ĐÊM TRĂNG NĂM THỨ BA MƯƠI - VÂN HƯƠNG THANH NỊNH

Trong Thôi phủ, Thịnh A Man đã được tắm rửa sạch sẽ, thay bộ y phục mới do lão bộc câm mua về. Nhưng từ đầu đến cuối, nàng không thốt lấy một lời. Chỉ đến khi sắp rời đi, nàng mới nhìn Thôi Tuần, nói: “Tiền mua y phục này, ta sẽ trả lại cho ngươi.”

Thôi Tuần lắc đầu, hắn không để tâm đến số tiền đó, điều hắn muốn biết là tại sao Thịnh A Man lại xuất hiện ở Trường An.

Thế nhưng nàng không nói. Ánh mắt lãnh đạm, nàng chỉ nói ra: “Tuy ngươi cứu ta, nhưng điều đó không có nghĩa ta sẽ tha thứ cho ngươi. Ngươi vĩnh viễn không xứng làm bạn của a huynh ta.”

Lời nói ấy, Thôi Tuần không phải lần đầu nghe thấy, nhưng khi nghe hai chữ “không xứng”, trái tim hắn như bị kim đâm, nỗi đau thấm tận xương tủy. Thịnh A Man không hề quay lại nhìn, chỉ lạnh lùng rời khỏi Thôi phủ.

Sau khi Thịnh A Man đi, Lý Doanh đứng bên cạnh, lòng dạ rối bời. Nàng có thể đoán được phần nào suy nghĩ của Thịnh A Man. 

Ngày trước, Thịnh A Man từng thích Thôi Tuần, nhưng khi ấy, Thôi Tuần là chàng thiếu niên anh tuấn trong Thiên Uy quân, khí phách bừng bừng. Nào ngờ, nàng lại phải tận mắt chứng kiến thiếu niên cao quý mà mình ngưỡng mộ trở thành kẻ phản quốc đầu hàng Đột Quyết. Để giữ mạng, hắn luân chuyển giữa giường công chúa Đột Quyết và Thái hậu Đại Chu. Sau này, lại đắm chìm trong quyền lực, hóa thành tay sai tàn ác. Tất cả mộng tưởng đẹp đẽ thời thiếu nữ của nàng đều sụp đổ.

Cảm giác ấy giống như phát hiện ra ánh trăng sáng ngời mà mình từng ngước nhìn, thật ra lại chỉ là bùn đất dơ dáy dưới chân. Ngay từ đầu, nàng đã nhìn nhầm người.

Đả kích này đối với Thịnh A Man hẳn là vô cùng lớn, nên nàng mới oán hận Thôi Tuần đến vậy. Sau đó, mỗi khi gặp Thôi Tuần, nàng đều không kìm nén được mà buông lời cay nghiệt, thậm chí cố ý xé toạc vết thương lòng của hắn.

Nhưng, Thôi Tuần có tội tình gì?

Điều làm tổn thương hắn nhất không phải là những lời trách móc của dân chúng, mà chính là sự khinh miệt từ gia quyến Thiên Uy quân, những người hắn coi trọng nhất.

Lý Doanh không biết làm sao an ủi Thôi Tuần. Nàng chỉ đứng nhìn hắn sai người đến Sát Sự Thính, nhờ đám vũ hầu bảo vệ sự an toàn của Thịnh A Man. Sau khi mọi việc sắp xếp ổn thỏa, hắn quay sang Lý Doanh, môi mím chặt, nhẹ giọng nói: “Dù sao đi nữa nàng ấy cũng là muội muội của Vân Đình. Ta không thể bỏ mặc nàng ấy.”

Lý Doanh khẽ thở dài. Nàng không tranh luận thêm với hắn về vấn đề này. Dù nàng có nói rằng A Man sai, Thôi Tuần cũng chẳng vui vẻ gì. Vì thế, nàng chuyển sang hỏi: “Vì sao lại Thịnh A Man lại thành nô lệ bỏ trốn? Không phải nàng ấy đã theo Thẩm Khuyết lưu đày đến Lĩnh Nam rồi sao?”

“Ta không biết.” Thôi Tuần đáp, ánh mắt xa xăm: “Nhưng, ta nghĩ chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ rõ thôi.”

Quả nhiên, Thôi Tuần nói không sai. Bởi lẽ, ngay sau khi rời khỏi Thôi phủ, Thịnh A Man đã đi thẳng đến cung Đại Minh. Trước cổng Huyền Vũ được đặt một tảng phế thạch màu đỏ thẫm, bên cạnh là trống Đăng Văn.

Đứng trên phế thạch, gõ ba tiếng trống Đăng Văn, thì có thể kêu oan trực tiếp lên tai thiên tử thông qua sự truyền đạt của tả hữu Giám Môn Vệ.

