Sau khi Nhu Phúc chết, bộ hài cốt trong cỗ quan tài được Vi Thái hậu đưa về chính thức được công nhận là Nhu Phúc. Triệu Cấu truy phong nàng làm "Hòa Phúc trưởng công chúa", tổ chức tang lễ rồi an táng.
Tháng Hai năm Thiệu Hưng thứ Mười ba, Thái sư Tần Cối dẫn đầu quần thần dâng tấu thỉnh cầu lập trung cung. Triệu Cấu xin Vi Thái hậu viết chiếu thư lập hậu, Vi Thái hậu nói: "Ta chỉ biết chuyện nhà, việc quốc gia đại sự ta không can thiệp được. Con tự mình quyết định là được rồi."
Ngày Kỷ Sửu tháng Tư, Triệu Cấu lập Quý phi Ngô thị làm Hậu. Chiếu thư viết: "Vị trí Trung cung bỏ trống đã lâu. Thái hậu và quần thần đều lo lắng vô cùng. Nay chọn lấy người hiền thục, sắc phong làm chính cung."
Sau khi nhập chủ Trung cung, Anh Phất càng hiếu thuận cung kính với Thái hậu hơn nữa, đích thân chăm sóc chuyện ăn uống, trang phục của Thái hậu, thu xếp ổn thỏa mọi việc trong Từ Ninh cung, mối quan hệ với Thái hậu vô cùng hòa thuận, mười mấy năm sau đó giữa hai người vẫn chưa từng xảy ra bất kì mâu thuẫn nào.
Anh Phất thấy Triệu Cấu buồn bã không vui mỗi khi nhắc tới Hình hậu, bèn xin Triệu Cấu ban hôn cho cháu trai mình là Ngô Tuần, Ngô Cư với hai nữ tử trong dòng họ Hình hậu "để an ủi lòng vua". Con cháu Ngô tộc cũng liên tiếp được thăng quan tiến chức, vinh hiển một thời.
Triệu Cấu đối xử với Anh Phất không tệ, những điều nàng thỉnh cầu đa phần đều chấp thuận, thế nhưng sau khi lập hậu cũng tiến hành tuyển chọn thêm nhiều phi tần, phần đông đều là những nữ tử trẻ trung xinh đẹp am hiểu chữ nghĩa, tinh thông âm luật, những khi rảnh rỗi bèn thưởng thức tài nghệ của bọn họ, thời gian chung đụng với Anh Phất càng ngày càng ít.
Anh Phất vẫn không chút đố kỵ, thậm chí vào năm Thiệu Hưng thứ Mười chín còn đích thân chọn một nữ tử trong tộc tên Ngọc Nô dâng cho Triệu Cấu. Triệu Cấu phong Ngọc Nô là Tân Hưng Quận phu nhân, sau lại tấn phong Tài nhân, song đối với nàng không chút hứng thú, nhiều năm sau liền lệnh cho nàng xuất cung về nhà.
Trong chúng phi tần, Triệu Cấu sủng ái nhất là hai người Lưu Quý phi và Lưu Uyển nghi, người trong cung đều gọi họ lần lượt là Đại Lưu nương tử và Tiểu Lưu nương tử. Lưu Quý phi có một đôi bàn chân nhỏ nhắn, khi xỏ hài cong nhìn như vầng trăng mới nhú, bé nhỏ đáng yêu. Được Triệu Cấu nuông chiều khiến Lưu Quý phi cậy sủng sinh kiêu, từng dùng thủy tinh trang trí ghế kê chân, duyên dáng nằm nghiêng trên giường, đôi chân nhỏ nhắn xỏ hài thêu, nhẹ nhàng gác trên ghế, vui vẻ nghĩ Triệu Cấu nhìn thấy cảnh tượng này sẽ càng thêm lòng yêu thích, nào ngờ khi tiến vào vừa trông thấy nàng khuôn mặt Triệu Cấu đã tối đi, lạnh lùng nhìn nàng nói: "Đây là ghế gác chân sao? Đem làm gối."
Ngữ khí y lạnh nhạt, cũng không ẩn chứa quá nhiều tức giận, song vẫn khiến Lưu Quý phi sợ hãi tới mức toát mồ hôi lạnh, lập tức rụt rè cất ghế gác chân đi, từ đó không bao giờ dám phá hoại đồ đạc nữa.
