ĐÊM TRĂNG NĂM THỨ BA MƯƠI - VÂN HƯƠNG THANH NỊNH

Trong điện Tử Thần, ngự tọa được chế tác từ gỗ tử đàn kim diệp, hoa văn chạm khắc tinh xảo, phía trên lót đệm mềm êm ái. Thịnh A Man lóng ngóng quỳ xuống trước Thánh nhân đang ngồi trên ngự tọa, hành lễ ba quỳ chín lạy không mấy chuẩn mực. Đến khi ngẩng đầu lên, nàng mới được tận mắt nhìn thấy dung nhan Thánh nhân.

Chỉ thấy dung mạo Thánh nhân tú nhã, khí chất trong trẻo như ngọc, quả nhiên giống như lời truyền tụng trong dân gian, người là một mỹ nam tử hiếm có. Thái hậu ẩn mình sau rèm châu, nàng không thể nhìn rõ mặt bà. Thái hậu thoái vị từ lâu, bình thường chỉ ẩn cư tại cung Bồng Lai, không phải đại sự thì sẽ không xuất hiện. Có lẽ vì bị cáo lần này là cháu ngoại của mình, nên Thái hậu mới phá lệ, ngồi sau màn che trấn giữ điện Tử Thần.

Hai người này chính là đấng chí tôn của Đại Chu, là những người cả đời này nàng chưa từng nghĩ sẽ có ngày được gặp mặt. Thịnh A Man quỳ trên mặt đất, đầu ngón tay căng thẳng đến mức như muốn khứa vào sàn gỗ mun. Trong tai nàng vang vọng lời nhắn của Thôi Tuần: “Đừng sợ.”

Lời nói ấy giúp nàng dần bình ổn lại. Phải, nàng đến để kêu oan cho a huynh, nàng không sai, nàng không cần phải sợ.

Thịnh A Man cúi đầu, dõng dạc nói: “Dân phụ Thịnh A Man, khấu kiến Thái hậu, khấu kiến Thánh nhân.”

Long Hưng Đế gật đầu, thanh âm nhẹ nhàng, thanh tao như vẻ bề ngoài: “Thịnh A Man, ngươi gõ trống Đăng Văn, muốn tố cáo ai?”

“Dân phụ muốn tố cáo Thẩm quốc công Thẩm Khuyết.” Thịnh A Man nghẹn ngào, từng chữ rõ ràng: “Tố cáo hắn gi.ết ch.ết a huynh của dân phụ, Ngu hầu Thiên Uy quân, Thịnh Vân Đình!”

“Ngươi hãy kể rõ ra xem.”

“Năm nay vào tiết Hàn Thực, tại tiệc thưởng xuân, đó là lần đầu dân phụ gặp Thẩm quốc công Thẩm Khuyết. Tại yến tiệc, hắn không tiếc lời nhục mạ dân phụ, còn nói rằng hắn làm vậy là vì a huynh của dân phụ, Thịnh Vân Đình.”

Nghe đến đây, Đại Lý Tự Thiếu khanh Lư Hoài vốn đang sa sút tinh thần bỗng ngẩng đầu lên. Hắn nhớ ra rồi, người đang quỳ giữa đại điện, chẳng phải chính là tỳ bà cơ từng bị Thẩm Khuyết sỉ nhục hôm đó sao?

Hôm ấy, khi thấy cảnh Thẩm Khuyết nhục mạ nàng, hắn không đành lòng, muốn lên tiếng can thiệp, nhưng bị bằng hữu Vương Huyên ngăn lại. Cuối cùng, vì nể mặt thúc phụ, hắn đành kìm nén, giận dữ rời đi, không can dự thêm.

Về sau, hắn nghe nói Thôi Tuần vì nàng mà xung đột với Thẩm Khuyết trong yến tiệc. Thẩm Khuyết chịu thiệt thòi không nhỏ. Nghĩ đến đây, Lư Hoài cúi đầu, sắc mặt u sầu, vẻ mặt hối hận.

Hắn tự vấn: Thôi Tuần còn dám đứng ra, tại sao ta lại thua kém một kẻ tiểu nhân như Thôi Tuần? Nguyên tắc làm người của ta đâu? Những cuốn sách Thánh hiền ta đọc đâu? Câu đối “kẻ phạm pháp, dù thân thích cũng phải phạt” mà ta từng viết đâu? Ta, Lư Hoài, liệu có xứng mặc quan phục này, làm một vị Thiếu khanh tứ phẩm của Đại Lý Tự không?

