TRƯỜNG PHONG ĐỘ

Cùng ngày Thẩm Minh lên đường, ban đêm Cố Cửu Tư và Diệp Thế An đến trường thi chuẩn bị cho kỳ khoa cử năm nay.

Lần này Cố Cửu Tư đảm nhiệm quan chủ khảo, Diệp Thế An với Giang Hà là phụ tá. Đề bài do Phạm Hiên quyết định, buổi tối trước ngày thi mới giao tới tay Cố Cửu Tư.

Kỳ thi mùa thu bao gồm ba đợt khảo thí, mỗi đợt kéo dài ba ngày đêm. Đợt đầu kiểm tra bát cổ[1], đợt hai là xem cách hành văn khi làm quan, còn đợt ba về sách luận[2].

Năm ngoái kỳ thi mùa thu được tổ chức vào tháng tám, nhưng năm nay Đại Hạ mới thành lập nên bận rộn nhiều việc vì thế bị đẩy tới tháng mười. Phạm Hiên đặt nặng khả năng trị quốc thực tế, ông bí mật dặn Cố Cửu Tư khi chấm thi nhớ chú trọng phần sách luận còn hai phần trước đạt trung bình là được.

Trong thời gian thí sinh làm bài, Cố Cửu Tư cũng phải đến xem. Hắn cùng Diệp Thế An với Giang Hà bị nhốt tại trường thi, ba người chả có việc gì làm bèn đi tuần tra.

Hồi trước Cố Cửu Tư lười đọc sách nên mỗi lần thi đều gian lận. Hắn quá rành những thủ đoạn gian lận, ngày nào làm giám thị cũng tống cổ được vài thí sinh. Kỳ thi diễn ra chưa đầy mấy ngày mà toàn bộ trường thi chả còn ai dám gian dối. Óc quan sát của Cố Cửu Tư cũng nức tiếng trong lòng các thí sinh.

Sau chín ngày, thí sinh hoàn tất bài làm rồi rời khỏi trường thi. Nhưng giám khảo lại bị nhốt chung với nhau, tên thí sinh được che lại để bọn họ chấm bài mà không biết danh tính người làm; chấm điểm xong thì giám khảo mới có thể ra ngoài.

Liễu Ngọc Như biết Cố Cửu Tư đang bận nhưng vẫn nhớ mong, vì vậy khi trường thi mở cửa, nàng đã chờ ở đấy từ sớm. Ngay sau đó, nàng thấy thí sinh lần lượt đi ra. Có người vui mừng hớn hở, có người gào khóc thảm thiết; thậm chí có người đầu bù tóc rối, chạy như điên ra ngoài trên đôi chân trần rồi nhảy xuống sông đào bảo vệ thành.

Liễu Ngọc Như vốn tới xem Cố Cửu Tư nhưng ánh mắt bị hấp dẫn bởi các thí sinh, nàng ngồi trong xe ngựa lẳng lặng quan sát bọn họ.

Đây là thời khắc quan trọng nhất đời những người này.

Mọi nỗ lực, gian khổ, khát khao của cả đời bọn họ đều tập trung tại đây.

Những thí sinh quen biết nhau túm tụm bàn luận về kỳ khảo thí, ngoài đề bài thì còn nhắc tới Cố Cửu Tư.

“Quan chủ khảo Cố Thượng thư sợ là vị giám khảo trẻ tuổi nhất từ trước đến nay. Ta làm văn nói có sách mách có chứng, nhưng ngộ nhỡ ngài ấy không nhận ra thì sao?”

“Ngươi khỏi cần lo,” một thí sinh khác trấn an. “Tại hạ là người Vọng Đô ở U Châu, năm ngoái Lương Vương tấn công thành, Cố đại nhân đứng trên cổng thành khẩu chiến với mưu sĩ của Lương Vương. Trùng hợp là tại hạ cũng ở đó và chứng kiến hai người tranh luận nửa ngày, còn thách đố học vấn của nhau nữa. Tuy Cố đại nhân trẻ tuổi nhưng cái gì cũng biết, nói là học thức uyên bác thật không ngoa. Cố đại nhân vô cùng tài giỏi, huynh đài hãy yên tâm.”

“Cố đại nhân là trang tuấn kiệt trong mắt mọi người,” thí sinh đầu tiên nói tiếp, “trước đây nghe Cố đại nhân bảo vệ Vọng Đô, tu sửa Hoàng Hà, diệt trừ tham quan nên cứ ngỡ Cố đại nhân chỉ sở hữu khả năng làm việc thực tế. Không ngờ học thức ngài ấy xuất chúng thế…”

Trong lúc trò chuyện, các thí sinh đi ngang Liễu Ngọc Như; nàng mím môi cười mà nghe bọn họ bàn tán.

