Thanh Duyên Quan,
Triệu Hâm mặc một bộ đạo bào màu xanh trắng, tuy bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực những thứ được sử dụng để làm nên bộ đạo bào này đều là nguyên liệu thượng đẳng, hoạ tiết chìm nổi, vô cùng phức tạp.
Cuộc sống ở đạo quan của hoàng gia vô ưu vô lo, đạo phục cũng là thứ tốt nhất, huống chi là đạo phục dành cho công chúa, dù có đơn giản, thì các tú nương với thủ nghệ xuất chúng trong cung cũng sẽ khiến cho loại đơn giản này hiển lộ ra khí chất ung dung tôn quý của công chúa.
Lưu lại Thanh Duyên Quan một thời gian, tâm tình của Triệu Hâm có thể nói là thần thanh khí sảng[1], thanh nhàn như gió thổi mây bay, cho dù là sử dụng đan lô của đạo quan để luyện dược, hay đọc sách viết chữ gì đó đều không bị giới hạn, còn ngẫu nhiên giao lưu y thuật với Vệ Thiếu Tư. Mà khi Vệ Thiếu Tư khám chữa bệnh từ thiện, nàng cũng chỉ cần phái người đứng ở bên cạnh tuỳ thời hiệp trợ là được.
Có lẽ là bởi vì biểu hiện của Triệu Hâm quá rõ ràng, nên đến nữ quan hầu hạ bút mực là Đan Nhi cũng cảm nhận được, trước đây khi công chúa muốn chuyển từ Phồn Di Viên sang Thanh Duyên Quan, nàng vốn còn muốn khuyên can một chút, rốt cuộc công chúa kim tôn ngọc quý, sao có thể chịu đựng được cuộc sống kham khổ của đạo quan. Không nghĩ tới, công chúa ở đây một khoảng thời gian, vậy mà trở nên xinh đẹp hơn lúc sống trong cung nhiều.
Đan Nhi âm thầm quan sát Lạc Hà công chúa, trong lòng cảm thán công chúa thực sự không giống như những đoá hoa phú quý chốn hoàng cung, ngược lại tựa như gió mát trăng thanh, kết hợp với một thân đạo phục mộc mạc tự nhiên này, khí chất càng thêm xuất chúng.
Không chỉ như thế, thân thể của công chúa cũng khoẻ mạnh hơn rất nhiều, mấy lần bắt mạch gần đây, thái y đều nói thân thể của điện hạ đã không còn gầy yếu như trong quá khứ, nàng hầu hạ bên cạnh công chúa, cũng không nhìn thấy công chúa bị cảm nắng hay ho khan.
Ý niệm của Đan Nhi lập tức chuyển biến, cảm thấy Thanh Duyên Quan không hổ danh là đạo quan của hoàng gia, thanh u tĩnh lặng, điềm tĩnh an nhiên, còn có tác dụng cải thiện sức khoẻ của con người.
Kể cả Vệ tiên sinh cũng vậy, nếu công chúa không đến Thanh Duyên Quan, có lẽ cũng không thể gặp được Vệ tiên sinh.
Triệu Hâm cầm bút viết một số vấn đề tâm đắc mà nàng từng đàm luận với Vệ Thiếu Tư trước đó, tuy rằng Triệu Hâm có khả năng đã gặp qua là không quên được, nhưng ghi chép lại để người đời sau tham khảo cũng không tồi.
Triệu Hâm viết được một lúc thì dừng lại, Đan Nhi ở bên cạnh thấy thế liền bước lên giúp nàng sắp xếp những tờ giấy này, vừa làm vừa nói, "Quan chủ, Li Nhi đã chuẩn bị xong trà thanh tâm thảo rồi."
"Được." Triệu Hâm tuỳ ý đáp lại, nàng không thích câu thúc chính mình, càng không thích câu thúc người khác, nên các thị nữ vệ binh bên người nàng đều tương đối phóng khoáng, không có quy quy củ củ giống như ở trong cung.