Lư Hoài còn đang đau khổ giằng xé, Thịnh A Man đã tiếp tục kể lại: “Khi đó, dân phụ đã cảm thấy rất kỳ lạ. Lúc sinh thời, a huynh của dân phụ chẳng qua cũng chỉ là một Ngu hầu nhỏ nhoi, còn Thẩm Khuyết lại là Quốc công, sao phải căm hận a huynh của dân phụ đến như thế? Về sau, Thẩm Khuyết bôi nhọ danh tiết của dân phụ, lại nạp dân phụ làm thiếp. Ở phủ Quốc công, hắn không ít lần buông lời nhục mạ a huynh của dân phụ. Vì nghi ngờ nên dân phụ quyết định theo hắn đi đày đến Lĩnh Nam, mượn cơ hội tìm kiếm chứng cứ.”

Nghe đến đây, mười học sĩ Quốc Tử Giám đều ánh lên vẻ kính phục. Phải biết rằng, Lĩnh Nam đường sá hiểm trở, Thịnh A Man chỉ là một nữ tử yếu ớt, vì báo thù cho anh trai mà nàng dám liều mình, đúng là hết sức đáng kính.

Thịnh A Man nói tiếp: “Sau khi dân phụ và Thẩm Khuyết đến Lĩnh Nam, dân phụ giả vờ thuận theo để lấy lòng tin của hắn. Cuối cùng, một ngày nọ, dân phụ chuốc cho hắn say mèm. Trong cơn say, hắn nghẹn ngào bảo rằng mình có lỗi với dân phụ. Dân phụ hỏi hắn có lỗi gì, hắn đáp, hắn đã giết a huynh của dân phụ.”

Nhớ lại lời thú tội của Thẩm Khuyết trong cơn say, nước mắt Thịnh A Man lã chã tuôn rơi. Nàng nức nở nói: “Thẩm Khuyết bảo rằng sáu năm trước, a huynh của dân phụ bị vây khốn cùng với Thiên Uy quân, phải đến Trường An cầu viện. Khi đi ngang trạm dịch Trường Lạc, huynh ấy đã bị Thẩm Khuyết và phu nhân của Bùi Quan Nhạc là Vương Nhiên Tê lừa vào trong, rồi bị loạn đao chém chết. Thi thể bị chôn dưới cửa Thông Hóa, mãi đến sáu năm sau mới được phơi bày…”

Thịnh A Man đã khóc không thành tiếng, nàng dập mạnh đầu: “A huynh của dân phụ chết quá oan uổng! Cầu xin Thái hậu và Thánh nhân tra xét, bắt Thẩm Khuyết, trả lại công đạo cho a huynh của dân phụ!”

Trán nàng đập xuống nền gỗ đến đỏ bầm. Chư thần và các học sĩ Quốc Tử Giám đều xì xào bàn tán. Trên ngự tọa, Thánh nhân mặt không đổi sắc, sau rèm châu, biểu cảm của Thái hậu càng không rõ là vui hay giận. Một lát sau, Thánh nhân chậm rãi lên tiếng: “Thịnh A Man, đây chỉ là lời nói từ một phía của ngươi. Ngươi có chứng cứ nào không?”

“Có!” Thịnh A Man lau nước mắt: “Khi Thẩm Khuyết giết a huynh của dân phụ, trường kiếm và giáp trụ của hắn đều thấm đầy máu a huynh. Hắn nói, hắn ghê tởm máu của a huynh dân phụ thấp hèn, nên đã vứt kiếm, cởi giáp, ra lệnh cho thuộc hạ tên Dương Hành đem chôn. Chỉ cần bắt được Dương Hành tra khảo, ắt sẽ tìm ra kiếm và giáp trụ, mọi chuyện sẽ dần có manh mối.”