Không hiểu sao nghe những người này khen ngợi Cố Cửu Tư, nàng cảm thấy nếu họ biết Cố Cửu Tư thực chất là người thế nào chắc sẽ mắt tròn mắt dẹt.

Cố Cửu Tư ở lại trường thi liền tù tì năm ngày mới chấm bài xong, sau đấy hắn công bố danh sách đậu.

Ngày yết bảng, Cố Cửu Tư trở về Cố phủ. Liễu Ngọc Như nghĩ buổi chiều mới thấy hắn nhưng sáng sớm hắn đã cưỡi ngựa về nhà.

Hắn về bất ngờ nên Liễu Ngọc Như còn chưa rời giường, nàng đang mơ màng ngủ thì cảm thấy có tấm thân lạnh lẽo đột nhiên xốc chăn chui vào.

Nàng hoảng sợ kêu lên, Cố Cửu Tư ôm chầm lấy nàng rồi vội nói, “Đừng sợ, là ta!”

Liễu Ngọc Như ngớ người, Cố Cửu Tư ôm nàng vào lòng, trông hắn cực kỳ mệt mỏi. Hắn lờ đờ bảo, “Ngủ thêm đi, ta ngủ cùng nàng.”

Liễu Ngọc Như nhìn sắc trời, nàng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo. Quầng thâm mắt của Cố Cửu Tư đen sì, nghiêm trọng hơn cả hồi ở Huỳnh Dương. Liễu Ngọc Như đực mặt ra, nàng không biết sao Cố Cửu Tư lại về đột ngột và càng chẳng biết sao hắn cứ thế mà xông xồng xộc lên giường. Đầu óc nàng mụ mẫm nghĩ mãi chả ra nên cũng mặc kệ, nàng chui lại vào trong chăn.

Hai người nằm sát nhau dưới chiếc chăn ấm áp, Cố Cửu Tư ôm Liễu Ngọc Như và phát ra tiếng thở dài thỏa mãn, “Ôm cô vợ nhỏ ngủ mới ngon.”

Liễu Ngọc Như nửa tỉnh nửa mơ nhưng cũng thấy Cố Cửu Tư nói đúng. Nàng chui rúc vào lòng hắn, tìm tư thế thích hợp rồi duỗi tay ôm hắn.

Nàng mông lung nghĩ – ôm tướng công ngủ mới ngon.

Liễu Ngọc Như mang thai nên thèm ngủ, lúc trước nàng không biết mới cố gắng làm việc dù buồn ngủ vô cùng, giờ biết rồi thì nàng thỏa sức ngủ. Hơn nữa Cố Cửu Tư vắng mặt lâu ngày làm nàng ngủ chả ngon, hôm nay hắn trở về khiến nàng yên tâm say giấc nồng. Vì thế hai người ngủ tới lúc mặt trời lên cao, chỉ khi đói bụng Liễu Ngọc Như mới mơ màng mở mắt ra.

Nàng nghĩ Cố Cửu Tư chắc cũng mệt nên không định đánh thức hắn, ai dè nàng vừa nhúc nhích một chút hắn đã tỉnh giấc. Hắn ôm nàng vào lòng và làm nũng, “Ta đói.”

“Để ta sai người chuẩn bị thức ăn.”

“Ta muốn ăn thịt.”

“Được,” Liễu Ngọc Như cười, “ta sẽ dặn nấu thật nhiều thịt.”

Cố Cửu Tư cọ cọ vai nàng, hắn oán trách, “Ta sẽ không bao giờ làm chủ khảo nữa, mệt muốn chết. Ta phải đọc cả núi bài thi suốt năm ngày, đầu ta sắp nứt toác này.”

Liễu Ngọc Như nghe hắn than thở thì thấy hơi kỳ cục, “Chẳng lẽ chấm bài còn mệt hơn tu sửa Hoàng Hà?”

“Mệt chứ,” Cố Cửu Tư hùng hồn nói, “tâm mệt.”

Liễu Ngọc Như đẩy hắn dậy, nàng sai người chuẩn bị thức ăn lẫn đồ rửa mặt rồi đứng dậy đi rửa ráy.

Cố Cửu Tư tóc tai bù xù ngồi xếp bằng trên giường ngắm Liễu Ngọc Như rửa mặt chải đầu. Phu thê hai người tán gẫu với nhau, Liễu Ngọc Như bỗng hỏi, “Chàng sợ đọc sách thế à?”