Lưu Uyển nghi tính tình lại hoạt bát đáng yêu, biết hát biết múa, hơn nữa tài nghệ gảy đàn và thổi sáo là tuyệt đỉnh, bởi thế rất thu hút được sự chú ý của Triệu Cấu. Lưu Uyển nghi cũng không an phận, cậy sủng lạm quyền, từng mệnh người lệnh cho thương gia Quảng Châu dâng tặng nàng ta minh châu và hương liệu, ngầm hứa hẹn sẽ ban cho chức quan. Viên quan Lâm Hiếu Trạch biết chuyện bèn bẩm báo lên Triệu Cấu, Triệu Cấu lập tức lệnh cho thương nhân tiến cống. Hồi cung khiển trách Lưu Uyển nghi, song Lưu Uyển nghi lại không nghĩ mình có gì sai, nắm ống tay áo Triệu Cấu nũng nịu một hồi. Triệu Cấu mềm lòng, cũng không nỡ trách mắng nàng.
Năm Thiệu Hưng thứ Ba mươi mốt, Lưu Ky giữ chức Đô thống Trấn Giang, nghe nói người Kim sắp sửa bội ước, bèn liên tiếp dâng tấu xin Triệu Cấu xuất binh, Triệu Cấu không đồng ý, Lưu Ky vẫn không ngừng cầu xin. Đám người Vương Kế Tiên kiên trì hòa nghị, nói nếu dùng binh chỉ e sẽ làm hỏng kế lớn, ám thị Triệu Cấu nên giết Lưu Ky: "Nay biên cương đã yên ổn, chỉ là có vài quan viên hiếu chiến, ham thích chiến tranh, ý đồ lập công đòi thưởng. Nếu chém đầu vài kẻ trong số đó, thì kế sách nghị hòa có thể yên ổn như lúc đầu." Triệu Cấu không vui, bác lại: "Ý ngươi là muốn trẫm chém đầu Lưu Ky?" Vương Kế Tiên bèn không dám nhiều lời nữa.
Sau đó khi Lưu Uyển nghi bưng cơm vào, Triệu Cấu vì lo nghĩ chuyện biên cương nên mãi không nhấc đũa. Lưu Uyển nghi cảm thấy kì lạ, bèn sai nội thị đi nghe ngóng xem quan gia phiền não vì chuyện gì, chẳng bao lâu đã tìm hiểu được việc Lưu Ky đòi ra trận và lời nói của Vương Kế Tiên. Ngày hôm sau thấy Triệu Cấu vẫn nhíu mày sầu khổ, Lưu Uyển nghi khẽ khàng thở dài, làm ra dáng vẻ thấu hiểu lòng người, nói: "Lưu Ky làm càn, khiến quan gia phiền não rồi."
Triệu Cấu nghe vậy bèn ngẩng đầu, liếc nàng một cái, lạnh nhạt hỏi: "Ồ? Việc này Tiểu Lưu nương tử có đối sách gì chăng?"
Lưu Uyển nghi thấy Triệu Cấu trưng cầu ý kiến của mình thì rất hớn hở, liến thoắng nói triều đình vẫn luôn kiên trì nghị hòa, Lưu Ky chủ chiến chỉ vì lợi ích của cá nhân mình, không bằng đem hắn chém đầu, đại ý đồng tình với Vương Kế Tiên.
Triệu Cấu lạnh lùng nghe nàng nói hết mới vung tay hất đổ cả bàn đồ ăn, trỏ vào nàng sẵng giọng: "Ngươi chẳng qua chỉ là đàn bà con gái, sao biết những việc triều chính này? Ắt hẳn có kẻ dạy ngươi dối lừa ta!"
Lưu Uyển nghi chưa từng thấy y tức giận như thế bao giờ, quỳ xuống thỉnh tội, ngập ngừng kể ra đầu đuôi sự việc. Triệu Cấu càng tức giận hơn, trách mắng xong liền lệnh nàng chuyển tới biệt cung, vĩnh viễn không bao giờ triệu kiến nữa. Sau đó liền chuyển Vương Kế Tiên về Phúc Châu, biếm làm quan nhỏ.