Nghe xong, Thánh nhân liếc sang Lư Dụ Dân. Ông ta bước ra khỏi hàng, nói: “Bẩm Thái hậu, Thánh nhân, cho dù đào được thanh kiếm và giáp trụ, cũng không thể chứng minh điều gì. Biết đâu được, có kẻ cố tình mua chuộc Dương Hành, bảo hắn chôn những thứ này nhằm ngụy tạo bằng chứng. Chỉ dựa vào lời nói phiến diện của một nữ nhân mà bắt giam Quốc công thế tập, thần cho rằng không thỏa đáng.”

Thịnh A Man nghe vậy, liền phẫn nộ: “Các người còn chưa bắt được Dương Hành mà đã nghi có người mua chuộc hắn? Hơn nữa, ta là nữ nhân thì sao? Nữ nhân nói thật lại bị coi là phiến diện? Nếu đã vậy, chi bằng sửa luật Đại Chu, cấm toàn bộ nữ nhân không được phép cáo trạng cho xong!”

Lư Dụ Dân chưa bao giờ bị người khác mắng thẳng mặt như vậy. Ông ta đỏ mặt tía tai, môi run lên, mãi mới nghẹn ra hai chữ: “Điêu phụ!”

Thánh nhân buộc phải lên tiếng: “Thịnh A Man, không được vô lễ!”

Thịnh A Man nghiến chặt răng, không thốt một lời. Lại có một người thuộc Lư đảng bước ra, cao giọng nói: “Thịnh A Man vốn là nhạc cơ giáo phường, loại đàn bà này ham phú phụ bần, bạc tình vô nghĩa. Chắc vì cuộc sống ở Lĩnh Nam quá khổ cực nên nàng ta muốn hòa ly với Thẩm quốc công, bịa ra câu chuyện hoang đường này. Nếu chỉ dựa vào lời vu khống của một kỹ nữ mà bắt bớ hoàng thân quốc thích, chẳng phải sẽ khiến thiên hạ chê cười sao?”

Nếu như lời của Lư Dụ Dân vừa rồi vẫn chừa cho chút đường lui, thì lời nói của viên đại thần kia chính là sự miệt thị tr.ần trụi. Sắc mặt Thôi Tuần và Lư Hoài đều biến đổi, ngay cả mười học tử Quốc Tử Giám cũng lộ rõ vẻ bất bình. Thịnh A Man giận đến mức toàn thân run rẩy, nàng hét lớn: “Ngươi nói bậy!”

Viên đại thần bị mắng đến ngây người. Thịnh A Man nói tiếp: “Ta là kỹ nữ, vậy Thẩm Khuyết từng trói ta vào giường, bất chấp ý nguyện của ta hãm hiếp ta là thứ gì? Là cầm thú sao? Kỹ nữ không xứng kiện cáo, nhưng cầm thú lại xứng làm hoàng thân quốc thích?”

Lời nàng thốt ra quá thẳng thừng, khiến sắc mặt của Long Hưng Đế lập tức đổi khác. Sau rèm châu, Thái hậu ho khan thành tiếng. Vị lão thần ngoài sáu mươi tuổi kia mặt mũi đỏ gay, run run chỉ vào Thịnh A Man, mãi sau mới mắng được một câu: “Ngươi… ngươi thật… vô liêm sỉ!”

Thịnh A Man cười lạnh: “Thẩm Khuyết làm được, tại sao ta lại không nói được? Sao ngài không mắng Thẩm Khuyết làm chuyện vô sỉ đi?”

Vị đại thần ấy vừa xấu hổ vừa giận dữ, ấp úng hồi lâu không nói nổi lời nào. Long Hưng Đế đành lên tiếng hòa giải: “Thịnh A Man, hôm nay triệu ngươi đến là để làm rõ chuyện Thẩm Khuyết giết huynh trưởng ngươi, không được lạm bàn chuyện khác.”

Nhưng lần này, Thịnh A Man không chịu im lặng. Nàng bỗng bật cười, giọng chua xót: “Ta hiểu rồi. Nào là nói Dương Hành bị mua chuộc, nào là nói ta là kỹ nữ. Ta là nguyên cáo, lại một đám người tụ lại soi mói bắt bẻ đủ điều, trong khi Thẩm Khuyết là bị cáo, ngay cả một lời hỏi cung cũng không buồn hỏi tới. Chẳng phải chỉ vì Thẩm Khuyết là anh họ của Thánh nhân thôi sao? Thánh nhân không muốn trừng phạt anh họ của mình, Thái hậu không muốn trách phạt cháu trai của mình. Nhưng mạng của a huynh ta thì sao? Huynh ấy chỉ là một Ngu hầu nho nhỏ, còn chưa làm đến chức cửu phẩm, thế nên ai thèm để ý chứ?”