Kỳ thực ngoại trừ một thân đạo phục này, trong đạo quan không hề có bất kỳ phụ kiện nào khác của đạo sĩ, ví dụ như phất trần gì đó, mà cho dù có, Triệu Hâm cũng hiếm khi mang theo.
Trong lòng Triệu Hâm rất rõ ràng, nàng chỉ là giả vờ mà thôi, bằng không tiếp tục lưu lại trong cung, tuy hôn sự với Chu gia bị huỷ, nhưng ai dám chắc chắn sẽ không có hôn sự tiếp theo, còn chẳng bằng dao sắc chặt đay rối[2], nhanh chóng giải quyết.
Chuyện Vệ Thiếu Tư tạm thời ở lại Thanh Duyên Quan, hoàng huynh biết, nhưng vẫn lựa chọn mặc kệ nàng, không có can thiệp, không có khuyên can nam nữ thụ thụ bất thân[3] gì đấy, càng không có yêu cầu nàng phải trở về.
Đây chính là sự khác nhau giữa công chúa và quan chủ của một đạo quan.
Nếu nàng vẫn còn là Lạc Hà công chúa, khó tránh khỏi sẽ bị trói buộc bởi lễ giáo quy củ của hoàng gia, lúc ấy đến xuất cung cũng khó, huống chi là kết giao bằng hữu với nam nhân.
Tuy là kim chi ngọc diệp tôn quý, nhưng vô luận là tầm mắt hay sở tư sở lự[4] đều bị giới hạn, nguyên chủ không phải là ví dụ tiêu biểu nhất sao, nàng oán hận bản thân vô năng vi lực[5], chỉ có thể trơ mắt nhìn Đại Hi dần dần suy bại, nhưng chưa có ai từng dạy dỗ nàng nên làm như thế nào, thứ nàng được học chỉ đơn giản là cách giữ vững phong thái của công chúa hoàng gia, giúp chồng dạy con, tam tòng tứ đức[6], ngôn ngữ cử chỉ mà thôi.
Đoá hoa phú quý của hoàng cung tựa như một con chim hoàng yến bị nuôi nhốt trong chiếc lồng son hoa lệ, đến năng lực tự đưa ra quyết định của mình cũng không có, huống chi là năng lực bảo vệ những người mà nàng quý trọng.
Vẫn là làm quan chủ an nhiên tự tại, có thể không màng thế sự, tuỳ ý tiêu dao.
Triệu Hâm uống trà thanh tâm thảo, mắt ngắm ngô đồng tai nghe mưa thu, trong lòng lại thở dài một hơi, "Chẳng trách có nhiều người lợi dụng tôn giáo để hành sự bất chính như vậy."
9526 đột nhiên nhớ đến Phiêu Miểu Môn, tà giáo đầu tiên mà mình và ký chủ đụng phải.
Triệu Hâm còn cảm thán cũng may nàng chỉ tu hành nửa vời, trở thành quan chủ rồi ở lại đây một thời gian, đã được xem như thế ngoại cao nhân, vạn người kính ngưỡng, nói đi nói lại cũng phải nhắc tới chuyện hoàng thất Đại Hi sùng đạo từ đời Thái Tổ, nếu là kính Phật, thì có khả năng Triệu Hâm phải tìm một lý do khác để xuất cung, hơn nữa tu Phật không thể so sánh với tu đạo, cần phải ăn chay. Tuy Triệu Hâm không phải người chú trọng việc ăn uống, nhưng những lúc có thể hưởng thụ nàng tuyệt đối sẽ không làm khó chính mình.
Bởi vì trời mưa liên miên, không tiện ra ngoài, nên Triệu Hâm chỉ đành tự tiêu khiển bằng cầm kỳ thi hoạ[7], mấy thứ này, nguyên chủ biết mỗi thứ một ít, chưa kể trong quá khứ Triệu Hâm còn dành phần lớn thời gian để chơi cờ.