Thị nữ Dương thị của Vi Thái hậu sống được tới tiết Nguyên Đán năm thứ hai sau khi quay về phương Nam. Cuối năm Thiệu Hưng thứ Mười hai, Dương thị tròn lục tuần, Vi Thái hậu mở tiệc mừng sinh thần ả trong cung Từ Ninh, Triệu Cấu cũng ban cho ả một vò ngự tửu và một ít vàng bạc tơ lụa chúc mừng. Dương thị vui sướng tạ ơn, sau khi uống ngự tửu, đêm hôm đó bèn không bệnh mà chết, "ngậm cười nơi chín suối".
Sau đó Triệu Cấu hạ chỉ với cung nhân trong cung Thái hậu: "Để Thái hậu được an hưởng tuổi già, từ nay về sau việc lớn việc nhỏ trong Từ Ninh cung đều phải bẩm báo với trẫm, không được bàn bạc với Thái hậu, tránh Thái hậu phải phiền lòng."
Sau khi Dương thị chết, cuộc sống của Vi Thái hậu tức khắc quay về trạng thái yên tĩnh. Cả ngày mặc thường phục ngồi trước thanh đăng cổ Phật, không nói không cười, chỉ biết niệm kinh. Mặc dù Triệu Cấu thường xuyên mệnh người đưa tài vật và vải vóc tới cung Thái hậu, bà vẫn không có tâm trí sử dụng, chỉ sống tiết kiệm qua ngày, những tài vật được tặng đa số đều chất đống trong kho. Cũng hiếm khi qua lại với cung nhân nào, chỉ cho phép Anh Phất mỗi ngày tới vấn an. Anh Phất thấu hiểu lòng người, từng đích thân vẽ một quyển "Cổ liệt nữ đồ", trong đó có cả Thái hậu, lại mượn ý thơ "Thi tự", đề hai chữ "Hiền Trí" lên tấm biển trước Phật đường của Thái hậu.
Tháng Mười năm Thiệu Hưng thứ Hai mươi sáu, Thượng thư hữu bộc xạ Vạn Sĩ Tiết dâng lên cuốn "Chuyện Thái hậu về Nam". Khi các đại thần trình lên Thái hậu cũng chọn theo rất nhiều lễ vật dâng lên. Vi Thái hậu đều từ chối không nhận, Triệu Cấu bèn khen ngợi đạo đức tiết kiệm của Thái hậu với quần thần: "Trong cung không dùng tới nhiều lễ vật như vậy. Hoàng Thái hậu năm nay tuổi đã 77, mà vẫn khỏe mạnh như 50, 60, đều do hành thiện tích đức mà nên. Phúc trạch này đế hậu từ cổ chí kim đều chưa ai có được."
Hàng năm Triệu Cấu đều chuẩn bị tiệc sinh thần long trọng cho Vi Thái hậu, cũng không quên nhắc lại việc bà tuổi tác đã cao. Những người từng gặp được Thái hậu đều ngạc nhiên vì dung mạo có vẻ trẻ hơn rất nhiều so với tuổi tác của bà, không nén được cảm thán ca ngợi những việc phúc đức mà bà đã làm.
Sức khỏe Thái hậu cũng tương đối ổn định, chỉ có điều đôi mắt ngày một kém đi, thị lực mờ dần, nhìn thứ gì cũng mơ hồ không rõ, tới cuối cùng thì một mắt gần như mù hẳn. Thấy ngự y bối rối trước bệnh mắt của Thái hậu, Triệu Cấu bèn hạ lệnh tìm kiếm lương y trong cả nước. Năm Thiệu Hưng thứ Hai mươi tám, thống đốc thành Lâm An là Trương Xưng tiến cử một người Thục tinh thông bói toán là Hoàng Phủ Thản chữa bệnh cho Thái hậu. Triệu Cấu triệu ông tới hỏi định chữa trị thế nào, Hoàng Phủ Thản đáp: "Lòng an thì thân cũng an, Thánh thượng an lành thì thiên hạ cũng an ổn." Triệu Cấu nghe xong như có sáng kiến, dẫn ông vào Từ Ninh cung gặp Thái hậu. Bệnh mắt của Thái hậu dần dần có chuyển biến tốt, Triệu Cấu mừng rỡ, ban thưởng hậu hĩnh cho Hoàng Phủ Thản song ông không nhận bất cứ thứ gì, cáo từ rời đi.
Thế nhưng những tháng ngày sáng mắt đẹp lòng của Vi Thái hậu cũng không còn kéo dài được bao lâu. Ngày Canh Tý tháng Chín năm Thiệu Hưng thứ Hai mươi chín, Hoàng thái hậu Vi thị trong tay cầm một chuỗi Phật châu, qua đời ở tẩm điện cung Từ Ninh.