Lời này như sấm nổ ngang tai, khiến Long Hưng Đế trợn mắt không thốt được câu nào, văn võ bá quan cùng chết lặng. Lư Dụ Dân là người phản ứng trước tiên, lớn tiếng: “Điêu phụ! Láo xược!”

Kim Ngô vệ lập tức rút gươm, quát: “Láo xược!”

Ánh thép lạnh lẽo lóe sáng phản chiếu vào đôi mắt Thịnh A Man. Nàng nhấc nhẹ ống tay áo che đi ánh mắt. Trong điện Tử Thần rộng lớn, sau rèm châu là Thái hậu đang ngồi uy nghi, trên ngự tọa là Thánh nhân cao cao tại thượng, dưới đại điện là quần thần đông nghịt như mây cùng nhưng học sĩ của Quốc Tử Giám. Ở đây, bất kỳ ai cũng có thân phận và địa vị cao quý hơn nàng. Mỗi mình nàng đang quỳ là thấp hèn, yếu ớt, như một con kiến nhỏ bé bị họ mặc sức chà đạp. Dù có bị giẫm chết, nàng cũng không đủ sức kêu lên.

Bỗng nhiên, Thịnh A Man bật cười lớn. Lư Dụ Dân nhíu mày, tức tối quát: “Nữ nhân ngông cuồng! Ngươi cười cái gì?”

Thịnh A Man không trả lời, chỉ chậm rãi đứng dậy. Trước sự kinh ngạc của Lư Dụ Dân, nàng bước tới đối diện ông ta: “Lư tướng công phải không? Dân gian ca tụng ngài thanh liêm chính trực, một lòng vì bách tính. Nhưng chẳng lẽ ta không phải bách tính? Chẳng lẽ a huynh của ta không phải bách tính? Thanh liêm chính trực của ngài đâu rồi? Một lòng vì dân của ngài đâu rồi? Hay ngài nên nói thẳng với thiên hạ rằng ngài chỉ là một kẻ giả tạo, hám danh, chỉ những kẻ như Thẩm Khuyết, là hoàng thân quốc thích, mới xứng đáng làm bách tính, mới xứng đáng để được ngài bảo vệ?”

Lư Dụ Dân giận đến mức mặt xanh mét. Thịnh A Man lại bước đến trước mặt Thôi Tụng Thanh, người từ đầu đến cuối vẫn im lặng: “Thôi tướng công, danh tiếng của ngài lớn lắm, đến ta cũng nhận ra ngài. Ngài là Bạch y Khanh tướng, đã mở đường cho biết bao học trò nghèo vươn lên làm quan. Nhưng a huynh của ta, Thịnh Vân Đình, cũng xuất thân hàn vi. Tuy huynh ấy không phải người đọc sách, lại là một người thô thiển, nhưng đã có mười năm trấn giữ biên cương, mang bao thương tích lớn nhỏ. Chính nhờ những người như huynh ấy nên ngài mới có thể an nhàn ngồi ở nhà, nghĩ cách giúp học sĩ hàn môn nhập vào quan trường. Huynh ấy giúp ngài thực hiện mộng tưởng, còn ngài thì sao? Ngay cả lấy lại công bằng cho huynh ấy, ngài cũng không muốn. Vậy, ngài xứng đáng được gọi là Bạch y Khanh tướng sao?”

Thôi Tụng Thanh bàng hoàng, còn chưa kịp phản ứng thì Thịnh A Man đã bước lên trước mặt Lư Hoài: “Vị tướng công này, ta không quen biết ngài. Ngài không nói gì, phải chăng cũng cảm thấy ta không nên tố cáo? Nhưng, ngài không có huynh đệ của mình ư? Ngài không có tỷ muội nào sao? Nếu người thân chí cốt của ngài bị sát hại tàn nhẫn, ngài vẫn không muốn báo thù? Đừng nghĩ rằng chuyện này không liên quan đến ngài. Ngài là đại quan, nhưng vẫn còn những kẻ quyền thế hơn ngài. Hôm nay, người chịu oan ức không thể giãi bày là ta – Thịnh A Man, nhưng một ngày nào đó, đó có thể sẽ là bất kỳ ai trong số các vị đang ngồi trong điện này.”