Đôi khi nàng sẽ chơi cờ với Vệ Thiếu Tư, đáng tiếc Vệ Thiếu Tư có thiên phú dị bẩm[8] về y đạo, nhưng luận kỳ nghệ lại là dốt đặc cán mai[9]. Tuy Vệ Thiếu Tư xuất thân từ thế gia, nhưng lúc niên thiếu gia đạo của hắn đã nay không bằng xưa, mẫu thân bệnh nặng, nấu thuốc chữa bệnh còn không kịp, làm gì có tâm tư học tập quân tử lục nghệ[10], sau này hành tẩu giang hồ cũng chỉ chuyên chú vào việc học y.
Xuất thân từ thế gia, đối với hắn mà nói, chẳng qua chỉ là hư danh thôi.
Hơn nữa với bản tính thuần chân của hắn, cho dù chơi cờ cùng người khác, hắn cũng sẽ chỉ phòng thủ, không tiến công.
Ngoại trừ tự tiêu khiển bằng cầm kỳ thi hoạ, Triệu Hâm còn thường xuyên đọc sách, trong những thế giới trước đây nàng từng tiếc nuối vì không thể xem các loại điển tịch phong phú của thời cổ đại, thư tịch ở cổ đại cực kỳ trân quý, phần lớn đều là tư hữu, có thể nhận thấy điều đó qua việc khi Vệ Thiếu Tư phát hiện ra một số thư tịch liên quan đến dược lý ở đạo quan, phản ứng đầu tiên của hắn chính là mừng rỡ như điên và yêu thích không buông tay.
Triệu Hâm cũng biết giá trị của những thư tịch này là không thể đong đếm, ở hiện đại, muốn sở hữu một cuốn sách cổ phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ, tạm thời không nhắc tới chuyện cuốn sách cổ đó chưa chắc đã là phiên bản đầy đủ.
Chẳng qua hiện tại nàng có thân phận công chúa nha, cho dù các thế gia đại tộc thu thập không ít điển tịch, nhưng có thể công khai so sánh với điển tàng của hoàng gia cũng không có bao nhiêu người.
Rốt cuộc phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ[11], hoàn toàn không phải một câu nói đùa.
Tứ thư ngũ kinh[12], thơ từ ca phú, hàng trăm hàng ngàn loại thư tịch, chẳng qua Triệu Hâm vẫn thích sử ký nhất, thời gian không ngừng trôi, các triều đại dần dần suy tàn, chỉ có lịch sử không bao giờ dừng lại, có đôi khi Triệu Hâm sẽ nhịn không được trầm mê, nàng cũng thường xuyên thảo luận về một số vấn đề lịch sử với 9526.
Trời mưa càng lúc càng lớn, kéo dài liên tục trong mấy ngày, không có dấu hiệu kết thúc, Đan Nhi chủ động an ủi công chúa, nói không chỉ vùng núi này, ở kinh thành cũng là mưa không ngừng.
Vệ Thiếu Tư mặt ủ mày chau[13], nghe xong liền hỏi Đan Nhi, ngoại trừ kinh thành, thời tiết ở các địa phương khác thế nào.
Triệu Hâm rời mắt ra khỏi quyển sách trên tay, ngữ khí nghi hoặc, "Làm sao vậy?"
Vệ Thiếu Tư hành tẩu giang hồ nhiều năm, kiến thức phong phú, bây giờ lại phản ứng như vậy, chẳng lẽ cơn mưa này có điều gì bất thường.
Sau khi biết thời tiết ở những địa phương khác đều giống như kinh thành, mưa lớn không ngừng, biểu tình của Vệ Thiếu Tư lập tức trở nên nghiêm trọng, "E rằng Giang Nam sắp gặp tai hoạ rồi."
Cơn mưa này quả thực không bình thường, Vệ Thiếu Tư từng tận mắt chứng kiến không ít thiên tai, ở những nơi làng chài ven biển, cho dù là một hồi mưa nhỏ, cũng đủ để khiến cho lê dân bá tánh[14] chật vật khổ sở, chưa kể các loại vấn đề lớn lớn nhỏ nhỏ sau khi thiên tai xảy ra, nếu là vấn đề lớn thì triều đình còn có khả năng chi viện cứu tế, nhưng vấn đề nhỏ, hầu hết quan viên địa phương sẽ bởi vì bảo toàn sự phú quý của chính mình, mà áp chế vấn đề đó xuống, cuối cùng vấn đề đó căn bản không thể truyền đến tai hoàng đế.
