SIÊU THỊ CỦA TÔI THÔNG KIM CỔ

Giá quần áo may sẵn đắt hơn nhiều so với giá vải, điểm này Hoàng Cù biết rõ. Chỉ là hắn không có người giúp may quần áo, thêm nữa hôm nay hắn muốn tới tửu lâu xin việc nên chỉ có thể bỏ thêm tiền mua một bộ quần áo đã được may sẵn. Lúc sáng khi Hoàng Cù ra sông gánh nước đã nhân tiện ở trong sông tắm rửa sạch sẽ.

Lúc đó hắn chỉ nghĩ nếu có cơ hội bái sư học nghệ thì thế nào cũng nên để lại ấn tượng sạch sẽ cho người ta. Hiện tại thật tốt, trên người sạch sẽ thì hắn không cần đau lòng sợ sẽ làm bẩn quần áo mới.

Chưởng quỹ nghe Hoàng Cù nói muốn mua quần áo may sẵn, nơi đáy mắt lóe lên vẻ ngạc nhiên. Nàng thầm đánh giá cách ăn mặc của Hoàng Cù từ trên xuống dưới, nhìn sao cũng không thấy giống người sẽ bỏ được tiền mua được quần áo may sẵn. Chẳng qua mở cửa làm ăn, nữ chưởng quỹ dù rất kinh ngạc những cũng không nhiều lời. Nàng dẫn Hoàng Cù đi tới trước một quầy hàng, chỉ vào chỗ quần áo may sẵn xếp ở trên quầy và nói: "Quần áo may sẵn trong tiệm bọn ta đều được bày biện hết ở đây, ngươi xem thử thấy có bộ nào mình thích không".

Hoàng Cù nhìn đống quần áo thấy có hơi quẫn bách, nói: "Chưởng quỹ, trong tiệm các ngươi có bộ quần áo may sẵn nào rẻ nhất không? Ta chỉ cần loại rẻ nhất là được".

Tuy rằng trên người hắn có bạc Vân Sơ cho, nhưng Hoàng Cù vẫn muốn cố gắng tiết kiệm một chút. Nếu có thể, hắn thậm chí hy vọng bản thân sẽ giữ lại được hai thỏi bạc kia, và chỉ cần tiêu chỗ bạc vụn trên người hắn là được rồi.

Nghe Hoàng Cù nói muốn mua một bộ quần áo may sẵn rẻ nhất trong tiệm, đáy mắt của hỏa kế đang đứng gần đó không khỏi mang theo sự khinh thường. Nữ chưởng quỹ ngược lại không có biểu hiện ra cái gì, nàng đi tới sau quầy tìm kiếm một hồi cuối cùng lấy ra một bộ đồ phù hợp với dáng người của hắn.

Khẽ giơ bộ quần áo lên trước người Hoàng Cù ướm một chút, nữ chưởng quỹ nói: "Tiểu ca, ngươi cảm thấy bộ này thế nào? Bộ quần áo này làm từ vải bố, tuy rằng chất lượng có kém một chút nhưng giá cả khá rẻ. Nếu ngươi muốn, vậy ta chỉ lấy ngươi hai trăm văn tiền".

Hoàng Cù chưa từng tự mình đi mua đồ bao giờ, trong thôn cũng chưa từng có ai đi mua quần áo may sẵn ở trong tiệm vải, cho nên hắn không biết cái giá tiền này là cao hay là thấp. Nhưng cái giá hai trăm văn này chính hắn vẫn có thể gánh được.

Trên thực tế, nữ chưởng quỹ thật sự không chém giá cao với Hoàng Cù. Cái giá hai trăm văn này kết quả của việc nàng đã nói bớt đi mấy văn tiền. Tuy nói vải bố thô ráp không đáng bao nhiêu tiền, nhưng cần tính đến tiền công để may ra một bộ quần áo.

Tú Y phường vốn là một chuỗi cửa hàng. Không chỉ có trụ sở chính ở trong huyện, mà bên trụ sở chính còn nuôi mười mấy tú phường và khắp các thị trấn xung quanh đây đều có chi nhánh cửa hàng. Bộ quần áo chưởng quỹ bán cho Hoàng Cù là thành phẩm do tú nương trong huyện làm ra. Quần áo bày bán trong huyện thường nếu bán không được đều sẽ bị đưa xuống các thị trấn bên dưới để xử lý.

Bán được một bộ quần áo, trong tiệm cũng chỉ có thể kiếm được hai mươi văn tiền. Số tiền còn lại vừa đủ với tiền công của tú nương và tiền vải. Trong khi đó, chưởng quỹ lại còn bán cho Hoàng Cù bớt đi mấy văn tiền, tính ra thì đơn sinh ý này của nàng không có lãi mấy.

