Bùi đại phu chính là Ngự Sử Đại phu Bùi Uẩn, chủ quản Ngự sử đài. Sự xuất hiện của ông ta đương nhiên sẽ không phải là chuyện gì tốt. Dương Quảng cười khổ trong lòng rồi đành phải hạ chỉ:
- Truyền hắn vào.
Rất nhanh sau đó, Bùi Uẩn vội vàng đi vào trong Ngự thư phòng, ông ta khom mình thi lễ:
- Bùi Uẩn tham kiến bệ hạ!
- Bùi ái khanh có chuyện gì sao?
Dương Quảng thấy Bùi Uẩn cầm một quyển sổ dày trong tay thì trong lòng cũng hiểu được vài phần. Quả nhiên, Bùi Uẩn trình cuốn sổ đó lên, ông ta trịnh trọng nói:
- Bệ hạ, đây là vi thần tố cáo Ngu Thế Cơ dung túng người nhà hoành hành trái pháp. Với việc thê tử thuê người ám sát đại thần thì Ngu Thế Cơ đã khó thoát khỏi tội, thần khẩn cầu bệ hạ nghiêm trị Ngu Thế Cơ. Đây không chỉ là ý muốn của thần mà cũng là tiếng lòng của ba trăm tám mươi vị đại thần trong triều. Việc nhà còn không trị được thì sao có thể trị được quốc? Ngu Thế Cơ đã phụ sự kỳ vọng của bệ hạ.
Dương Quảng giật mình hoảng sợ, quãng thời gian ngắn như vậy mà có tới ba trăm tám mươi người cùng nhau tố cáo ư? Y cầm tấu chương, phía trên là Bùi Uẩn tố cáo Ngu Thế Cơ, ông ta vạch ra bốn tội lớn của Ngu Thế Cơ là dục quan mại ngục (mua quan bán chức), hối lộ công hành (nhận hối lộ công khai), công báo tư thù (lấy việc công báo thù riêng), túng tử kiêu thê ( dung túng cho thê tử và con cái). Mỗi một tội danh đều được ghi chép kĩ càng. Phía sau là hàng loạt chữ kỹ của các quan viên trong triều, các trọng thần như Tô Uy, Vũ Văn Thuật, Trương Cẩn, Bùi Củ, Ngưu Hoằng,…đều ký tên trong đó, thậm chí ngay cả huynh đệ của Ngu Thế Cơ là Ngu Thế Nam cũng kí tên vào đó.
Sắc mặt Dương Quảng càng ngày càng khó coi, Bùi Uẩn đã gây áp lực rất lớn với y nhưng Bùi Uẩn là Ngự Sử đại phu, tố cáo đại thần là chức trách của ông ta, ngay cả là các triều thần liên danh cùng tố cáo thì cũng không phải không được phép. Điều này làm cho Dương Quảng vô cùng đau dầu, ngày thường Ngu Thế Cơ đắc tội với quá nhiều người, thế nên vào thời điểm mấu chốt như thế này các đại thần liền bắt đầu liên kết lại công kích lại gã.
Dương Quảng thở dài, y hiểu rằng lần này Ngu Thế Cơ đã đắc tội với rất nhiều người, xem ra y đành phải bỏ xe giữ tướng mà xử phạt Ngu Thế Cơ, như vậy mới có thể ăn nói với các vị đại thần.
Thánh chỉ của Dương Quảng được ban ra vào lúc nửa đêm, ‘Đem tên lái buôn và thích khách chặt đầu thị chúng, lệnh cho Ngu Thế Cơ phải bỏ thê tử. Tôn thị ám sát trọng thần biên cương, chứng cứ rõ ràng, tội không thể dung tha, phạt một trăm trượng, đưa đi lưu đày ở Lĩnh Nam, con trai Hạ Hầu Nghiễm cũng cũng chung hình phạt lưu đày. Ngu Thế Cơ dung túng thê tử, bụng làm dạ chịu, bãi miễn chức vị Nội sử thị lang xuống làm huyện lệnh huyện TS.’
Thật đáng thương cho Ngu Thế Cơ, gã chạy tới Lạc Khẩu tránh né Tề Vương nên chuyện gì cũng không biết, gã chưa hiểu chuyện gì mà đã bị mất chức quan. Trị gia không nghiêm, kiêu thê túng tử ( nuông chiều thê tử, dung túng con trai) đến nỗi gây ra họa ngày hôm nay. Đây cũng là một chuyện thường thấy khiến cho các quan viên bị mất chức trong chốn quan trường.
Còn Dương Nguyên Khánh lại càng được người ta biết đến từ sau cuộc ám sát này. Có người nói cuộc ám sát này chỉ là một chuyện trùng hợp nhưng cũng có người nói rằng vụ ám sát này chính là mưu kế của Dương Nguyên Khánh. Tuy nhiên cho dù trùng hợp hay là mưu kế thì Dương Nguyên Khánh vẫn quật ngã đệ nhất quyền thần trong triều. Sự thật này khiến cho các quan văn võ trong triều phải nhìn hắn với cặp mắt khác xưa.