Đêm ấy tại Đại Minh cung, khi Thái hậu và Thánh nhân đã nghỉ ngơi, tiếng trống Đăng Văn lại vang lên dồn dập. Mỗi tiếng trống là sự dồn nén của phẫn uất và tuyệt vọng, khiến người nghe không khỏi động lòng.

Quan viên từ ngũ phẩm trở lên, bất kể đang ở đâu, đều được đội Kim Ngô Vệ gấp rút mời tới cung Đại Minh. Người thì cưỡi ngựa, kẻ thì ngồi xe, vội vã tiến vào trong đêm.

Trong điện Tử Thần uy nghiêm, giá nến hình rồng làm bằng đồng thau soi rõ gian điện rực sáng như ban ngày. Thái hậu ngồi sau rèm châu, còn Thôi Tuần đứng dưới điện, chăm chú lắng nghe lời trình báo từ tả hữu Giám Môn Vệ: “Nữ tử ấy là Thịnh A Man, là thiếp của Thẩm quốc công Thẩm Khuyết. Nàng ta từng theo từng cùng Thẩm Khuyết lưu đày đến Lĩnh Nam, nhưng lần này đã vượt ngàn dặm từ Lĩnh Nam trở về Trường An, đánh trống Đăng Văn để tố cáo chính phu quân của mình, Thẩm Khuyết. Nàng ta cáo buộc Thẩm Khuyết đã sát hại huynh trưởng của nàng ta, Thịnh Vân Đình, trước đây là Ngu hầu trong Thiên Uy quân.”

Lời vừa dứt, cả điện đều chấn động. Không chỉ vì câu chuyện kỳ lạ “thiếp tố chồng,” mà còn bởi đối tượng bị cáo buộc lại chính là Thẩm quốc công Thẩm Khuyết.

Thẩm Khuyết bị lưu đày đến Lĩnh Nam, ban đầu sống rất khốn khổ. Thế nhưng, từ một tháng trước, khi Thánh nhân phái đặc sứ đến Lĩnh Nam thăm hỏi Thẩm Khuyết, các quan viên nơi đó lập tức nhận ra rằng Thẩm Khuyết chưa hoàn toàn thất sủng. Suy cho cùng, vị quốc công này là ngoại tôn của Thái hậu, biểu huynh của Thánh nhân, mang huyết thống hoàng gia. Vì vậy, thái độ của họ thay đổi, từ lạnh nhạt trở nên cung kính, đồ đạc, gia nhân, vàng bạc như nước chảy vào phủ của Thẩm Khuyết, khiến cuộc sống của hắn dần dễ thở hơn.

Những điều này, các quan viên trong điện Tử Thần đều biết rõ, nhưng tất cả đều giả như không hay. Dù sao Thẩm Khuyết đã là chó rơi xuống nước, còn ai muốn đánh thêm làm gì. Chưa kể, đánh chó còn phải ngó mặt chủ.

Mọi người vốn cho rằng, Thẩm Khuyết chỉ cần lưu đày bảy tám năm rồi sẽ được triệu về Trường An. Không ai ngờ, thiếp thất của hắn lại liều mình, vượt nghìn dặm trở về tố cáo chồng.

Tả bộc xạ Lư Dụ Dân nhíu mày trước tiên: “Thịnh A Man này, trước đây chẳng phải là một nhạc cơ ở giáo phường sao?”

Giám Môn Vệ đáp: “Đúng vậy.”

“Đồi phong bại tục.” Lư Dụ Dân nói: “Trước khi gõ trống Đăng Văn, nàng ta đã tố cáo lên huyện, châu, hoặc Đại Lý Tự chưa? Chỉ khi những nơi đó không nhận đơn, thì mới được phép gõ trống vượt cấp. Nếu chưa, theo luật, đáng bị phạt tám mươi trượng.”

“Đúng là phải phạt mươi trượng.” Giám Môn Vệ khó xử đáp: “Nhưng hình phạt này, nhất thời không tiện thi hành.”

“Vì?”

Giám Môn Vệ ngập ngừng: “Thịnh A Man… nàng ta đang có thai.”

Vượt cấp thượng tấu, phạt tám mươi trượng; thiếp cáo chồng, lưu đày hai năm. những điều này đều đã được đội Giám Môn Vệ nói rõ với Thịnh A Man ngay trước khi nàng đánh trống Đăng Văn. Nhưng A Man vẫn nghiến răng chịu đựng, bất chấp sinh mệnh của mình để gõ trống. Nhớ lại ánh mắt kiên quyết khi ấy của nàng, Giám Môn Vệ cũng không khỏi bái phục nữ tử cứng cỏi, mạnh mẽ như lửa này.