Một khi thiên tai bắt đầu, không chỉ nạn dân lưu vong, mà còn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, kiết lỵ.
Triệu Hâm hơi sửng sốt, chẳng qua không để nàng chậm rãi ngẫm lại, kinh thành đã lan truyền một tin tức, Giang Nam vỡ đê rồi.
Mà người lan truyền tin tức này, lại không phải đám quan viên thường hay được đánh giá là làm việc tận tuỵ ở Giang Nam, ngược lại là hàng ngàn hàng vạn nạn dân lưu vong.
Giống như suy nghĩ của Vệ Thiếu Tư, lúc trời bắt đầu đổ mưa được vài ngày, đã có một số địa phương xảy ra chuyện, nhưng các quan viên đều giấu giếm không bẩm báo, cuối cùng chỉ khi tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, đê điều có dấu hiệu suy sụp, gần hai mươi đến ba mươi vạn nạn dân lưu vong khắp nơi, trong đó có một bộ phận đi tới kinh thành, thì tin tức này mới bị lộ ra ngoài.
Hoàng đế Triệu Tấn tức giận không thôi, liên tục hạ lệnh, trước chi viện cứu tế nạn dân lưu vong, sau nghiêm trị đám quan viên dối trên gạt dưới ở Giang Nam.
Bởi vì đám người này không quan tâm đến lê dân bá tánh, chỉ để ý tới việc bảo toàn sự phú quý của bản thân, để chuyện nghiêm trọng như thế xảy ra, nếu bọn họ nhân lúc thiên tai mới hiển lộ, lập tức bẩm báo với triều đình, củng cố đê điều, an dân cứu tế, thì làm gì có mấy chục vạn lê dân bá tánh vô tội phải chịu khổ như vậy.
Ngày thứ ba kể từ khi Triệu Tấn phái quan viên thân tín của hắn đến Giang Nam, mưa ngừng. Triệu Tấn nhận được tin tức liền nhẹ nhàng thở dài một hơi, sau đó lại tiếp tục suy ngẫm, hắn nên chiếu cáo tội của mình như thế nào. Tuy rằng hắn biết mấy thứ đồ chơi như chiếu cáo gì đấy không đáng tin cậy, nhưng bây giờ phải ưu tiên việc trấn an lê dân bá tánh và triều thần trước.
Chuyện chi viện cứu tế và tu sửa đê điều ở Giang Nam đã đâu vào đấy, chẳng qua những nạn dân lưu vong tới kinh thành lại xảy ra chuyện.
Tại lều trại dành cho nạn dân lưu vong ở kinh thành,
Vệ Thiếu Tư chậm rãi bước đi trên đường phố, bên cạnh hắn là một người được bao phủ bởi chiếc áo choàng màu đen tuyền, tướng mạo mơ hồ, có lẽ khung cảnh sẽ tương đối bình thường nếu như không có các vệ binh mang theo vũ khí, lạnh mặt đi theo phía sau.
Vệ Thiếu Tư bị vệ binh trừng mắt nhịn không được thở dài lần thứ sáu.
Mấy ngày nay, thông qua việc nghe ngóng tin tức từ Giang Nam, Vệ Thiếu Tư cũng biết được thân phận chân chính của Triệu Hâm, muội muội của đương kim hoàng đế Đại Hi, Lạc Hà công chúa, hiện tại đang tạm thời đảm nhiệm vị trí quan chủ của Thanh Duyên Quan.
Đưa công chúa tới nơi này, trong lòng Vệ Thiếu Tư có cảm giác mãnh liệt rằng hắn sẽ không thể nhìn thấy ánh sáng của ngày mai, cũng may hắn không thân không thích, không cần lo lắng hoàng đế sẽ giận chó đánh mèo liên luỵ đến người khác.