Hoàng Cù cầm quần áo đi đến phòng trong mặc thử lên người. Quần áo mặc lên có chút không vừa người lắm, trông có hơi rộng so với dáng người của hắn. Chẳng qua như vậy lại khá hợp ý Hoàng Cù, bởi quần áo mua lớn một chút thì còn có thể mặc được thêm hai năm nữa.

Hiện tại quần áo có rộng thì chỉ cần xắn ống tay áo với ống quần lên là được. Rốt cuộc, nó so với bộ quần áo rách tả tơi ban đầu của hắn thì tốt hơn rất nhiều lần. Hoàng Cù sửa sang lại cổ áo một chút rồi gật đầu hài lòng, hắn ngẩng mặt lên nhìn nữ chưởng quỹ cười nói: "Ta lấy bộ này. Nhưng mà chưởng quỹ, ta có thể gửi bộ quần áo cũ của ta ở trong tiệm các ngươi một lát không? Đợi lát nữa ta sẽ đến lấy".

Nữ chưởng quỹ xua tay nói: "Có thể, ngươi cứ để đây đi. Nhưng ngươi nhớ phải đến lấy trước khi bọn ta đóng cửa đấy".

Hoàng Cù gật đầu liên tục, sau đó từ trong ngực móc ra một khối bạc vụn lớn nhất vừa đưa cho chưởng quỹ vừa cam đoan nói: "Không cần đến tới lúc đóng cửa đâu, ta rất nhanh sẽ trở lại lấy đồ".

Thấy Hoàng Cù dùng bạc vụn thanh toán, cả nữ chưởng quỹ và hỏa kế trong tiệm đều rất đỗi ngạc nhiên. Nông dân bình thường thường sẽ dùng tiền đồng, bởi nếu trong tay có bạc vụn thì bọn hắn đều sẽ nghĩ tích trữ lại. Vậy nên hành động lấy ra bạc vụn để thanh toán của Hoàng Cù thực sự nằm ngoài dự đoán của bọn hắn.

Nữ chưởng quỹ cũng chỉ hơi ngẩn người hai giây rồi rất nhanh hoàn hồn lại, nàng nhận lấy bạc vụn trên tay Hoàng Cù đặt lên cái cân nhỏ bên cạnh rồi mới nói: "Khối bạc vụn này của ngươi nặng chừng gần hai lượng bạc, ngươi đợi một lát để ta lấy năm mươi văn tiền thừa trả lại cho ngươi".

Nữ chưởng quỹ ra hiệu cho hỏa kế đi lấy năm mươi văn tiền đưa cho Hoàng Cù. Hoàng Cù cầm lấy tiền thừa, lại từ trên bộ quần áo cũ xé xuống một miếng vải cẩn thận gói năm mươi văn kia lại.

Lúc Hoàng Cù xoay người chuẩn bị rời đi, nữ chưởng quỹ nhịn không được thiện ý nhắc nhở hắn: "Lần sau nếu tiểu ca muốn mua đồ, vậy trước tiên tới tiền trang đổi bạc vụn thành tiền đồng trước. Một lượng bạc có thể đổi được hơn một trăm văn".

Hoàng Cù chỉ biết một lượng bạc tương đương với mười xâu tiền lớn, không nghĩ tới một lượng bạc có thể tại tiền trang đổi được hơn một trăm văn. Nghe chưởng quỹ nói, hắn rất cảm kích hướng tới nữ chưởng quỹ khẽ gật đầu.

Sau khi Hoàng Cù rời đi, hỏa kế trong tiệm hỏi với vẻ khó hiểu: "Chưởng quỹ, tại sao ngươi lại muốn nói cho tiểu tử kia biết chuyện này? Nếu hắn không biết, như vậy chúng ta sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu hắn lại tới chỗ chúng ta dùng bạc mua đồ".

Nữ chưởng quỹ có chút bất mãn với biểu hiện ban nãy của hỏa kế. Nhưng rốt cuộc hắn ta là cháu trai bên nhà mẹ đẻ nàng, nên dù bất mãn cũng không thể vì ngần ấy việc nhỏ đó mà quở trách hắn, bằng không sẽ chọc đến ca ca và chị dâu bên nhà mẹ đẻ không vui. Nàng chỉ có thể từ khía cạnh mà gõ: "Tiểu hài tử kia vừa nhìn đã biết là hài tử của gia đình nghèo, trong nhà hắn lại có bao nhiêu bạc có thể để chúng ta kiếm chứ. Nếu đã có khả năng giúp được thì giúp một chút đi, dù sao cũng chỉ là một câu nói mà thôi. Chúng ta mở cửa làm ăn quan trọng nhất đó là hòa khí sinh tài, tuy rằng thương nhân chú ý nhất là cái lợi nhưng tiền gì nên kiếm, tiền gì không thể kiếm trong lòng hẳn nên có cán cân".