Nàng lại bước đến trước mặt đám học trò của Quốc Tử Giám: “Chư vị đều là người đọc sách Thánh hiền, cao quý hơn ta. Ta tuy thấp hèn, nhưng cũng biết câu nói: “Vương tử phạm pháp, đồng tội với thứ dân.” Các vị dùi mài kinh sử, cũng là để một ngày có thể tận tâm cống hiến cho quốc gia. Nhưng nếu quốc gia này, vì che chở cho một kẻ ăn chơi trác táng không chuyện ác nào không làm, mà nhắm mắt làm ngơ trước nỗi oan của một tướng sĩ bảo vệ bờ cõi, thử hỏi, các vị đọc sách vì cái gì? Cống hiến vì cái gì?”

Mười học sĩ đồng loạt đứng hình. Trán Long Hưng Đế đã nổi gân xanh. Lư Hoài giận dữ, chỉ vào Thịnh A Man, tay run rẩy, định mắng nàng đại nghịch bất đạo, lập tức ra lệnh áp giải nàng khỏi điện. Nhưng ông ta còn chưa mở lời, đã thấy Thôi Tuần trong bộ quan phục đỏ thẫm bỗng nhíu mày.

Thôi Tuần bước ra, tay cầm hốt bản bằng ngà voi, giọng điệu lạnh lùng: “Câm miệng!”

Thịnh A Man sửng sốt. Thôi Tuần quát: “Quỳ xuống!”

Nàng bất động, hắn lặp lại, giọng càng nghiêm khắc: “Quỳ xuống!”

Giọng nói ấy khiến nàng ngơ ngẩn. Hắn gần như chưa từng nói chuyện với nàng bằng ngữ điệu này. Thế nhưng, chính giọng điệu ấy khiến nàng bất giác nhớ lại người anh đã khuất. Thuở nhỏ, mỗi lần nàng gây họa, người ấy sẽ trách mắng nàng như vậy, rồi sau đó âm thầm thu dọn rắc rối, thay nàng nhận lỗi.

Ký ức ùa về, nàng lại nhớ trước khi vào điện Tử Thần, hắn đã mạo hiểm nhắc nhở nàng rằng chỉ có một cơ hội duy nhất để thuyết phục những người trong điện. Nhưng có lẽ nàng… đã làm hỏng tất cả.

Mũi A Man cay xè, nàng cúi đầu, ngơ ngác quỳ xuống. Khoảnh khắc ấy, trái tim nàng như trút bỏ gánh nặng. Nàng biết mình đã nói những lời khi quân phạm thượng, nhưng không sao, cùng lắm là chịu cảnh tru di. Nàng không sợ. Chết rồi, xuống đến Địa phủ gặp lại a huynh, nàng vẫn sẽ ngẩng cao đầu mà không phải hổ thẹn.

Thôi Tuần hành lễ với Thái hậu và Long Hưng Đế, nói: “Điêu phụ này vì cái chết của huynh trưởng mà đau lòng quá độ, ăn nói điên rồ. Xin Thái hậu và Thánh nhân giáng tội.”

Thái hậu và Long Hưng Đế chưa kịp lên tiếng thì Lư Dụ Dân đã không kìm được mà gầm lên: “Thôi Tuần! Ngài bớt làm bộ làm tịch đi! Ai chẳng biết ngài từng vì ả đàn bà này mà động thủ với Thẩm Khuyết? Ngài định lấy cái cớ đau lòng quá độ để ả sẽ được miễn tội hay sao?”

Thôi Tuần thản nhiên đáp: “Điêu phụ này tất nhiên đáng tội chết. Nhưng thưa Lư tướng công, các người vừa mắng nàng vu cáo, vừa nhục mạ nàng là kỹ nữ, cả một đám nho sĩ đọc sách Thánh hiền, lại dùng những lời cay nghiệt để ức hiếp một nữ tử yếu đuối đã mất đi huynh trưởng, làm vậy mới phải đạo hay sao?”

