NHU PHÚC ĐẾ CƠ

Triệu Cấu ban một vạn tám trăm xâu tiền làm của hồi môn của Nhu Phúc. Vào ngày hôn lễ, trân châu ngọc bội, đai vàng, mũ phượng, vòng ngọc, áo khoác, áo trong, áo đính trân châu phỉ thúy, hộp vàng, các loại trang sức, vàng bạc châu báu, phấn son, chăn màn,... chuẩn bị cho công chúa được xếp đầu hành lang phía Tây hậu điện. Có quan văn lên tiếng can gián: "Từ khi đăng cơ tới nay bệ hạ luôn chú trọng tiết kiệm trong sinh hoạt, này công chúa xuất giáng hồi môn lại quá mức xa xỉ." Mà Triệu Cấu chỉ phất tay nói: "Từ sau khi dời đô về phía Nam, đây là lần đầu tiên có công chúa hạ giáng lấy thần tử. Huống chi Phúc Quốc trưởng công chúa lại là em gái ruột thịt duy nhất ở bên cạnh trẫm, tất cả của hồi môn đều theo tiêu chuẩn khi Trưởng công chúa xuất giáng trong những năm Hy Ninh mà chuẩn bị, không thể hà tiện."


Ngày hôm ấy, phò mã đô úy Cao Thế Vinh mặc thường phục, thắt đai lưng ngọc, cưỡi ngựa tới đón dâu. Tới ngoài cửa cung mới chính thức khoác lễ phục, trình ra những lễ vật đính hôn như đôi nhạn, tiền xu và ngựa ngọc điêu khắc. Mà lúc này Nhu Phúc cũng đã phục sức chỉnh tề, được mấy nữ quan dìu vào chính điện cáo biệt Triệu Cấu.


Triệu Cấu ngồi trên ngai vàng cao cao nhìn Nhu Phúc chậm rãi tiến lại gần. Nàng đội mũ cửu huy tứ phượng đính đầy trân châu và đá quý bảy màu. Dường như mũ rất nặng, nàng hơi cúi đầu xuống, dây ngọc trên mũ rủ xuống che khuất đôi mắt của nàng, khiến khuôn mặt trang điểm cẩn thận trở nên hơi mờ ảo. Nàng khoác một chiếc địch y màu đỏ, trên thân áo đối khâm tay rộng có thêu đầy những hoa văn chim trĩ đuôi dài, sinh động như thật, giống như đang sải cánh lướt gió đạp mây. Đuôi váy phía sau quét dài trên nền đất, khiến dáng đi càng thêm mềm mại uyển chuyển.


Nàng duyên dáng cúi người vái chào y, nói lời cáo biệt theo đúng lễ nghi. Thế nhưng y lại nhớ tới thiếu nữ mặc địch y trong buổi lễ cập kê 5 năm trước. Khi ấy nàng bái lạy Phụ hoàng trên ngự tọa, rồi khẽ gọi y lúc đi lướt qua, trong ngữ khí ẩn chứa bí mật mà chỉ hai người bọn họ mới hiểu, đôi mắt lấp lánh ánh sáng ấm áp.


Y gật đầu, lệnh cho Nhu Phúc bình thân. Khoảnh khắc đứng thẳng người, ánh mắt nàng lạnh lùng quét qua gương mặt y sau đó nhanh chóng rũ xuống, không muốn nhìn y một chút nào.


Y hiểu rất rõ nàng đang không vui. Năm năm trước, nàng vui vẻ mời y tới quan sát nghi thức trưởng thành của mình, để dáng vẻ trong địch y của mình khắc sâu trong kí ức y. Mà nay, nàng lần nữa long trọng điểm phấn tô son, song lại với tâm trạng bực bội vì bị y ép gả cho một người mà nàng không thích.


Y nghĩ nàng sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu được sự bi ai giờ đây của mình. Sự xa cách của nàng và sự tuyệt vọng của y như từng lớp sóng cuộn trào trong tâm trí.