Khi Vi Thái hậu còn tại thế vẫn luôn hy vọng Triệu Cấu có thể sinh được hoàng tử để kế thừa ngai vị, bởi thế vẫn không cho phép Triệu Cấu chính thức xác nhận thân phận Hoàng tử của con trai nuôi, càng không đồng ý cho y lập con nuôi làm trữ quân. Mà giữa hai đứa con Triệu Viện và Triệu Cừ, bà thích Cừ hơn, không có chút tình cảm nào đối với Viện mà Triệu Cấu vừa ý hơn.
Tháng Hai năm Thiệu Hưng thứ Mười lăm, dưới sự thúc đẩy của Vi Thái hậu, Ngô hậu và sự hoành hành của Tần Cối vốn bất hòa với Triệu Viện, Triệu Cấu gia phong Triệu Cừ làm Kiểm hiệu thiếu bảo, tấn phong Ân Bình Quận vương, chuyển ra ngoài hoàng cung sinh sống. Nhất thời Cừ và Viện đều là Quận vương, địa vị bình đẳng, chúng quần thần đều lén lút gọi là "Đông Tây phủ".
Tháng Mười năm Thiệu Hưng thứ Hai mươi lăm, Tần Cối bệnh nặng. Hắn cùng người nhà và vây cánh bàn bạc, quyết định phong tỏa tin tức, mưu đồ cho con trai là Tần Hy tiếp tục nắm giữ việc triều chính. Triệu Viện hay tin lập tức bẩm báo Triệu Cấu, bởi thế Triệu Cấu bèn tới nhà Tần Cối, lấy cớ thăm bệnh. Tần Cối không nói một lời, nước mắt đầy mặt. Tần Hy hỏi Tể tướng thay thế là ai, Triệu Cấu đáp: "Việc này không tới lượt khanh biết." Sau đó bèn phất tay áo rời đi, ngồi kiệu hồi cung, đêm đó bèn triệu Binh bộ thị lang kiêm Quyền trực học sĩ viện Thẩm Hư Trung thảo chiếu khắc chế hai cha con Tần Cối. Tần Cối thấy mưu đồ bất thành, rầu rĩ không thôi, trút hơi thở cuối cùng trong sự thất vọng.
Sau việc này, Triệu Cấu càng tán thưởng Triệu Viện hơn, cũng thêm lưu ý thử thách y. Triệu Viện không ham mê sắc dục, cơ thiếp trong phủ Quận vương thưa thớt. Một ngày kia, Triệu Cấu triệu Triệu Viện và Triệu Cừ vào cung, ban cho bọn họ mỗi người mười cung nữ. Không lâu sau lại triệu những cung nữ này hồi cung, lệnh người kiểm tra, thấy những cung nữ được ban cho Triệu Cừ đều không còn trinh tiết, mà những cung nữ trong phủ Triệu Viện vẫn toàn vẹn vô khuyết. Triệu Cấu mặc dù không bình luận gì, song trong lòng đã đưa ra quyết định.
Sau khi Thái hậu qua đời, Triệu Cấu có ý tham khảo ý kiến Anh Phất về việc lập trữ, Anh Phất mỉm cười đáp: ""Phổ", là hai chữ "Bính" và "Nhật" ghép lại với nhau. Phổ An, cũng là biểu tượng của trời đất." Triệu Cấu nghe vậy mỉm cười, ngự bút thân phong vào tháng Hai năm Thiệu Hưng thứ Ba mươi: "Lập Phổ An Quận vương Triệu Viện làm Hoàng tử, đổi tên thành Vĩ." Vài ngày sau, tấn phong Hoàng tử làm Kiến vương.
(Cá: Hình như mấy chương trước mình dịch nhầm "Phổ An" thành "Tấn An", sorry các bạn nha.)
Ngày Giáp Tý tháng Năm năm Thiệu Hưng thứ Ba mươi mốt, xuống chiếu lập Kiến vương Vĩ làm Hoàng thái tử, đổi tên thành Thận.
Ngày Bính Tý tháng Sáu, Hoàng thái tử Triệu Thận kế vị, tức Hiếu Tông. Triệu Cấu tự xưng là Thái thượng hoàng đế, cùng Thái thượng hoàng hậu Ngô thị lui về Đức Thọ cung sống.