Bách quan trong điện rì rầm bàn luận. Thịnh A Man đang mang thai, đứa trẻ trong bụng nàng đương nhiên là cốt nhục của Thẩm Khuyết, về vai vế còn phải gọi Thánh nhân một tiếng biểu thúc. Một đứa trẻ cao quý như vậy, Giám Môn Vệ nào dám thi hành hình phạt, lỡ xảy ra chuyện gì, họ đâu gánh nổi trách nhiệm.

Có Ngự sử vào tấu: “Bẩm Thái hậu, Thánh nhân, Thịnh A Man là thiếp thất của Thẩm quốc công, nay lấy thân phận thiếp cáo chồng. Thần cho rằng nếu truyền ra ngoài, e rằng sẽ tổn hại thuần phong, nên đưa Thịnh A Man trở về Lĩnh Nam, giao cho Thẩm quốc công nghiêm khắc quản giáo.”

Quần thần đồng loạt tán đồng. Thôi Tụng Thanh hơi nhíu mày. Thẩm Khuyết vốn thuộc phe Lư Dụ Dân, lẽ ra ông ta nên nhân cơ hội này khiến Thẩm Khuyết thân bại danh liệt. Nhưng khi ánh mắt dừng lại ở Thái hậu ẩn hiện sau lớp rèm châu, ông ta lặng lẽ cân nhắc. Quần thần nghị luận không ngớt, song Thái hậu vẫn im lặng. Thẩm Khuyết bị liên lụy trong án miêu quỷ, vốn dĩ phải xử tử, nhưng nhờ đôi giày Thẩm quốc phu nhân tự tay làm trước lúc qua đời, hắn đã bảo toàn được tính mạng. Rõ ràng Thái hậu vẫn nể tình tỷ muội, nên lưu lại cho hắn một con đường sống.

Thôi Tụng Thanh ngẫm nghĩ hồi lâu, Thẩm Khuyết hiện đã bị lưu đày, hơn nữa nghe nói chí khí cũng đã tan biến, chẳng khác gì quân cờ bỏ đi của phe Lư Dụ Dân. Nếu vì Thịnh A Man mà chọc giận cả Thái hậu lẫn Thánh nhân, quả thật không đáng.

Sau khi tính toán kỹ càng, ông ta quyết định giữ im lặng, không phát biểu thêm. Thôi đảng thấy vậy cũng đồng tình việc đưa Thịnh A Man về Lĩnh Nam. Chỉ có vài Ngự sử trong hàng thanh lưu bất bình, cho rằng cần bắt giữ Thẩm Khuyết giải về Trường An xét xử, nhưng tiếng nói nhỏ nhoi của họ đã bị Long Hưng Đế phớt lờ.

Long Hưng Đế ho nhẹ một tiếng, định ra chỉ dụ đưa Thịnh A Man về Lĩnh Nam. Nhưng ngay lúc đó, Thôi Tuần cầm hốt bản bằng ngà voi từ trong hàng bước ra, khom mình, thần thái không kiêu ngạo, cũng không siểm nịnh, hắn nói: “Bẩm Thái hậu, Thánh nhân, thần cho rằng không nên đưa Thịnh A Man trở về Lĩnh Nam.”

Lời vừa dứt, quần thần đồng loạt quay nhìn Thôi Tuần. Hắn đứng thẳng người, dung mạo như bảo ngọc minh châu, nhưng khi mở miệng, lời nào cũng như dao nhọn: “Thời Nghiêu Thuấn đã đặt ra trống Cảm Giá để dân chúng có oan tình được phép gõ trống kêu oan. Từ Nghiêu Thuấn đến nay, đã trải qua mấy nghìn năm, các triều đại đều duy trì trống Đăng Văn trước cổng hoàng cung. Chẳng lẽ ở Đại Chu ta, chiếc trống này lại trở thành vật trang trí vô dụng?”

Lời hắn vừa dứt, một đại thần Lư đảng lập tức phản bác: “Thôi Thiếu khanh, ngài có mối thù riêng với Thẩm Khuyết, nên mới nói như vậy. Nhưng ở chốn triều đình, mọi người đều là thần tử, cần đặt lợi ích chung lên trên, đừng vì tư thù mà mượn cớ gây chuyện.”

Thôi Tuần cười lạnh, ánh mắt đảo qua quần thần. Những khuôn mặt nghiêm nghị, đạo mạo lại hiện lên đầy vẻ giả dối. Trong lòng hắn chỉ cảm thấy nực cười. Ngoài mấy Ngự sử thanh lưu vừa rồi, có ai một lòng vì công? Hay đều đang ngấm ngầm toan tính, tư lợi cho riêng mình?

Ai cũng lớn tiếng nói rằng thiếp không được phép tố cáo chồng, nhưng thử hỏi, có ai thật sự để tâm đến chuyện Thịnh Vân Đình, huynh trưởng của Thịnh A Man, đã bị loạn đao chém chết?