Vị hỏa kế kia rất xem thường cái biểu hiện này của cô cô mình, cái gì mà tiền nào nên kiếm, tiền nào không nên kiếm cơ chứ. Hắn thấy, cô cô đây là bị lòng từ bi của nữ nhân quấy phá thì có, nên mới khắp nơi muốn giúp đỡ cái tên tiểu tử kia như thế.

Cha hắn nói đúng, nữ nhân chính là cái thứ mềm lòng. Hắn thấy mình vẫn là làm tốt phần công việc của mình thì hơn, cố gắng một ngày nào đó lọt vào mắt đông gia và được đông gia thưởng thức. Như vậy, chức chưởng quỹ của tiệm nên để hắn tới làm.

Hoàng Cù sau khi đổi một bộ quần áo mới tinh sạch sẽ, trong lòng cảm thấy tự tin hơn. Bước chân của hắn đi thẳng tới trước cửa tửu lâu Hoàng gia đại ca nói, nhưng lại không lập tức đi vào ngay mà chỉnh trang lại đầu tóc và quần áo của bản thân trước. Tiếp đó đứng chờ thực khách trong tửu lâu đã rời đi gần hết, mới nhìn chuẩn Hoàng gia đại ca đang dọn dẹp cái bàn ngay cạnh cửa mà lớn tiếng gọi hắn một câu.

Đại nhi tử của Hoàng đại thúc tên là Hoàng Hổ, năm nay mười lăm tuổi. Hoàng Hổ đã làm việc trong tửu lâu được hơn một năm rồi, nên ánh mắt cũng luyện ra được chút nhãn lực. Thấy Hoàng Cù tìm mình, tuy rằng trong lòng thấy kỳ quái nhưng vẫn hướng tới chỗ Hoàng Cù vẫy vẫy cánh tay. Ý bảo hắn hiện tại đang làm việc, để Hoàng Cù ở ngoài cửa chờ hắn một lát.

Hoàng Cù là người rất thông minh, thấy Hoàng Hổ ra hiệu bảo đợi một lát liền không lộ ra sự gấp gáp. Hắn lùi về phía đối diện tửu lâu đứng chờ, chứ không đứng ngay cửa tửu lâu người ta làm vướng bận. Hoàng Hổ xử lý xong chuyện trong tiệm đã là nửa canh giờ trôi qua. Thấy trong tiệm không còn chuyện gì nữa liền đi tìm chưởng quỹ nói có người trong thôn tới tìm mình, lấy được sự đồng ý của chưởng quỹ thì mới đi ra tìm Hoàng Cù.

Hoàng Hổ ở trên trấn làm việc, một tháng chỉ có một ngày nghỉ. Tuy rằng hắn cảm thấy tiếc cho tao ngộ mà Hoàng Cù gặp phải, nhưng dù sao đây cũng là chuyện nhà người ta. Người ngoài có nói gì cũng không giúp được, ngược lại còn khiến kế mẫu hắn bất mãn hơn.

Mẫu thân Hoàng Hổ thấy thương nên thỉnh thoảng cũng sẽ cho Hoàng Cù một miếng bánh bột ngô hoặc một miếng thô lương để ăn. Đừng cảm thấy một miếng bánh bột ngô hay một miếng thô lương ít ỏi, bởi nông dân có được lương thực không dễ nên thường chẳng mấy ai nỡ buông bụng ăn đến no căng. Hoàng đại thẩm cũng là thấy tình cảnh của Hoàng Cù đáng thương nên mới thỉnh thoảng sẽ tiếp tế hắn một chút, đây cũng là nàng từ ăn uống trong nhà tiết kiệm ra một chút.

Cả nhà Hoàng đại thúc đối với Hoàng Cù rất tốt, họ là một trong số ít những người có lòng nhiệt tình ở trong thôn. Trong thôn có rất nhiều người có quan hệ thân thích tộc thúc với Hoàng Cù và tất cả đều biết rõ tình cảnh của hắn, nhưng từ trước tới nay lại chưa từng có ai đứng ra thay hắn nói chuyện.

Nhà Hoàng đại thúc nếu luận trên gia phả thì thuộc dạng thân thích có dùng tám xào tre cũng đánh không đến. Nhưng bởi vì hai gia đình là hàng xóm của nhau nên bọn hắn hiểu rõ tình cảnh của Hoàng Cù hơn so với người khác, một phần nữa là vì dáng dấp Hoàng Cù đẹp mắt khiến người khác nhìn là thích nên mới không nhịn được sẽ thỉnh thoảng giúp hắn một chút.