Nghi lễ kết thúc, nữ quan mời Nhu Phúc ra cửa lên kiệu vàng khởi hành tới phủ Phò mã. Triệu Cấu toan đứng dậy đích thân tiễn nàng ra khỏi cửa, thế nhưng trông thấy thái độ lạnh lùng quyết tuyệt xoay người rời đi của nàng đành khựng lại, đờ đẫn ngồi thẳng trên ghế, nhìn nàng dần khuất xa trong tầm mắt.


Đội lễ nghi đưa dâu hộ tống công chúa ra khỏi cổng chính hoàng cung, tới chân con dốc đầu tên bên ngoài thành Lâm An, phủ đệ mà Triệu Cấu đã ban cho Nhu Phúc và Phò mã. Đi cùng còn có mấy chục vị phi tần hậu cung, ai cũng cài thoa trân châu, mặc kim bào lụa đỏ, cưỡi ngựa chia thành hai hàng đi phía trước. Theo sau là sứ thần, cung nhân lần lượt cầm quạt vuông bốn mặt, quạt tròn bốn mặt, mười cành hoa và hai mươi ngọn đèn xách tay, hai mươi chiếc đèn lồng. Theo nghi lễ vốn dĩ sẽ do Hoàng hậu ngự kiệu chín rồng, Hoàng Thái tử cưỡi ngựa đích thân hộ tống, thế nhưng bởi vị trí trung cung đang bỏ trống, mà trữ quân cũng chưa lập, mà phi tần có phẩm cấp cao nhất trong hậu cung là Phan Hiền phi lại cáo bệnh không bằng lòng đưa dâu cho Nhu Phúc, bởi thế Triệu Cấu liền mệnh Trương Tiệp dư dẫn theo Triệu Viện ngồi xe yêm địch tới tiễn Nhu Phúc.


Mái kiệu vàng mà Nhu Phúc ngồi cao chừng năm xích*, sâu tám xích, rộng bốn xích, cột trụ sơn đỏ, dát vàng nạm bạc trang trí những hoa văn mây phượng hoa cỏ. Hai bên vách trong của kiệu được chạm trổ hoa vàng, khắc hình các nhân vật thần tiên, bốn phía buông rèm thêu hoa đính châu ngọc, phía trước và phía sau kiệu được che kín bởi những nan quạt sơn mài đỏ thẫm.


(* Xích: Đơn vị đo lường thời cổ đại, 3 xích bằng khoảng 1 mét.)


Cao Thế Vinh cưỡi bạch mã đi cạnh kiệu vàng Nhu Phúc ngồi. Tân nương của y lúc này đang gần sát bên y, y đi ngay bên cạnh nàng, đón nhận ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người với tư cách phu quân của nàng. Niềm vui không kìm nén được toát lên nét mặt, y ngẩng đầu ngồi thẳng lưng giục ngựa, tiếng vó ngựa gõ lộc cộc trên mặt đường cũng như đang đánh nhịp hát vang.


Y không ngừng ngoái đầu, xuyên qua hai tầng nan tre có thể thấp thoáng nhìn thấy lớp rèm nhẹ buông, lấp ló gấu váy của nàng. Lúc đi qua một cây cầu, hai người khiêng kiệu phía trước bị vấp ngã khiến kiệu chòng chành một hồi, cung nhân hai bên liền vội vã vén rèm lên hỏi công chúa có bị kinh sợ hay chăng. Cao Thế Vinh đã nhìn thấy tân nương của y qua khe hẹp mà bọn họ vén ra.


Nàng uể oải ngồi dựa vào thành ghế bên trong cỗ kiệu, rèm che mặt gắn trên mũ phượng bị lệch về một bên, lộ ra khuôn mặt đầy vẻ buồn bã chán nản không thể giải thích, không hề có chút phấn chấn nào.


