổ như vậy là vì sau khi đợi được người mình yêu thương thì sẽ cùng nhau rơi vào Luân Hồi, kiếp sau lại quen biết."

Biên Trọng Hoa không hiểu: "Sao họ biết mình sẽ đợi được? Nếu đợi không được thì chẳng phải chịu khổ vô ích rồi sao."


Bà lão nhìn Biên Trọng Hoa với vẻ sâu xa rồi đáp: "Vì ta nói cho họ biết có thể chờ được người mình muốn hay không, nếu không thể thì sẽ khuyên bọn họ uống canh Mạnh Bà quên hết phiền não, nếu có thể thì bảo bọn họ nhảy xuống sông Vong Xuyên."

"Thì ra là thế." Biên Trọng Hoa gật đầu.

"Nhưng có một người ta từng quả quyết khẳng định với hắn rằng hắn không thể ở bên cầu Nại Hà đợi được người mình muốn gặp, thế mà hắn vẫn ở lại đây rất nhiều năm, chịu đủ rắn rết gặm nuốt, chó ngao cắn xé, chướng khí xâm nhập thân thể." Bà lão nhìn dòng sông nói khẽ, "Thần chí của hắn dần mệt mỏi tan biến vì chờ đợi, cuối cùng ba hồn rời khỏi xác, ngay cả mình là ai cũng không nhớ, nhưng dù vậy hồn u tinh của hắn vẫn ở trong dòng sông khổ sở chờ đợi."

Biên Trọng Hoa không trả lời, hắn cảm thấy dưới đáy sông như có ai đó đang gọi mình, mang theo tuyệt vọng cực kỳ bi ai, gào thét khàn cả giọng.
Hắn cúi đầu định nhìn kỹ thì bà lão đột ngột vươn tay đẩy hắn ra khỏi cầu.

Ngay khi rơi xuống, Biên Trọng Hoa nhìn thấy dưới sông có hai con ngươi mảnh như kim, quanh mắt hiện đầy vảy xanh đen.

Kinh thành, mùng Ba tháng Ba, đêm dài xuân ngắn.

Ở Ám Hầu Môn, Lý quốc sư ngồi xếp bằng trong một pháp trận được vẽ cực kỳ phức tạp lóe lên ánh sáng bạc, hồi lâu sau mới dần tan đi.

Lâm Bạch Cốc đứng cạnh hỏi: "Tìm được Biên đại nhân chưa ạ?"

Lý quốc sư bất đắc dĩ lắc đầu rồi đứng dậy thở dài một hơi.

Sắc mặt Lâm Bạch Cốc ngưng trọng, im lặng không nói gì.

Lý quốc sư nói: "Hết cách rồi, chỉ mong Biên đại nhân tự biến nguy thành an, chúng ta xuất phát thôi, phải chặn lại Thao Thiết và Đào Ngột cách núi Nam tám trăm dặm mới được."

Lâm Bạch Cốc đáp: "Vâng."

Lý quốc sư nhìn y hỏi: "Lâm Bạch Cốc, lần này đi chưa biết sống chết thế nào, chỉ sợ lành ít dữ nhiều, ngươi đã chuẩn bị tinh thần chưa?"
Lâm Bạch Cốc gật đầu, ánh mắt kiên định chẳng chút nao núng.

Lý quốc sư đổi cách nói khác: "Ngươi đã chuẩn bị sinh ly tử biệt với Tần Dịch Thương chưa?"

Lâm Bạch Cốc ngẩn người hồi lâu không đáp.

Lý quốc sư nói: "Ngươi gửi thư đến núi Bình Đỉnh hỏi xem thế nào đi."

Lâm Bạch Cốc gật đầu rồi về phòng lấy ra bút mực giấy nghiên, trước tiên viết thư cho tộc mình ở núi Bình Đỉnh, sau đó làm phép để lá thư hóa thành bồ câu trắng giương cánh bay ra ngoài cửa sổ.