Cũng chính trong thời gian diễn ra vụ án này mà địa vị của Dương Nguyên Khánh ở trong triều càng ngày càng được đề cao, một bước trở thành một trong những đại thần trong triều.
'Thì nhân bất thức lăng vân mộc, trực đãi lăng vân thủy đạo cao'. (Người đời không biết đây chính là cái cây sau này sẽ phát triển vươn cao lên tận bầu trời, mãi đến khi nó đã vươn lên tới bầu trời rồi thì người ta mới thừa nhận sự dũng cảm của nó.)
Ngày xảy ra vụ ám sát chính là ngày Dương Quảng chính thức bắt đầu cuộc nam tuần (tuần hành xuống phía nam), nhưng lại chính vào nửa đêm đêm đó, ở kinh thành lại xảy ra một chuyện trọng đại khiến Dương Quảng không thể không lập tức quyết định lùi đợt nam tuần lại và lâm vào một mối bi cực lớn khi mất đi đứa con trai.
Tháng 7 năm Đại Nghiệp thứ hai, Thái tử Dương Chiêu do thân thể mập mạp mà sinh bệnh, đang trong giấc ngủ mà bất hạnh qua đời, hưởng thọ hai mươi ba tuổi.
Đang đêm, tiếng khóc của Dương Quảng và Hoàng hậu Tiêu thị vang vọng khắp hoàng cung. Mặc dù thường ngày bọn họ có chút không ưa đứa con mập mạp này lắm nhưng nó vẫn là đứa con họ dứt ruột sinh ra, là con trưởng của bọn họ. Sự ra đi của đứa con trưởng khiến hai phu thê họ cứ ôm đầu mà khóc rống kêu gào, mặc cho đêm khuya họ cũng chạy tới phủ thái tử để khóc tiễn biệt đứa con trưởng của mình.
Trong nỗi bi thảm đau đớn, Dương Quảng hạ chỉ lùi lại vô thời hạn cuộc nam tuần, nghỉ triều ba ngày, lệnh cho các quan viên quan tới khóc tang, tới phúng viếng cho linh hồn Thái tử.
Một cỗ linh bằng được dựng lên trong đêm khuya ở phủ Thái tử. Trời còn chưa sáng, các quan viên đã bắt đầu lục tục tới phúng viếng Thái tử, người nào cũng để tang khóc thương cho Thái tử.
Dương Nguyên Khánh trời còn chưa sáng đã vội vàng chạy tới phủ Thái tử. Sự ra đi đột ngột của Dương Chiêu khiến hắn cảm thấy vô cùng đau lòng. Mặc dù hắn biết rằng sớm muộn rồi cũng sẽ có ngày này nhưng khi giây phút này thực sự tới rồi thì nỗi đau buồn đối với sự ra đi của một vị huynh trưởng, niềm thương cảm đối với cái chết của một vị bạn hữu đều khiến hắn không thể kiềm chế được mà những giọt nước mắt nóng hổi cứ cuồn cuộc chảy ra.
Vừa bước vào linh bằng của Dương Chiêu, Thái tử phi Vi thị liền dẫn theo ba đứa con của Dương Chiêu tới quỳ xuống dưới chân hắn, ba đứa trẻ cứ quỳ dưới chân hắn mà gào khóc. Dương Nguyên Khánh cũng vội vàng quỳ xuống, hắn cũng không kìm nổi mà rơi lệ, hắn nói với Thái tử phi:
- Ba ngày trước Thái tử điện hạ vừa nói với thần, hy vọng thần có thể giúp đỡ con của người, bảo vệ chúng sống một cuộc đời bình an. Thần Dương Nguyên Khánh sẽ hết lòng để cho ba vị ca ca sống một cuộc sống bình bình an an, không phụ sự phí thác của phụ thân chúng.
Vi thị gạt lệ nói:
- Thái tử cũng nói qua với bọn nhỏ rồi, huynh ấy muốn chúng tôn người làm thúc. Chiều hôm qua huynh ấy mới để lại di chỉ vậy mà tới đêm đã qua đời. Ta sẽ giữ gìn cẩn thận di chỉ, đợi đến khi bọn nhỏ trưởng thành rồi mới giao cho chúng, hy vọng Dương tướng quân niệm tình của phụ thân chúng mà bảo vệ ba đứa nhỏ này.
- Thần Dương Nguyên Khánh muôn lần chết cũng không từ.
Dương Nguyên Khánh chậm rãi đi tới trước linh vị của Dương Chiêu rồi quỳ xuống, trong lòng thầm nói với Dương Chiêu:
- Thần đã hứa bảo vệ ba đứa nhỏ thì sẽ tận tâm tận lực, cho chúng sống một cuộc sống bình an, không để Tề Vương làm hại được chúng. Cho dù thiên đại có biến đổi ra sao, có một ngày thần và ba đứa nhỏ phải chia cắt thì Dương Nguyên Khánh vẫn tuyệt đối không thất lời. Nguyên Khánh sẽ dốc sức tới hơi thở cuối cùng, không sợ hy sinh, hy vọng huynh ở trên trời có linh minh sát.