"Nơi này không thích hợp với người, người thực sự không muốn trở về sao." Vệ Thiếu Tư uyển chuyển khuyên nhủ.
Triệu Hâm nhìn hắn, ánh mắt tràn đầy ý cười, chẳng qua trong ý cười ôn nhuận đó lại hàm chứa sự lạnh lẽo thấu xương, bất nộ tự uy[15], khiến cho người khác nhịn không được thần phục.
Giọng nói như băng như ngọc, "Bọn họ đều là lê dân bá tánh của Đại Hi, tại sao ta không thể gặp mặt?"
Kể cả người trì độn như Vệ Thiếu Tư, đến giờ phút này cũng bừng tỉnh đại ngộ[16],
Nàng không phải là một thiếu nữ bình thường, nàng là công chúa của Đại Hi.
Những nạn dân lưu vong tới kinh thành bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu của ôn dịch, Vệ Thiếu Tư nhớ mong chuyện của Giang Nam đã lâu, hôm nay chủ động tìm đến Triệu Hâm, vốn là để từ biệt, thứ nhất là do hắn muốn tới kinh thành vấn an các nạn dân lưu vong, thứ hai là bởi vì trong thời gian ở đây Triệu Hâm đã giúp đỡ hắn quá nhiều, hắn không muốn tiếp tục làm phiền nàng nữa.
Không nghĩ tới, Triệu Hâm nghe xong, liền gật đầu, đáp lại, "Ta đi với ngươi."
Vừa nói dứt lời, không chỉ Vệ Thiếu Tư, mà toàn bộ các thị nữ vệ binh bên cạnh Triệu Hâm cũng không ngừng khuyên can, chẳng qua Triệu Hâm đã hạ quyết tâm, thì không ai có thể thay đổi được.
Triệu Hâm không đưa Đan Nhi và Li Nhi đi cùng, tuy rằng các nàng vô cùng trung thành và tận tâm với Triệu Hâm, kể cả khi biết nàng muốn đi đến nơi ở của các nạn dân lưu vong, cũng nguyện ý đi theo nàng, nhưng Triệu Hâm vẫn cưỡng chế các nàng lưu lại Thanh Duyên Quan, còn mình thì đi cùng bốn vị vệ binh, rốt cuộc thể chất của các nàng không thể so sánh với thể chất của các vị vệ binh, tiếp xúc với nạn dân sẽ dễ dàng nhiễm bệnh.
Ban đầu Vệ Thiếu Tư còn băn khoăn về việc Lạc Hà công chúa đặt chân đến đây, chẳng qua sau đó hắn liền bị các nạn dân lưu vong hấp dẫn rồi.
Có một số nạn dân xuất hiện triệu chứng nôn mửa, sưng vù.
Dịch bệnh nói chung có hàng trăm hàng ngàn loại, nói riêng thì có khoảng mấy chục loại, có đôi khi cùng một loại bệnh, nhưng căn nguyên khác nhau, thể chất khác nhau, cách chữa trị đương nhiên cũng khác nhau.
Tuỳ tiện chẩn bệnh, là sự suy thoái nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức của người hành nghề y. Vậy nên nếu muốn hiểu đúng về căn bệnh, thì Vệ Thiếu Tư cần phải bắt mạch châm cứu cho càng nhiều người càng tốt.
Trong bầu không khí tanh tưởi, các nạn dân bởi vì lưu vong và dịch bệnh mà có vẻ chật vật bất kham, Vệ Thiếu Tư ăn mặc sạch sẽ hiển nhiên có chút nổi bật, chẳng qua do khí thế của mấy vệ binh đi theo Triệu Hâm, thành ra không có ai dám chủ động gây chuyện.
Thái y trong cung đã đến đây được một thời gian, đáng tiếc vẫn chưa có kết quả.
Cũng may hôm nay Triệu Hâm đi cùng với vệ binh, nếu là thị nữ, e rằng khi nhìn thấy hiện trạng này, cho dù không hoa dung thất sắc[17], thì cũng là khuyên Triệu Hâm trở về, tránh cho làm bẩn quý thể đi.