Lư Dụ Dân tức đến bật cười, nói: “Thôi Thiếu khanh, hôm nay ngài định che chở ả đàn bà này đến cùng đúng không?”

Thôi Tuần chỉ nhếch môi, nụ cười đầy vẻ giễu cợt, rồi quay người quỳ xuống trước mặt Long Hưng đế. Hắn gỡ chiếc mũ quan trên đầu, đặt sang một bên, sau đó dập đầu nói: “Thịnh Vân Đình trấn thủ biên cương mười năm, tận trung báo quốc. Nay y chết không rõ ràng, máu chảy nhuộm đỏ hung khí, vậy mà vẫn bị hung thủ khinh miệt là huyết mạch hèn kém. Thật là bi ai! Thật là đáng hận! Hạ thần xin lấy chức vụ Thiếu khanh của Sát Sự Thính và tính mạng của mình, khẩn cầu Thái hậu và Thánh nhân điều tra đến cùng vụ án này, đừng để trung hồn nơi cửu tuyền phải lạnh giá!”

Nói xong, Thịnh A Man ngẩng đầu, ngỡ ngàng nhìn hắn. Nàng không dám tin, hắn lại vì a huynh mà lấy cả chức vị và tính mạng ra cầu xin. Không phải hắn rất thích quyền lực sao? Không phải hắn rất sợ chết sao? Vậy tại sao hắn lại làm như vậy?

Trong hàng ngũ bá quan, Lư Hoài nắm chặt tay. Chỉ một ý nghĩ vang vọng trong đầu hắn: Ngay cả Thôi Tuần cũng đứng ra vì chính nghĩa, chẳng lẽ ta còn thua kẻ mà ta khinh thường nhất? Nếu hôm nay ta không đứng lên, liệu ta còn mặt mũi gì để coi thường hắn? Liệu ta còn xứng đáng làm người không?

Hắn nghiến răng, không nhìn sắc mặt tái xanh của Lư Dụ Dân, nhanh chóng bước ra khỏi hàng, quỳ xuống dập đầu: “Hạ thần Lư Hoài cũng nguyện lấy chức vị và tính mạng của mình, khẩn cầu Thái hậu và Thánh nhân điều tra đến cùng vụ án này.”

Mười học sĩ Quốc Tử Giám liếc nhìn nhau. Lư Hoài từng là Quốc Tử Tư nghiệp, họ rất kính trọng hắn. Huống hồ, những lời A Man nói ban nãy vẫn khiến lòng họ dậy sóng. Một quốc gia, nếu chỉ biết chăm lo cho hoàng thân quốc thích mà bỏ mặc những tướng sĩ đã đổ máu hy sinh, để gia quyến của những trung hồn phải chịu nhục nhã và oan khuất, vậy quốc gia ấy còn đáng để họ bảo vệ? Những tháng ngày gian khổ học hành của họ, còn có ý nghĩa gì không?

Cả mười người đồng loạt quỳ xuống thưa: “Chúng thần đại diện ba nghìn hai trăm học sĩ sáu học phái Quốc Tử Giám, khẩn cầu Thái hậu và Thánh nhân điều tra đến cùng vụ án này.”

Theo sau họ, ngày càng có nhiều đại thần bước ra quỳ lạy. Những đại thần này, có người thuộc thanh lưu, cũng có người thuộc Thôi đảng hoặc Lư đảng. Dù sao, lòng họ vẫn còn một chút lương tri, không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước cảnh tướng sĩ tắm máu trên sa trường lại bị đối xử bất công như vậy.

Sau rèm châu, Thái hậu cuối cùng cũng lên tiếng, bà thở dài, rồi nói với Long Hưng Đế: “Thánh nhân, người quyết định đi.”

Ý Thái hậu rõ ràng là không muốn che chở cho Thẩm Khuyết thêm nữa. Long Hưng Đế nhìn đám đông quỳ chật dưới điện, im lặng hồi lâu, cuối cùng mới gượng gạo phán: “Trung hồn không thể chịu oan. Truyền chỉ của trẫm, lập tức bắt giữ Thẩm Khuyết, áp giải đến Trường An, điều tra kỹ lưỡng vụ án của Thịnh Vân Đình!”

Bình luận

Truyện đang đọc