“Không phải sợ đọc sách, ta sợ gặp trúng kẻ đầu óc có vấn đề.” Cố Cửu Tư bực bội gãi đầu. “Hơn phân nửa cái đống bài thi mà ta bị ép đọc toàn là văn chương nhảm nhí, đầu óc như trò đùa thế sao đậu nổi? Ta đọc sách sơ sài mấy năm cũng khá hơn bọn họ.”

Liễu Ngọc Như nghe vậy thì chả thể nhịn cười, nàng biết Cố Cửu Tư đọc bài thi tới phát chán. Nàng gợi chuyện bằng một đề tài thú vị hơn, “Chàng không thấy ai làm tốt ư?”

“Có chứ sao không.”

Nhắc đến vấn đề này khiến Cố Cửu Tư hào hứng hơn, hắn nhận xét văn chương của vài người. Vì che tên nên hắn chẳng biết ai với ai, chỉ bình phẩm nội dung bài làm. Liễu Ngọc Như chú tâm lắng nghe, thỉnh thoảng lại đặt câu hỏi. Một khi Cố Cửu Tư đã thao thao bất tuyệt thì không ngừng lại được, hai người vừa dùng cơm vừa trò chuyện. Lúc sắp ăn xong, Cố Cửu Tư chợt nói, “Chết, nãy giờ toàn ta huyên thuyên, chắc nàng thấy nhạt nhẽo lắm nhỉ?”

“Không,” Liễu Ngọc Như mỉm cười, “chàng nói gì ta cũng thích nghe.”

Cố Cửu Tư ngẩn ngơ, lát sau, hắn gắp một miếng thịt cho Liễu Ngọc Như rồi ghé sát vào người nàng, “Mình ta lảm nhảm coi sao được, nàng kể chuyện của mình đi.”

Lời này làm Liễu Ngọc Như hơi buồn rầu, “Thôi, ta có gì để kể đâu.”

“Sao lại không có?” Cố Cửu Tư lập tức bảo, “Nói ta nghe nào, nàng làm gì trong chín ngày qua?”

Liễu Ngọc Như nghiêm túc suy nghĩ mới trả lời, “Mỗi ngày sau khi thức dậy, ta đều đi vấn an công công bà bà và trò chuyện vài câu với mẫu thân ta. Tiếp theo ta đến xem tình hình ở Hoa Dung lẫn Thần Tiên Hương rồi về nhà đọc sách, cuối cùng là đi ngủ.”

Cố Cửu Tư lẳng lặng nghe, khi Liễu Ngọc Như nói xong, hắn nghi hoặc hỏi, “Sau đó thì sao?”

“Ta chỉ làm nhiêu đó thôi.”

Câu trả lời của Liễu Ngọc Như khiến Cố Cửu Tư nghẹn họng, hắn hỏi tiếp, “Gần đây nàng hay ăn gì?”

Liễu Ngọc Như liệt kê đầy đủ nàng ăn gì những ngày qua.

Cố Cửu Tư lại hỏi về quần áo, nàng cũng thành thật nói hàng ngày mình mặc các bộ trang phục nào.

Hai người một hỏi một đáp, Liễu Ngọc Như trả lời chi tiết hệt như nàng ghi chép rành mạch và quy củ mọi thứ vào sổ sách.

Bọn họ cứ thế mà dùng xong bữa cơm, sau đấy có người đến thông báo Diệp Thế An tới gọi Cố Cửu Tư vào cung. Cố Cửu Tư vội nói, “Hỏng bét, giờ ta mới nhớ phải đi gặp bệ hạ.”

Hắn cuống cuồng tìm đồ thay, Liễu Ngọc Như biết rõ chỗ để quần áo của hắn nên nàng thong dong lấy ra quan bào cùng áo choàng lông chồn, còn sai người pha trà thơm.

Cố Cửu Tư thay quần áo trong thời gian ngắn kỷ lục, Liễu Ngọc Như tiễn hắn ra ngoài. Cố Cửu Tư mặc quan phục, đầu đội mũ cánh chuồn, khoác lên người áo choàng. Sau khi thắt chặt dây áo choàng, hắn hấp tấp chào, “Ta đi đây.”

Liễu Ngọc Như nghe vậy bèn vươn tay túm lấy áo choàng của hắn. Cố Cửu Tư đang định mở miệng hỏi thì Liễu Ngọc Như nhón chân rồi kéo hắn thấp xuống và nhẹ nhàng thả một nụ hôn lên má hắn.