Tuy mấy vệ binh có hơi kinh ngạc, nhưng vẫn bảo trì trạng thái trầm mặc, làm tròn chức trách của một vệ binh, canh giữ bên cạnh công chúa, tận lực không để nạn dân tới gần người.
Triệu Hâm tháo mũ áo choàng, nhẹ nhàng ngồi xuống, tự mình bắt mạch cho một vị lão nhân có vẻ suy yếu đang ngồi ở một chỗ cách nàng không xa.
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho Triệu Hâm hạ quyết tâm đến nơi này, chỉ có một mình Vệ Thiếu Tư, cho dù hắn thực sự lợi hại cũng khó có thể nhanh chóng tìm ra biện pháp chữa khỏi bệnh.
Còn Triệu Hâm, luận y thuật, nàng không hề thua kém Vệ Thiếu Tư, thậm chí là vượt qua hắn, nhưng dưới tình huống không nhìn thấy người bệnh, nàng cũng vô pháp phán đoán, nếu nàng làm được như thế thì nàng không phải thần y nữa, mà là thần tiên rồi.
Tác giả có lời muốn nói: Nếu tò mò nữ chủ sống ở đạo quan như thế nào, thì các tiểu thiên sứ có thể tham khảo tư liệu về Ngọc Chân công chúa[18] nha, đại khái là kiểu tôn quý nhưng không có thực quyền đó.
Nữ chủ sẽ chủ động bắt mạch cho người khác, bởi vì trong lòng nàng không thực sự xem bản thân như công chúa tôn quý, dù sao trong các thế giới trước đây nàng cũng từng hành nghề y cứu người giúp đời không ít lần.
Ngược lại tập mãi thành thói quen.
Chương này hơn 3000 chữ đấy, có nhiều không nào
Cầu bình chọn cầu bình luận nha
[1] Thần thanh khí sảng: Tinh thần thoải mái dễ chịu.
[2] Dao sắc chặt đay rối: Giải quyết dứt khoát.
[3] Nam nữ thụ thụ bất thân: Đàn ông và phụ nữ không nên trực tiếp đụng chạm thân thể.
[4] Sở tư sở lự: Đăm chiêu lo nghĩ.
[5] Vô năng vi lực: Không có sức, không có khả năng để làm việc gì đó, bất tài vô dụng.
[6] Tam tòng tứ đức: Là những quy định mang tính nghĩa vụ đối với phụ nữ phương Đông thời xưa xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo.
[7] Cầm kỳ thi hoạ (琴棋詩畫): Chỉ bốn thứ tài năng khi tiêu khiển mà con người trong xã hội cũ, đặc biệt là phụ nữ, cần phải có (cầm - kỳ - thi - hoạ, tức là giỏi đánh đàn, đánh cờ, làm thơ, và vẽ giỏi).
[8] Thiên phú dị bẩm: Trời cho năng khiếu khác thường.
[9] Dốt đặc cán mai: Là cách nói hình tượng, nhấn mạnh thêm của "dốt đặc". "Đặc" chẳng khác nào cái cán mai làm bằng gỗ, tức không biết một tí gì
[10] Quân tử lục nghệ: Là hệ thống giáo dục cơ bản của văn hoá Trung Quốc cổ đại theo hướng Nho giáo, hoặc cũng để gọi các loại học vấn cao cấp của giáo dục nói chung. Cách gọi này có hai hàm nghĩa, một là án theo cổ truyền từ Chu lễ, hoặc là theo cách nói của Khổng Tử.
Từ triều đại nhà Chu, án theo Chu lễ, các học sinh được yêu cầu phải nắm vững sáu môn nghệ thuật bao gồm: lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (thư pháp) và số (Toán học). Những người đàn ông xuất sắc trong sáu nghệ thuật này được cho là đã đạt đến trạng thái hoàn hảo, gọi là một quân tử.
Khái niệm Lục nghệ thời nhà Chu được hình thành phát triển trong thời kỳ tiền phong kiến. Nó là sự kết hợp cả các môn nghệ thuật về quân sự và dân sự. Mỗi phần của nó lại chia ra các khái niệm tỉ mỉ, gồm:
- Lễ, phân ra Ngũ lễ, gồm: Cát, Hung, Tân, Quân, Gia.
