PHÒ MÃ GẶP NẠN

Trở về phủ thừa tướng, Minh Anh liền như nguyên thân Lưu Kì Anh tái nhập xác, nàng chui vào phòng kín cửa và bắt đầu vùi mài khổ luyện nhập chữ. Than ôi! Đùa kiểu gì đây? Nàng là người đến từ hiện đại mà văn học và phương pháp học cổ đại và hiện đại khác nhau rất xa. Nàng có thể đọc kinh thư, làm được thơ, họa được tranh, đánh được đàn thế nhưng cái nàng biết chỉ là ở góc độ nghệ thuật thường thức. Còn bây giờ ông trời lại bảo nàng đi thi trạng nguyện. Ôi trời ơi! Đùa thôi cũng không cần đùa dai như thế! Một ông Tô thừa tướng đã làm nàng mệt mỏi rồi, bây giờ đến cả Tĩnh vương. Mà với Tô thừa tướng, nàng cùng lắm thì khiến ông thất vọng nhưng với Tĩnh vương, nàng không làm được thì xem như Thu Huyên số phận khó nói đây! Minh Anh vò đầu bứt tóc, cũng không hiểu cái nghiệp duyên quỉ quái gì? Thật sự đã dồn ép làm khó nàng rồi! Nàng nhớ đến kiến thức mình biết niên đại này thật sự có khoa thi nhưng lại không có trạng nguyên, không có bảng nhãn chỉ có thám hoa. Rốt cuộc chuyện này là sao thì sử sách chỉ ghi là "một đoạn bí sử". Bởi vì giai đoạn này triều đình sẽ xảy ra một số biến động và chiến loạn. Thậm chí suýt nữa thì đã thay họ đổi triều rồi. Nhưng chuyện thực ra làm sao thì...có mà chờ xảy ra rồi mới biết! Bây giờ Minh Anh cũng chỉ có cố cắm đầu nhét chữ và cầu nguyện vận may mà thôi.

Mờ sáng hôm ấy, dưới sự sắp xếp của Tô thừa tướng, Minh Anh khí độ hiên ngang trong trang phục thư sinh, cùng với mấy vị thí sinh nọ tiến lên đại điện diện kiến long nhan. Hoàng đế Thuận Thái tuổi độ năm mươi, tướng mạo cao lớn, mắt to mày rậm, phong thái uy nghi, thật sự đúng với những gì trong suy nghĩ của Minh Anh lúc nghĩ tạo hình cho nhân vật. Chậc! Này có gọi là nghĩ gì có nấy không? Có lẽ nào bởi vì nàng kiên trì cố chấp làm phim lịch sử, phải tạo hình cho đúng với nhân vật cho nên mới bị...bị trời xui đất khiến dẫn đi gặp nhân vật luôn đây không? Minh Anh thở dài. "Thiệt tình là xui rủi làm sao! Nghĩ tiền, nghĩ bạc không linh, nghĩ điều quái lạ thì linh thấy liền!"

Vua Thuận Thái khí độ ung dung, mặt rồng tươi sáng nhìn đám môn sinh của mình, thản nhiên bốc ra ba quyển trong xấp bài thi đặt trên long án. Vua nhìn xuống đám người bên dưới nói:

- Trẫm đã xem qua bài thi của các khanh gia. Thí sinh lần này rất khá. Nổi bật nhất là bài thi của ba người Hứa Du Nhiên, Phan Đình Vũ và Lưu Kì Anh. Tất cả đều rất xuất sắc. Bây giờ lựa chọn ra trong ba người ai sẽ đoạt trạng nguyên, cho nên trẫm muốn làm thêm một khảo thí...

Trong khi vua Thuận Thái công bố đề mục khảo thí tiếp theo, Minh Anh đã tranh thủ đảo mắt quan sát một lượt quanh gian đại điện này. Gian đại điện rất to rộng, có đến tám cột lớn rộng hơn vòng ôm một người. Bên trong điện bày trí đều là những vật liệu quí hiếm như gỗ đàn hương, sừng trâu lớn, ngà voi. Trên long điện của vua Minh Anh còn nhìn thấy hai chiếc đế đèn làm bằng mã não, nghiên mực bằng cẩm thạch, một lọ hoa bạch ngọc sáng chói được điêu khắc tinh chế thật sự rất kì công. Đến cái chỗ ngồi long ỷ kia cũng là gỗ quí hàng trăm năm được cẩn thêm xà cừ và mã não, còn cố ý dát thêm vàng miếng vào để tạo thêm độ óng ánh. Phía trên còn phủ thêm da hổ làm đệm, phải nói độ xa hoa chưa từng thấy! Bởi vậy nói Nam Thiên quốc vương triều Triệu thị giàu có bậc nhất là không ngoa! Chỉ ở một gian đại điện này thôi đã là một kho tài bảo vô giá. Quả đúng là một đất nước phồn vinh đáng nễ!