Yên lặng cầu nguyện xong, Dương Nguyên Khánh dập đầu thật mạnh ba cái trước linh vị của Dương Chiêu.
Đúng lúc này, một tiếng gào khan từ cửa trướng vọng tới:
- Hoàng huynh anh niên sớm quy thiên bảo thần đệ sao có thể chịu được đây.
Đây là Tề vương Dương Giản. Y khoác áo tang, cả thân người vận toàn đồ trắng. Tuy bề ngoài y tỏ ra bi thương nhưng trong lòng lại mừng thầm. Từ nhiều năm trước y đã có dã tâm muốn đoạt lấy ngôi vị của huynh trưởng, tình huynh đệ trong lòng y đã bạc như nước rồi. Bây giờ huynh trưởng qua đời, y liền trở thành vị hoàng tử duy nhất, rất có hy vọng trèo lên ngôi cửu đỉnh, như thế thì hỏi sao trong lòng y không vui sướng vạn phần chứ.
Y đi vào trong linh bằng, mặc dù ba đứa con của Dương Chiêu không thích vị hoàng thúc này nhưng cũng đành phải tới bái kiến. Dương Giản vội vàng đỡ ba đứa nhỏ dậy, giả vờ giả vịt nói:
- Hoàng huynh anh niên bất hạnh, ta là thúc thúc duy nhất của các con. Ta sẽ coi các con như con, sớm tối bảo vệ đề phòng các con bị kẻ xấu hãm hại. Các con chớ có lo lắng.
Trong lòng Dương Giản hiểu rõ, để leo lên vị trí cửu tôn thì mối cạnh tranh lớn nhất chính là ba đứa cháu trai này, phụ hoàng liệu có lập Hoàng thái tôn không? Trong lòng y cũng tràn đầy âu lo, nếu như có khả năng này thì y hận không thể ngay lập tức dùng độc giết chết ba đứa nhỏ này.
Dương Giản đi tới trước linh vị huynh trưởng rồi quỳ xuống, y phát hiện không ngờ người quỳ ở gối bên cạnh lại chính là Dương Nguyên Khánh. Y ngẩn ra, cũng không nói gì mà dập đầu lạy huynh trưởng ba cái.
Ba đứa con của Dương Chiêu cũng vội vàng bước lên phía trước quỳ gối cạnh y đáp lễ.
Lúc này, Dương Nguyên Khánh đã bái linh xong, hắn đang định đứng dậy thì bỗng nhiên nghe thây thanh âm lạnh lung của Dương Giản:
- Dương Nguyên Khánh, nếu như ngươi đi theo ta, dốc sức vì ta, ta sẽ xóa bỏ thù hận cũ của chúng ta mà hậu đãi ngươi, ý của ngươi thế nào?
Ngay buổi chiều ngày hôm qua, Dương Giản lại nghe được một tin tức ngoài ý muốn là Dương Nguyên Khánh đã đánh bại Ngu Thế Cơ. Chuyện này khiến y cảm thấy vô cùng bất ngờ. Mặc dù hai ngày nay y cũng có nhiều điều bất mãn với Ngu Thế Cơ nhưng Ngu Thế Cơ dù sao cũng là quân sư của y. Lần này Ngu Thế Cơ bị lật đổ, được điều đến TS làm huyện lệnh, điều này khiến y cảm thấy như bị mất mất một cánh tay vậy. Lúc này y mới nhận ra sự lợi hại của Dương Nguyên Khánh, người nàylà một rào cản vô cùng lớn trên con đường tới Đông cung của y. Bây giờ, Dương Chiêu đã mất rồi, nếu như y có thể chiêu mộ được Dương Nguyên Khánh thì là tốt nhất, nếu như y không chiêu mộ được vậy thì phải trừ khử hắn càng sớm càng tốt.
Mặc dù ba đứa nhỏ ở ngay bên cạnh nhưng Dương Giản cũng không chút để ý tới chúng, y lại nhìn chằm chằm vào Dương Nguyên Khánh, hung tợn uy hiếp:
- Nếu ngươi dám không theo ta, ta sẽ khiến ngươi chết không có chỗ chôn thân.
Dương Nguyên Khánh chậm rãi đứng lên, thản nhiên cười nói:
- Thật có lỗi, ta vừa mới thề trước linh vị Thái tử sẽ trợ giúp con người sớm vào Đông cung. Sự ưu ái của Tề vương điện hạ, thứ cho Nguyên Khánh không thể nhận.
Nói xong, hắn quay sang thi lễ với ba đứa nhỏ con Dương Chiêu rồi quay người bỏ đi. Ba đứa nhỏ nghe được hết những lời đối thoại vừa rồi của hai người bọn họ, đứa lớn Dương Đàm vội kéo hai đệ đệ quỳ xuống cúi đầu lạy một lạy ở phía sau bóng dáng của Dương Nguyên Khánh.