- Nhạc, phân ra Lục nhạc, gồm: Vân môn, Đại hàm, Đại thiều, Đại hạ, Đại hoạch, Đại vũ.
- Xạ, phân ra Ngũ xạ, gồm: Bạch thỉ, Tham liên, Diệm chú, Tương xích, Tỉnh nghi.
- Ngự, phân ra Ngũ ngự, gồm: Minh hòa loan, Trục thủy khúc, Quá quân biểu, Vũ giao cù, Trực cầm tả.
- Thư, phân ra Lục thư, gồm: Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh, Chuyển chú, Giả tá.
- Số, phân ra Cửu số, gồm: Phương điền, Túc mễ, Soa phân, Thiếu quảng, Thương công, Phương trình, Doanh bất túc, Bàng yếu.
Sang thời nhà Hán trở về sau, Lục nghệ lại thường ám chỉ đến Lục kinh, gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Khi Hán Vũ Đế chấn hưng Thái học, lập nên Ngũ kinh Tiến sĩ, chuyên dùng Lục nghệ để giáo dục.
[11] Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ: Câu đầy đủ là "Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, xuất tổ chi tân, mạc phi vương thần", nghĩa là "Khắp dưới bầu trời, đâu chẳng là đất của vua, người sống trên đất ấy, ai chẳng là thần dân của vua".
[12] Tứ thư ngũ kinh:
"Tứ thư" là bốn tác phẩm kinh điển, của nho học Trung Hoa. Tứ thư được Chu Hy, thời nhà Tống lựa chọn. Bao gồm các cuốn như: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.
- Đại Học: Cuốn này vốn là một thiên trong bộ "Lễ kí". Thời nhà Tống đã tách thiên này ra thành sách riêng.
- Trung Dung: Cuốn này cũng là một thiên trong bộ "Lễ kí". Với khẳng định ý niệm cho rằng, không thiên lệch không dựa dẫm. Giữ mức trung hòa bình thường, đó là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Đồng thời là nguyên tắc cơ bản, để xử lí mọi công việc.
- Luận Ngữ: Trong cuốn sách này, các đệ tử của Khổng Tử, ghi lại các hành động, cũng như lời nói của Khổng Tử. Nội dung trong đó, là những buổi nói chuyện của Khổng Tử. Trả lời các câu hỏi của đệ tử, lại có những cuộc nghị luận, giữa các đệ tử của Khổng Tử.
- Mạnh Tử: Là cuốn sách ghi lại các quan điểm, tư tưởng và hoạt động của Mạnh Tử. Cùng với các đệ tử của ông, về các mặt chính trị, triết học, giáo dục... Đó là tư liệu chủ yếu để nghiên cứu về Mạnh Tử.
"Ngũ kinh" hay cũng có tên gọi khác, đó là "Ngũ thư". Ngũ Kinh, là 5 cuốn sách kinh điển, của các nhà văn học Trung Hoa. Năm cuốn sách này có các tên như: Kinh thi, kinh thư, kinh lễ, kinh dịch, kinh xuân thu.
- Kinh Thi là tổng tập thi ca, có sớm nhất ở Trung Quốc. Vì thế sách này, được các nhà nho, liệt vào hàng kinh điển. Do đó có cái tên là Kinh thi.
- Kinh Thư là cuốn sách, sưu tầm các văn kiện lịch sử, thời cổ của Trung Quốc. Trong đó còn có một số thiên chương, tường thuật những sự tích, và trước tác thời cổ đại. Tương truyền sách này, cũng do Khổng Tử biên soạn, nhưng có một số thiên chương rõ ràng, là do các nhà nho đời sau bổ sung.
- Kinh Lễ còn gọi là Nghi Lễ, là cuốn sách sưu tầm về các lễ nghi, và quy tắc đạo đức, trong thời kì Xuân Thu Chiến quốc.