Lúc đó, vua Thuận Thái lại cất giọng tuyên nói:

- Trẫm có ba câu hỏi, trong các khanh ai có thể đáp án đúng nhất đương nhiên sẽ là tân khoa trạng nguyên.

Quần thần các ban và tất thảy thí sinh đều căng thẳng trông đợi hoàng đế đưa ra câu hỏi thì hốt nhiên từ bên ngoài vội đến một âm điệu lanh lảnh căng thẳng vang lên:

- Bẩm hoàng thượng! Có chuyện rồi! Có chuyện lớn rồi!


Một thái giám áo xanh hớt hơ hớt hãi chạy vào, quì té trên đại điện. Vua Thuận Thái nhíu mày nói:

- Chuyện lớn gì? Còn không nói mau!

- Bẩm hoàng thượng, vương tử Chân Lộc cùng hai vị sứ thần của nước Chân Qua mang theo giao ước đến muốn được diện kiến hoàng thượng.

Vua Thuận Thái nhíu nhẹ mày, hắng một tiếng, sau đó mới hỏi:

- Giao ước gì?

- Bẩm, là giao ước tỉ thí. Hôm trước trong yến hội thiết đãi sứ giả, hoàng thượng đã thuận hứng điểm ấn. Bây giờ vương tử Chân Lộc mang giao ước đến muốn thực hiện cuộc đấu trong ngày hôm nay.

Vua Thuận Thái cười hề hề, khoát tay nói:

- Muốn đấu thì đấu. Chỉ là chút trò nhỏ thôi. Gọi Hà chưởng sứ đến đấu với họ là được rồi!

- Bẩm, Hà chưởng sứ đại nhân của Xướng Hí phường đêm qua bỗng nhiên đột tử. Bởi vì cuộc đấu liên lụy trọng đại. Thần e rằng...e rằng Xướng Hí phường sẽ không có một ai đủ bản lĩnh đứng ra ứng thí lần đấu này đâu ạ!


Quần thần nghe lão thái giám hoảng sợ nói như thế liền lo lắng hoang mang. Tô Tiễn là thừa tướng đương triều, dĩ nhiên là người đầu tiên lên tiếng hỏi:

- Lê công công, ông nói xem cuộc đấu đấy là như thế nào? Bẩm hoàng thượng, chúng lão thần ngu muội, vì sao vẫn không được nghe nói ạ?

Vua Thuận Thái nghe thừa tướng hỏi, vua có vẻ bất đắc dĩ không đáp chỉ xua tay ra hiệu cho Lê công công nói thay. Lê công công vẫn còn lo lắng đến giọng run, lẩy bẩy từng chữ nói:

- Dạ bẩm, là như vậy. Hoàng thượng hai đêm trước trong lúc tiếp yến thiết đãi vương tử Chân Lộc và hai vị sứ giả Chân Qua. Vương tử trong lúc cao hứng đã tự cao khoe rằng vũ kĩ và nhạc thuật của Chân Qua quốc cao siêu hơn Nam Thiên quốc chúng ta. Hoàng thượng trong lúc men say, có chút bất mãn cho nên mới thách thức Chân Qua cùng nhau tỉ thí một trận. Vương tử liền nhân đó muốn hoàng thượng thiết lập giao ước, đấu lớn một phen. Người thua sẽ trao ra năm trăm dặm đất đai cho người thắng cuộc. Vấn đề là Thiên Nam quốc chúng ta, người giỏi biên khúc, chỉ đạo vũ kĩ và viết tuồng hay chỉ có một mình Hà chưởng sứ đại nhân. Hoàng thượng bởi vì tín nhiệm vào Hà chưởng sứ đại nhân nên mới vội vàng điểm ấn. Bây giờ đại nhân không còn nữa, cả Xướng hí phường không một người nào có gan tiếp đấu với sứ giả Chân Qua. Bẩm hoàng thượng, người xem, vương tử Chân Qua cũng đã tự mình đến đây xin được tiếp kiến ạ!