Cố Cửu Tư ngẩn người, tròn mắt kinh ngạc nhìn Liễu Ngọc Như. Liễu Ngọc Như mím môi nhịn cười, đôi mắt thấp thoáng vẻ thẹn thùng, nàng ôn hòa nói, “Ta chẳng biết kể chuyện nên hôn chàng một cái, để chàng không thấy ta tẻ nhạt.”

Lời này khiến Cố Cửu Tư cao hứng tới mức ôm lấy khuôn mặt Liễu Ngọc Như, nàng chưa kịp phản ứng đã bị hắn hôn “chụt chụt chụt” vang dội khắp mặt.

Liễu Ngọc Như vừa thẹn vừa bực, nàng vội đẩy hắn ra, “Đi mau lên, Diệp đại ca đang chờ kìa!”

Cố Cửu Tư sung sướng hôn, hắn mãnh liệt hôn cái cuối cùng mới chịu buông nàng và nói, “Được rồi, ta đi thật đây.”

Liễu Ngọc Như che mắt lại, đưa lưng về phía hắn, “Đi lẹ lên.”

Cố Cửu Tư ôm công văn, hí hửng chạy tung tăng ra ngoài. Liễu Ngọc Như nghe tiếng bước chân dần xa mới xoay người lại, ai ngờ vừa làm thế đã nghe tiếng bước chân chạy đến rồi nàng thấy Cố Cửu Tư thò nửa người vào phòng với đôi mắt sáng rực, “Về sau ngày nào nàng cũng hôn ta như vậy được không?”

Liễu Ngọc Như thấy hắn quậy phá liền rút quyển sách trên kệ và ném về phía hắn, nàng quát, “Không đi mau là ta đích thân lôi chàng vào cung đấy!”

Cố Cửu Tư bị dáng vẻ hùng hổ ném sách của nàng dọa sợ, hắn cấp tốc bỏ chạy.

Chờ Cố Cửu Tư đi khuất, khóe môi Liễu Ngọc Như cong lên, nàng lầm bầm, “Đồ con nít.”

Kỳ thi mùa thu kết thúc cùng lúc với vụ án Huỳnh Dương. Án này liên quan đến nhiều người, gây ảnh hưởng sâu rộng và được coi là vụ trọng án tại Đại Hạ.

Vụ án phát sinh vào năm Vĩnh Phúc thứ nhất của Đại Hạ, sử sách gọi là trọng án tu sửa sông ngòi. Nó thể hiện thái độ cứng rắn từ tân đế Đại Hạ trước quý tộc tiền triều, lấy Hoàng Hà làm nền móng kiến tạo quốc uy chân chính. Sau vụ án này, cường hào ác bá khắp nơi đồng loạt im hơi lặng tiếng khiến uy tín của Phạm Hiên tăng vọt trong mắt bá tánh.

Nước lên thì thuyền lên, danh vọng minh quân mà Phạm Hiên đạt được làm Cố Cửu Tư – người xử lý vụ án tu sửa sông ngòi và ngay sau đó còn đảm nhiệm quan chủ khảo – cũng nổi tiếng theo.

Cố Thượng thư tuổi trẻ tài cao, thăng quan tiến chức bằng tốc độ vô tiền khoáng hậu. Tất cả mọi người đều biết vị trí thượng thư của Cố Cửu Tư là do Phạm Hiên kiên quyết nâng đỡ. Song sau kỳ khoa cử vừa rồi, môn sinh trực thuộc hắn trải rộng khắp triều đình, cộng thêm danh tiếng hắn tích lũy trong dân gian nhờ tu sửa Hoàng Hà thì hắn coi như đã ngồi vững cái ghế thượng thư.

Ngày Cố Cửu Tư từ Hoàng Hà trở về, hắn sẽ là người đứng thứ ba trong triều đình, sau mỗi Chu Cao Lãng và Trương Ngọc.

w๖ebtruy๖enonlin๖e

Mà năm nay hắn chỉ mới hai mươi mốt tuổi.

Đối với một người trẻ tuổi như vậy, xung quanh có hoài nghi, ghen ghét, cũng có tán thưởng.

Hắn trở thành đề tài nóng hổi hàng đầu Đông Đô, cái tên Cố Cửu Tư luôn xuất hiện trong trà dư tửu hậu. Mỗi lần Liễu Ngọc Như ra ngoài, nàng có thể nghe tên hắn từ miệng những tầng lớp khác nhau.

Chính khách thảo luận con đường làm quan của Cố Cửu Tư, thương nhân xì xào chuyện gia đình hắn, còn nữ tử rối rít đồn thổi về vị lang quân khôi ngô tuấn tú.