Hắn chậm rãi nhìn viên đại thần vừa ra mặt phản bác, thản nhiên nói: “Giang Tư nghiệp, chính bởi một lòng vì công, nên ta mới kiến nghị không đưa Thịnh A Man về Lĩnh Nam. Nếu làm như vậy, khắp thiên hạ đều sẽ biết rằng trống Đăng Văn của Đại Chu chỉ là vật vô dụng. Xin hỏi Giang Tư nghiệp, ngài muốn khiến bách tính lạnh lòng hay muốn để phiên bang cười nhạo rằng Thánh nhân chẳng những thua kém Nghiêu Thuấn, mà còn không bằng Tiên đế các triều trước?”

Tội danh này vừa được nêu ra, Giang Tư nghiệp lập tức á khẩu, sắc mặt xanh mét. Hắn vội vàng hướng về phía Long Hưng Đế, chắp tay nói: “Thánh nhân, thần tuyệt đối không có ý đó.”

Lư Dụ Dân nổi giận không thôi, bước ra khỏi hàng, nói: “Thôi Thiếu khanh, Thịnh A Man lấy thân phận thiếp thất kiện phu quân, đây chính là đại nghịch bất đạo. Loại nữ nhân xảo trá này, đưa nàng về nhà chồng để nghiêm khắc quản giáo thì có gì là không đúng?”

Thôi Tuần cười lạnh: “Lư tướng công, xin hỏi một câu luật lệ Đại Chu có điều khoản nào quy định thiếp không được phép kiện phu? Nếu thiếp kiện phu là nữ nhân xảo trá, vậy nếu phu quân mưu phản, thiếp cáo giác, thì thiếp đó nên được coi là liệt nữ hay là điêu phụ đây?”

Lư Dụ Dân thoáng sửng sốt. Thôi Tuần nói tiếp: “Nếu luật Đại Chu không quy định rằng thiếp không được kiện phu, dĩ nhiên Thịnh A Man có quyền gõ trống Đăng Văn. Còn về tội danh vượt cấp tố cáo hay thiếp kiện phu, đợi nàng hạ sinh xong hãy chiếu theo luật, phạt roi và hình phạt lao dịch. Làm vậy, bá tính sẽ ca tụng Thánh nhân rộng lượng, Thịnh A Man cũng sẽ biết ơn triều đình. Nhưng nếu vì cái tội danh vô căn cứ rằng “thiếp không nên cáo chồng” rồi áp giải nàng ta về, không chỉ khiến Thịnh A Man không phục mà dân chúng cũng sẽ không phục. Lư tướng công, thứ cho mỗ nói thẳng, ngài làm vậy chẳng khác gì đẩy Thánh nhân vào thế bất nghĩa.”

Từng câu từng chữ của hắn, như thể đều đang cân nhắc về lợi ích của Thánh nhân, khiến Lư Dụ Dân nhất thời không nói được câu nào. Sau khi ông ta im lặng, những kẻ khác thuộc Lư đảng lại đứng ra tranh biện với Thôi Tuần, thậm chí có kẻ còn ám chỉ Thôi Tuần và Thịnh A Man có tư tình, vì thế mới bênh vực nàng ta. Nhưng những lời này đều bị Thôi Tuần chế giễu là “mượn chuyện phong lưu để khuấy đục triều đường”. Hắn tiếp tục dẫn chứng từng điều một trong luật lệ Đại Chu, rõ ràng rành mạch, khiến ai nấy cũng đều phải câm nín.

Cuối cùng, Thôi Tuần nói: “Pháp luật là thứ thiên tử chia sẻ cùng thiên hạ. Đại Chu đặt trống Đăng Văn vốn là để bách tính kêu oan. Dù người gõ trống là nhạc kỹ giáo phường hay là một thiếp thất thấp hèn, nàng ta đều có quyền đó. Thần khẩn cầu Thái hậu và Thánh nhân đừng vì một mình Thẩm Khuyết mà khiến trống Đăng Văn từ nay im bặt.”

Sắc mặt của Long Hưng Đế đã khó coi đến cực điểm. Hắn nhìn quanh quần thần bên dưới bậc thềm, ai nấy đều vẻ mặt áy náy, lời cạn lý cùn. Long Hưng Đế nghiến răng, nói: “Thôi khanh đúng là có tài hùng biện.”

Thôi Tuần thu ánh mắt, ung dung đáp:“Thần chỉ một lòng nghĩ cho Thái hậu và Thánh nhân mà thôi.”

Ngón tay của Long Hưng Đế siết chặt đến trắng bệch, hắn không cam lòng nói: “Được, trước mắt cứ giam Thịnh A Man lại, rồi hẵng bàn tiếp.”

Bình luận

Truyện đang đọc