Quần thần nghe xong đều tái mặt. Hoàng thượng sao lại có thể quyết định sơ sài đến thế này! Sao có thể mang giang sơn đất đai mà đem ra làm cược thí đây? Lại còn dùng diễn kĩ xướng vũ mà cược ư? Thật là quá phi lí rồi!

Đám đại thần sôi sục bàn luận. Vua Thuận Thái thì mặt đen như nồi cháy, thật không biết nên ứng xử sao. Nhà vua một đời anh minh, vậy mà trong một lúc rượu say hứng chí nói chơi với các vị sứ thần nước kia, lại không nghĩ bọn người kia nhân vua say, lừa ép vua kí vào giao kèo phải làm thành thật. Vua than thầm, thiệt tình đúng là rượu vào người khôn cũng hóa dại. Cũng may, dưới trướng nhà vua cũng có Hà chưởng sử nhà một tài tử kì tài, viết được rất nhiều hí khúc và tuồng xướng hay. Chuyện cũng lỡ hứa rồi đành nhờ hết vào Hà chưởng sứ thôi. Cớ ngờ đâu rằng Hà chưởng sứ đương tốt khỏe như thế kia, mới có tám mươi mấy tuổi chứ bao nhiêu, vậy mà hốt nhiên đột tử. Vua mắng thầm trong bụng. "Hà lão quỉ nhà ngươi! Chết muộn một chút cũng không được hay sao? Phen này mà để thua đi năm trăm dặm giang sơn, dân chúng nước Nam Thiên này còn coi quân vương Thuận Thái này ra gì nữa?"

Vua đang đau đầu khổ não, đột nhiên Trần thượng thư bộ lễ bước lên bẩm tấu nói:

- Bẩm hoàng thượng! Nếu như chuyện đã như thế rồi, chúng ta vẫn là nên đồng lòng cùng nhau nghĩ kế ứng phó. Thần nghĩ ra một ý. Hoàng thượng chẳng phải nói muốn khảo thí các vị khảo sinh đây sao? Hay là nhân đây, lấy diễn xướng làm đề. Mỗi người nghĩ ra một ý, xem cách nào có thể hay nhất, chọn làm tiết mục thi đấu với lân bang đi?


Hồ thái sư đứng bên phải vua, ngang hàng với Tô thừa tướng không đồng tình bước lên, khẩu khí đầy nộ ý nói:

- Không thể được. Bẩm hoàng thượng! Chọn nhân tài làm trụ cột sao có thể dựa vào xướng tuồng mà chọn ra? Một môn sinh nho học thật sự nào có phải cùng loại với bọn viết tuồng? Lấy tuồng xướng để khảo thí, chẳng ra là bôi nhọ Khổng gia môn đệ của chúng ta hay sao? Xin hoàng thượng suy xét!

Tô thừa tướng cũng nói:

- Bẩm hoàng thượng, không nên đâu ạ! Việc viết tuồng, nghĩ tiết mục ứng phó tỉ đấu vẫn là cần thiết nhưng không thể lấy làm tiêu chí chọn trạng nguyên. Thần nghĩ...

- Bẩm hoàng thượng, chuyện lớn trước mắt không thể chần chờ được ạ!

- Bẩm hoàng thượng, sứ thần Chân Qua quốc đã đứng chờ trước điện, chúng ta không thể không nghênh tiếp họ vào.

- ...

Bá quan mỗi người một câu, nói đến vua Thuận Thái choáng đầu hoa mắt. Cả đại điện sục sôi, mỗi người một ý thành ra hỗn loạn một tràng vẫn chưa có quyết định thống nhất. Đang lúc lòng vua rối như tơ tằm thì Dương quốc cửu, huynh trưởng của hoàng hậu lên tiếng giúp vua có quyết định:

- Các vị đại nhân, xin đừng tranh cãi nữa! Thật ra đã đến vòng chung khảo này, ba vị khảo sinh của chúng ta đều là nhân tài xuất chúng. Chọn ra một người nào làm trạng nguyên cũng đều xứng đáng. Tuy nhiên, nếu đúng theo qui tắc vẫn là nên dùng đạo trị quốc an bang để định chức trạng nguyên. Nhưng bây giờ thế đạo đang cần tài tử có thể dụng tâm dụng sức. Nếu một trong ba vị khảo sinh ở đây lại còn có tài năng, có bản lĩnh giải được nguy khó cho triều đình, nhận chức tân khoa trạng nguyên cũng là điều hiển nhiên đáng trân trọng. Sao lại có cái lí chọn người có tài hoa lại là sĩ nhục cho môn sinh Khổng gia được?