Lâm Bạch Cốc lại cầm bút chấm mực, nhưng lần này không sao đặt bút được.

Y muốn viết thư cho Tần Dịch Thương nhưng chẳng biết nên viết gì.

Y nhìn tờ giấy trắng tinh, trong đầu hiện ra nụ cười rạng rỡ của Tần Dịch Thương.

Lâm Bạch Cốc nghĩ ngợi rồi viết: "Ta và Lý quốc sư lên đường đây."

Y dừng bút rồi bất mãn gấp giấy lại đặt sang một bên, lấy tờ mới viết lại: "Không biết ngươi có gặp Cùng Kỳ ở núi Bình Đỉnh không?"
Lâm Bạch Cốc vẫn chưa hài lòng nên lại dừng bút.

Ánh đèn hắt hiu, nhớ quân xa xôi cách trở.

Cuối cùng Lâm Bạch Cốc trấn tĩnh viết ra ba chữ.

"Rất nhớ ngươi."

Ngoài phòng, Lý quốc sư chắp tay sau lưng nhìn trăng khuyết, chợt nhớ lại lúc mới gặp Biên Trọng Hoa.

Lúc đó Lý quốc sư được người đời xưng tụng là Chân Vũ Tiên Quân.

Năm ấy tứ hung xuất hiện lạm sát người vô tội, thiên hạ đại loạn, thế gian tràn ngập nguy hiểm, hậu duệ của Hoàng Đế là tộc Đế Hồng xem bói tìm biện pháp, sau đó bị tứ hung diệt tộc, đốt rụi thành trấn, cả tộc chỉ còn một thiếu niên sống sót.

Vì sự an bình của thiên hạ, Chân Vũ Tiên Quân không sợ bị tứ hung trả thù lặn lội tìm kiếm hậu duệ cuối cùng của tộc Đế Hồng.

Thiếu niên kia chính là Biên Trọng Hoa.

Thiếu niên hỏi Chân Vũ Tiên Quân, từng chữ ứa máu: "Ta phong ấn tứ hung thì được gì? Tộc nhân của ta có thể sống lại không?"
Chân Vũ Tiên Quân đáp: "Ngươi sẽ được người đời kính ngưỡng bái lạy muôn đời, ngươi có thể đứng hàng tiên ban, không còn phiền não lo âu chốn nhân gian nữa."

Thiếu niên nói: "Kính ngưỡng? Ta không cần. Tiên ban? Ta không thèm. Trên đời có bao nhiêu khó khăn thì có bấy nhiêu vui vẻ nên ta không sợ phiền não, Chân Vũ Tiên Quân, ngươi nói ta biết đi, ta sẽ được gì?"

Chân Vũ Tiên Quân lặng thinh hồi lâu rồi đáp: "Thiên hạ yên ổn, đất nước thái bình, quan trọng nhất là bi kịch tộc nhân của ngươi sẽ không lặp lại với người khác nữa."

Thiếu niên đỏ hoe mắt nức nở nói: "Sẽ không lặp lại với người khác là đủ rồi, quá đủ rồi."

Ngay thời khắc đó Chân Vũ Tiên Quân chợt hiểu tại sao lại bói ra tên của thiếu niên.

Nói suông hiểu rõ đại nghĩa không bằng nuốt xuống máu nóng, giữ nguyên ý chí ban đầu.
Đó cũng là hoài bão về lòng trung thành và chính nghĩa của Chân Vũ Tiên Quân.

Thế nên bây giờ tứ hung xuất hiện lần nữa, Biên Trọng Hoa không ở đây nhưng dù Lý quốc sư có phải liều mạng cũng quyết không để tứ hung hại người vô tội.

Lý quốc sư nhìn về xa xăm, Lâm Bạch Cốc viết xong thư ra khỏi phòng, hai người liếc nhau rồi gật đầu, khởi hành đến núi Nam cách kinh thành tám trăm dặm.

Bình luận

Truyện đang đọc