Ắt hẳn là nàng mệt mỏi rồi. Ngày thường nàng ở chốn thâm cung, đoạn đường xa thế này đã đủ để khiến nàng cảm thấy kiệt quệ. Y nghĩ thầm. Bởi thế, y liền lệnh cho mọi người tăng tốc độ di chuyển một chút.


Sau khi tới phủ Phò mã, Trương Tiệp dư dẫn theo Triệu Viện phụng chỉ ban chín món ngự thiện, tiệc tàn liền cáo từ hồi cung. Nhu Phúc và Cao Thế Vinh tiếp tục tiến hành lễ "Đồng Lao". Nữ quan đưa một miếng thịt dê tới bên miệng Nhu Phúc, thế nhưng nàng chỉ khẽ chạm môi một cái, không cắn chút xíu nào. Nữ quan mời nàng ăn, nàng liền lắc đầu không thèm để ý nữa. Nữ quan lúng túng vô cùng, gắp miếng thịt dê không biết nên làm thế nào. Vẫn may Cao Thế Vinh đã ôn hòa lên tiếng: "Hôm nay ắt hẳn công chúa đã mệt mỏi rồi, có lẽ khẩu vị không được tốt, không ăn được đồ mặn, không cần miễn cưỡng nữa. Mời công chúa quay về phòng nghỉ ngơi trước, lát nữa sẽ mệnh người mang chút đồ ăn chay lên."


Nhu Phúc nghe vậy liền lập tức đứng dậy, cũng không đợi thị nữ nữ quan tới dìu đã đi thẳng về phía phòng ngủ. Trước mặt đông đảo quần chúng, Cao Thế Vinh không tránh khỏi bối rối, có điều vẫn may cha mẹ y đều không có ở Lâm An, đáng lẽ còn phải hành lễ với cha mẹ chồng song lúc này đã được lược bỏ đi. Bởi thế y liền nhanh chóng nở nụ cười, bắt đầu nâng ly chúc tụng với quan khách.


Sau khi khách khứa đã rời đi hết, Cao Thế Vinh có chút hồi hộp tiến vào tân phòng. Y trông thấy Nhu Phúc đang ngồi ngay ngắn bên giường, mũ phượng đặt một bên, vẻ mệt mỏi ban nãy đã biến mất không chút dấu vết, thế nhưng nét mặt nghiêm nghị, thấy y tiến vào cũng chỉ lạnh nhạt quan sát, trong ánh mắt tràn đầy ý phòng bị, không có chút dè dặt xấu hổ nào.


Mấy thị nữ trong phòng thấy y tiến vào bèn vội vã mời y ngồi xuống, sau khi bày xong hoa quả điểm tâm liền hành lễ cáo lui, song lại bị Nhu Phúc gọi lại, nói: "Ta đã cho các ngươi lui xuống chưa?"


Mấy thị nữ ngây ra, không dám rời đi nữa, đành quay về đứng hai bên hầu hạ như cũ.


Cao Thế Vinh đoán suy cho cùng nàng vẫn e thẹn, bởi thế mới ngần ngại phải ở riêng với y. Y nghĩ ắt hẳn mình nên cố gắng nói chuyện với nàng nhiều hơn, để nàng không còn cảm thấy mình xa lạ nữa.


Thế nhưng y không phải một người biết khua môi múa mép trước mặt con gái. Sau vài câu hàn huyên thăm hỏi quen thuộc, y chậm chạp hồi lâu vẫn chưa biết phải nói tiếp về chủ đề sau. Cuối cùng khi ánh mắt rơi xuống trên người những thị nữ đứng hầu hai bên mới đột ngột nhớ ra một việc, mỉm cười nói với Nhu Phúc: "Công chúa, mấy hôm trước ta vô tình gặp được một người ở Thái Hòa lâu, theo lời kể thì nàng ta là cung nhân cũ đã từng hầu hạ công chúa nhiều năm ở Biện Kinh khi xưa. Ta nghĩ công chúa có lẽ sẽ muốn gặp nàng, nếu có người quen thuộc bầu bạn có lẽ ngày thường cũng bớt cô đơn buồn chán hơn, bởi thế ta đã dần nàng ấy vào phủ, hiện giờ công chúa có muốn gặp hay không?"