Một câu của quốc cửu khiến quân vương Thuận Thái vừa ý đến hả hê sãng khoái. Vua vỗ mạnh long án, hào hứng tuyên nói:


- Quốc cửu nói rất đúng ý trẫm! Trước mắt triều đình đang cần người tài, các vị khảo sinh này của trẫm nếu có thể nghĩ ra cách giúp trẫm giải nguy là đáng trân trọng, đáng ban thưởng. Ở đây các khanh gia đều là môn sinh Khổng gia, đều am hiểu đạo trị quốc, tế thế, an bang. Thế nhưng muốn trị quốc an bang không chỉ có am hiểu Khổng gia chi kinh, Nho gia chi đạo mà còn cần cả những người có mưu có dũng, có tầm nhìn rộng, tài hoa và lí tưởng cao thâm. Nếu môn sinh của trẫm có thể giúp trẫm thắng tỉ thí lần này đủ thấy người đó đủ tài đủ trí, là hi vọng quốc gia. Đừng nói chỉ là danh vị trạng nguyên, trẫm còn có thể ban cho tước Thượng Trí công, ban cho thái ấp được ở lại kinh thành vinh hiển định nghiệp. Được rồi! Ý trẫm đã quyết, các khanh cùng trẫm sang Tập Hiền điện đón tiếp sứ giả Chân Qua!

Minh Anh chẳng biết ất giáp gì xảy ra. Nàng ngây ngốc nhìn theo rừng người bước đi khỏi đại điện Thiên An, hướng về Tập Hiền điện. Tự nhiên trong lòng nàng nhao nhao rối loạn. Có gì đó sai sai sao ta? Bản thân là một đứa mê sử, còn muốn sử thành phim, nàng tự nghĩ kiến thức mình không có bỏ sót nhiều đâu. Sao lại có chuyện không biết sự kiện thách đấu kì thú này của Thuận Thái đế và vương tử nước Chân Qua quốc? Đây là nàng xuyên trượt, hay là bởi vì nàng xuyên không cho nên sẽ làm thay đổi diễn tiến của lịch sử mới xảy ra những chuyện khó hiểu?

Thấy nàng cứ đứng nhăn nhó biểu lộ lúng túng thế kia, hai vị đồng thí Phan Đình Vũ và Hứa Du Nhiên mới bước đến gần, ra vẻ khinh miệt nhưng khéo léo làm như rất quan tâm. Phan Đình Vũ hỏi:

- Lưu huynh, huynh là căng thẳng hay sao? Trông huynh toát mồ hôi kìa! Ha ha! Thi đình mà được chọn đi tiếp sứ đấy là vinh dự ngàn năm một thuở đó chứ? Nếu huynh sợ thì lát nữa lên trên điện không cần lên tiếng, kẻo làm nhục quốc thể, tội nặng lắm đấy nha!

Hứa Du Nhiên cũng nhìn nàng, khẽ lắc đầu buông một câu:

- Phan huynh cũng không cần đả kích người ta. Tài tử phương nam có thể đi đến thi đình này Lưu huynh đã là vạn người có một. Lát nữa trên đại điện tiếp sứ, Lưu huynh chỉ cần im lặng thì qua thi cũng sẽ được đắc vị thám hoa, kim bảng đề danh. Phan huynh, chúng ta đi!

"Uy! Hai cái tên ngông cuồng này!" Minh Anh trợn tròn mắt nhìn theo hai gã ngạo mạn kia. "Hai kẻ này bản lĩnh đến đâu mà láo toét thế kia? Bà còn chưa nói cho các ngươi kì thi này chẳng có ai là trạng nguyên, bảng nhãn cả. Còn thám hoa...Ý, hình như thám hoa thật chính là họ Phan tên Đình Vũ đấy!".

- Oái!

Nàng bất ngờ hoảng hốt tự thét lên. "Rốt cuộc thì ta đã biết tại sao kì thi này chỉ có thám hoa mà không có bảng nhãn, trạng nguyên rồi!" 

Ôi thần linh cứu tôi! Hóa ra ngài Tĩnh vương Triệu Khánh kia muốn nàng làm Đoàn Thị Hương, mưu sát Kim Jong Un để rồi hi sinh ư? Nàng cũng không có ngây thơ đến như vậy! Nghĩ xong, nàng lén cầm lấy chiếc khăn đựng thuốc mê mà Tĩnh vương đã đưa cho lén nhét vào một hốc chỗ bồn cây rồi ung dung hòa theo đoàn người đi Tập Hiền điện.


Bình luận

Truyện đang đọc