Chẳng qua cũng chỉ giới hạn ở chuyện ăn uống được thôi. Cho nên hành động lên trấn tìm Hoàng Hổ của Hoàng Cù thật khiến Hoàng Hổ cảm thấy ngạc nhiên, bởi trước nay chưa từng có chuyện như vậy xảy ra. Hoàng Hổ từ trong tửu lâu đi ra liền nhanh chóng chạy đến chỗ Hoàng Cù, vội vàng hỏi: "Đại Trụ, sao ngươi lại lên trấn thế?".

Trong lòng Hoàng Cù nghĩ đến chính sự nên không cùng Hoàng Hổ giả bộ ngớ ngẩn, hắn trực tiếp nói thẳng: "Cẩu tử ca, ta hôm nay là đặc biệt tới tìm ngươi. Ta muốn ở trên trấn tìm một công việc làm thêm, ngươi có thể giúp ta hỏi thử chưởng quỹ của các ngươi xem trong tửu lâu còn tuyển người không. Việc gì ta cũng có thể làm được, dù để ta chỉ rửa chén thôi cũng được".

Hoàng Hổ nghe vậy lập tức lộ ra điều khó xử. Hắn thật sự không biết trong tửu lâu còn muốn tuyển người hay không, và cũng lo lắng nếu mình tùy tiện tìm chưởng quỹ hỏi vậy sẽ chọc cho đối phương thấy phiền chán.

Thấy Hoàng Hổ lộ vẻ khó xử, Hoàng Cù cảm thấy chua xót trong lòng. Nhưng ngoài miệng vẫn khẩn cầu nói: "Cẩu tử ca, van ngươi, ngươi có thể giúp ta hỏi thử được không? Ta cũng là không có cách nào khác, kế mẫu ta.....".

Hoàng Hổ nghe hắn nói thế liền hiểu. Đây là bị kế mẫu trong nhà tra tấn đến không thể nhẫn nhịn được nữa nên muốn lên trấn tìm việc làm, để triệt để chạy trốn khỏi ma trảo của kế mẫu. Đối diện với ánh mắt của Hoàng Cù, Hoàng Hổ vốn còn chần chừ cũng đã vững tâm lại, hắn vỗ vỗ bả vai Hoàng Cù và nói: "Để ta vào hỏi giúp ngươi thử xem, chỉ là tuổi ngươi còn nhỏ ta không biết chưởng quỹ có giữ lại ngươi hay không".

Nói bóng gió chính là để hắn đừng ôm hy vọng quá lớn.

Hoàng Cù vui vẻ gật đầu, có cơ hội là được. Ở trước khi Hoàng Hổ đi vào, hắn còn không quên nhỏ giọng nhắc nhở: "Cẩu tử ca, ngươi nhớ nói với chưởng quỹ các ngươi rằng ta rất có thể chịu được khổ, rất cần cù chịu khó. Nếu chưởng quỹ vẫn không muốn nhận ta, vậy ngươi nói với hắn rằng ta có thể không cần tiền công, chỉ cần bao ăn bao ở là được".

Hoàng Hổ dừng chân khi nghe thấy lời Hoàng Cù nói: "Không...... Không muốn tiền công".

Hoàng Cù gật đầu không do dự: "Đúng thế, ta mỗi ngày ở nhà cũng phải làm rất nhiều việc, nhưng vẫn là ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ở là kho củi. Cho nên chỉ cần chưởng quỹ có thể cho ta một phần cơm, một nơi để ngủ thì dù không cho ta tiền công ta cũng nguyện ý".

Lúc trước Hoàng Hổ có nói tửu lâu nơi hắn làm tuy rằng ăn là mì chay và bánh bột ngô, nhưng thỉnh thoảng có đồ ăn khách không ăn thì đều sẽ đưa cho bọn hắn ăn. Đãi ngộ này so với đãi ngộ của hắn ở nhà thì tốt hơn rất nhiều, nên chỉ cần có thể không bị Lưu thị hành hạ thì dù làm không công cho người ta hắn cũng nguyện ý. Hơn nữa, điều kiện ăn ở của tửu lâu khẳng định so với ở nhà tốt hơn rất nhiều.

Lúc này trong lòng Hoàng Cù chỉ có một ý nghĩ----- Nhất định phải nhanh chóng rời khỏi cái nhà kia, vì thế hắn có thể không tiếc bất kỳ giá nào.

Bình luận

Truyện đang đọc