"Cung nhân cũ?" Nhu Phúc trầm ngâm, sau đó ngẩng đầu nhìn Cao Thế Vinh: "Được, gọi nàng ta vào đi."


Cao Thế Vinh đồng ý, lập tức đứng lên, đích thân đi ra ngoài gọi nàng ta. Một lúc sau lại trở về, đồng thời quay sang nói với người phía sau: "Công chúa đang ở bên trong, mau vào đi."


Một nữ tử ngoài hai mươi tuổi cúi đầu chậm chạp bước vào. Tới trước mặt Nhu Phúc liền quỳ xuống liên tiếp khấu đầu ba cái, sau đó vẫn cúi gằm mặt không lên tiếng.


Thế nhưng Nhu Phúc đã trông thấy rõ gương mặt nàng giữa lúc nàng khấu đầu, nhàn nhạt mỉm cười, nói: "Hỉ Nhi, là ngươi.:


"Đế cơ..." Trương Hỉ Nhi cúi gằm mặt: "Xin hãy tha thứ cho Hỉ Nhi khi ấy không từ mà biệt... Tình cảnh lúc ấy... tôi quả thực rất sợ hãi..."


Nhu Phúc chăm chú nhìn nàng, nói: "Ngươi có biết vì ngươi lúc ấy bỏ trốn mà trong cung của ta đã bị bắt đi thêm vài người không?"


Sắc mặt Hỉ Nhi trắng bệch, ra sức dập đầu, nói: "Đế cơ tha tội, là lỗi của Hỉ Nhi... Hỉ Nhi cũng không ngờ lại làm liên lụy tới các tỷ muội khác, nếu biết như vậy thì sẽ không làm nữa... Đế cơ tha tội, đế cơ..."


Cao Thế Vinh mờ mịt quan sát, hỏi Nhu Phúc: "Ban đầu là nàng ấy tự mình bỏ trốn khỏi cung?" Thấy dáng vẻ sợ hãi của Hỉ Nhi lại cảm thấy không đành, bởi thế liền khuyên Nhu Phúc: "Bất luận thế nào, khi ấy nàng ta cũng không ngờ được lại gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế. Chuyện cũ đã qua, công chúa có thể tha thứ cho nàng được hay chăng?"


Nhu Phúc cười nhạt, đáp: "Ta đâu có nói muốn trị tội của nàng ta... Ngươi gặp nàng ta như thế nào?"


Cao Thế Vinh nói: "Hôm ấy ta cùng mấy vị đồng liêu tới Thái Hòa lâu uống rượu, giữa chừng có người rút thẻ bài của nàng ấy gọi nàng ấy hát nhạc, nàng liền ôm đàn tỳ bà đi ra. Giữa bữa tiệc đồng liêu có nhắc tới chuyện ta chuẩn bị cưới nhị thập muội của Hoàng thượng Phúc Quốc trưởng công chúa, nàng bèn ngừng lại, hỏi ta Phúc Quốc trưởng công chúa có phải là con gái của Đạo quân hoàng đế Nhu Phúc đế cơ hay không. Ta đáp phải, nàng liền vui mừng nói nàng là thị nữ từng hầu hạ công chúa. Ta nghe thấy nàng nói giọng Biện Kinh, dáng vẻ lại giống như đã từng học qua lễ nghi, bèn hỏi nàng một số chuyện xưa liên quan tới công chúa, nàng ta trả lời cũng có vẻ giống thật. Bởi thế ta liền tìm cách giúp nàng chuộc thân, dẫn nàng vào phủ, để nàng tiếp tục hầu hạ công chúa."