- Kinh Dịch hay Chu Dịch, là sách thông qua hình thức "bát quái đồ ", để suy ra những sự biến hóa, trong giới tự nhiên và xã hội. Sách này cho rằng trong vũ trụ, có hai lực lượng "âm" và "dương", tác động lẫn nhau, và đó là căn nguyên của vạn vật. Trong đó có nhiều quan điểm, mang tư tưởng biện chứng pháp đơn giản.
- Kinh Xuân Thu: Truyền thuyết cho rằng Khổng Tử, đã lấy sách Xuân Thu. Do sử quan của nước Lỗ biên soạn, để chỉnh lí bổ sung, rồi tạo thành sách này.
[13] Mặt ủ mày chau: Tả vẻ mặt buồn rầu, đau khổ.
[14] Lê dân bá tánh (黎民百姓): Tương truyền vào khoảng 5000 năm trước, ở vùng Trung Nguyên có vài bộ tộc lớn có sức mạnh và hung hãn nhất. Đó chính là các tộc Hoàng Đế, tộc Viêm Đế, Di tộc, Cửu Lê tộc. Cửu Lê tộc nằm ở phương nam, nhiều lần có xung đột với Viêm Đế tộc.
Về sau, hai tộc Hoàng Đế và Viêm Đế liên minh với nhau tổng cộng hơn trăm thị tộc lớn nhỏ chống lại Cửu Lê tộc. Kết quả là Cửu Lê tộc bị đánh bại. Kể từ đó "bá tánh" hay "bách tính" chính là từ ngữ dùng để gọi con cháu Viêm Hoàng, còn những tù binh bị bắt của Cửu Lê tộc được gọi là "Lê dân".
Trải qua sự phát triển hàng ngàn năm của xã hội, giữa các bộ tộc không còn có sự phân biệt rạch ròi nữa mà đã được dung hợp lại. Từ "Lê dân" vì thế mà không còn được sử dụng theo nghĩa ban đầu của nó. "Lê dân" và "bá tánh" đã trở thành từ ngữ tương đồng về mặt ngữ nghĩa và đều có nghĩa là quần chúng nhân dân.
[15] Bất nộ tự uy: Mô tả một người, mặc dù không giận, nhưng vẫn không hề suy giảm tính khí trang nghiêm.
[16] Bừng tỉnh đại ngộ (恍然大悟): Chỉ tình huống bất chợt hiểu ra một chuyện mà trước nay luôn không hiểu.
[17] Hoa dung thất sắc: Khuôn mặt xinh đẹp hoảng hốt sợ hãi.
[18] Ngọc Chân công chúa: Là em gái của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, từng tâu lên Hoàng đế rằng: "Phụ thân bằng lòng cho muội xuất gia. Vậy mà hiện tại vẫn được phong hiệu là công chúa, hưởng tô thuế của thiên hạ, thật không thích hợp. Thỉnh xin hoàng đế ca ca thu lại phong hiệu công chúa và phong ấp của muội".
Huyền Tông tất nhiên không phê chuẩn. Nhưng không lâu sau, công chúa lại tâu lên: "Muội là cháu gái của Cao Tông, con gái của Duệ Tông và là em gái của hoàng đế ca ca. Với thân phận ấy mà nói, không cần thêm danh hiệu công chúa, ban đất phong cũng đã đủ tôn quý rồi. Thỉnh xin bệ hạ thu lại tài sản cùng đất phong của muội. Tích đức cho người dân, muội đây cũng có thể hưởng thêm mấy năm thọ mệnh". Đường Huyền Tông thấy em gái ý chí đã quyết, cũng đành phải đồng ý chuẩn tấu.
Năm 712, Ngọc Chân xuất gia làm đạo sĩ, xây dựng đạo quán, lại bái đạo sĩ Sử Sùng Huyền làm thầy. Sùng Huyền bấy giờ rất có thanh thế. Mỗi ngày ông đến giảng dạy thường có hàng chục nghìn người lui tới đạo quán.
==========
Tư liệu về Ngọc Chân công chúa ít quá, hu hu T^T