Nhu Phúc hỏi Hỉ Nhi: "Sao ngươi lại làm ca kỹ ở Lâm An?"

Hỉ Nhi đáp: "Sau khi trốn ra khỏi cung tôi cũng không dám quay về nhà, liền lưu lạc ở bên ngoài, không lâu sau đó nghe tin quân Kim sắp sửa công thành liền cùng nạn dân tháo chạy về phía Nam. Sau đó nghe nói đương kim thánh thượng đã quyết định định đô tại Lâm An liền tới đây. Thế nhưng ngoài việc biết hát vài bài ra thì không còn sở trường nào khác, tiền bạc đem theo người lúc đầu lại sớm đã xài hết, chỉ đành vào tửu lâu làm ca kỹ. Bởi tôi là người Biện Kinh, dần dần cũng có chút danh tiếng, lúc này mới được vào Thái Hòa lâu hát cho các quan lại quý tộc thường hay lui tới, bởi thế mà may mắn gặp được Cao Phò mã... Nếu đế cơ rủ lòng thương giữ Hỉ Nhi lại bên mình, Hỉ Nhi cảm kích vô ngần, nửa đời còn lại nhất định sẽ dốc lòng hầu hạ đế cơ, báo đáp ân tình của đế cơ. Nếu đế cơ chán ghét Hỉ Nhi, Hỉ Nhi cũng không dám nán lại, từ đâu đến sẽ quay trở về đó."


Cao Thế Vinh cũng nói giúp nàng: "Nàng ấy đã được chuộc thân, sao có thể quay về được? Hãy để nàng ấy lưu lại phủ đi, nếu công chúa không thích cũng không cần để nàng ta hầu hạ bên cạnh mình, tìm việc lặt vặt nào đó cho nàng ấy làm là được."


"Đương nhiên, sao ta có thể đuổi nàng ta đi được?" Nhu Phúc nói, giọng điệu bình thản, không buồn không giận: "Hỉ Nhi, thương tiếc tính mạng của mình không phải việc làm sai. Ta rất hâm mộ dũng khí khi ấy của ngươi. Những cung nữ bị bắt đi sau đó cho dù tránh được một kiếp nạn thì về sau vẫn không thể thoát khỏi số mệnh bị người Kim đem đi, chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Bởi thế, ta sẽ không trách ngươi. Ngươi có thể ở lại, tiếp tục làm thị nữ thân cận của ta."


Hỉ Nhi mừng rỡ, lại dập đầu tạ ơn. Cao Thế Vinh thấy vậy cũng vui vẻ mỉm cười, nói: "Công chúa quả nhiên độ lượng khoan dung, Thế Vinh thay Hỉ Nhi cảm tạ công chúa."


Nhu Phúc mỉm cười đáp: "Phò mã không cần khách sáo như vậy." Sau đó quay sang mệnh thị nữ đứng bên: "Các ngươi đưa Phò mã về sương phòng phía Tây nghỉ ngơi."


Cao Thế Vinh và các thị nữ đều sững sờ.


Nhu Phúc kéo Hỉ Nhi đứng dậy, sau đó mỉm cười tiếp tục nói với Cao Thế Vinh: "Ta và Hỉ Nhi nhiều năm không gặp, đêm nay giữ nàng ấy lại nói chuyện, mời Phò mã về Tây sương phòng nghỉ ngơi, không biết Phò mã có để bụng hay chăng."


Cao Thế Vinh chỉ đành miễn cưỡng nở nụ cười, nói: "Dĩ nhiên là không. Vậy công chúa và Hỉ Nhi thong thả trò chuyện, Thế Vinh đi trước."


Nhu Phúc gật đầu, lại lệnh cho thị nữ: "Tiễn Phò mã."

Bình luận

Truyện đang đọc