Liễu Ngọc Như chăm chú nghe những lời bàn tán này. Nàng cảm giác trong lòng mình tồn tại một viên ngọc thô, nó cuối cùng cũng tỏa sáng sau quá trình mài giũa.

Nối tiếp kỳ thi mùa thu là thi Đình. Đáng lẽ thi Đình được tổ chức vào mùa xuân nhưng vụ án tu sửa sông ngòi làm triều đình thiếu thốn nhân lực nên phải đẩy nhanh kế hoạch và cho kỳ thi diễn ra sớm hơn.

Trung tuần tháng mười hai, Cố Cửu Tư chủ trì thi Đình. Phạm Hiên đích thân lựa chọn ba vị trí đầu, sau khi chiêu cáo thiên hạ thì xem như hoàn tất kỳ khoa cử đầu tiên của Đại Hạ.

Cùng ngày khoa cử kết thúc, Cố Cửu Tư dìu Phạm Hiên về ngự thư phòng.

Trời lạnh làm Phạm Hiên ngày càng mệt mỏi, lúc đỡ ông, Cố Cửu Tư cảm nhận được tay chân ông lạnh băng. Cố Cửu Tư hạ giọng khuyên, “Bệ hạ cần chú ý sức khỏe hơn, hàng triệu bá tánh Đại Hạ đang trông cậy vào ngài.”

“Trông cậy vào trẫm?” Phạm Hiên nghe Cố Cửu Tư nói bèn từ tốn cười rộ. “Bọn họ trông cậy vào các ngươi.”

“Có quân mới có thần,” Cố Cửu Tư đỡ Phạm Hiên ngồi xuống ghế, lễ độ đáp, “chúng ta chỉ giúp bệ hạ bớt mệt nhọc thôi.”

Phạm Hiên nghe vậy liền lắc đầu, trông ông có vẻ kiệt sức. Trương Phượng Tường đưa lò sưởi cho Phạm Hiên, ông ôm nó trong tay mà dựa vào ghế rồi chậm chạp nói, “Ai rồi cũng sẽ già và chết đi, đời này của trẫm sắp đến hồi kết. Trẫm sáng lập Đại Hạ nhưng tương lai của nó thuộc về đám người trẻ tuổi các ngươi.”

“Thành Giác,” Phạm Hiên ho nhẹ vài tiếng, Trương Phượng Tường gấp gáp dâng trà thuốc lên. Phạm Hiên uống trà thuốc, đợi bình phục mới tiếp tục, “Lâu rồi trẫm không cao hứng thế này.”

“Những người trẻ tuổi hôm nay thật xuất sắc, trẫm vô cùng vui mừng và cao hứng.”

“Chúng ta còn trẻ,” Cố Cửu Tư nghe ra mong muốn phó thác trong lời Phạm Hiên, hắn vội bảo, “vẫn cần được bệ hạ quan tâm.”

Phạm Hiên lặng lẽ cười, ông nâng tay vỗ vỗ vai Cố Cửu Tư.

Dường như ông có rất nhiều lời muốn nói nhưng rốt cuộc chỉ dặn dò một câu đơn giản, “Trước khi quay lại Huỳnh Dương, nhớ chăm sóc Ngọc Như chu đáo.”

Cố Cửu Tư không ngờ Phạm Hiên để ý chuyện này. Hắn thoáng ngơ ngác, sau đấy bật cười và cung kính khẳng định, “Bệ hạ yên tâm, thần sẽ chiếu cố nội tử.”

Phạm Hiên cười cười, hai người hàn huyên vài câu rồi ông cho Cố Cửu Tư lui xuống.

Sau khi Cố Cửu Tư rời đi, Trương Phượng Tường rót thêm trà cho Phạm Hiên, ông nhỏ giọng lên tiếng, “Bệ hạ quả thật đối đãi với Cố đại nhân như với nhi tử.”

Lời nhận xét của Trương Phượng Tường khiến Phạm Hiên nở nụ cười, “Nhìn hắn trẫm lại nhớ hồi mình còn trẻ.”

Trương Phượng Tường im lặng nghe, Phạm Hiên nâng chén trà lên và nhìn ra ngoài cửa sổ. Mây đen dày đặc trên bầu trời Đông Đô, ông nói đầy hoài niệm, “Trẫm thời trẻ cũng giống hắn nhưng trẫm không sớm hiểu chuyện bằng. Khi ấy trẫm toàn tâm toàn ý vì bá tánh, quốc gia, quyền thế; không dành thời gian cho Niệm Nô và cũng chẳng để tâm dạy dỗ Ngọc nhi.”

Dương Niệm Nô là thê tử của Phạm Hiên, cũng là mẫu thân của Phạm Ngọc.

Trương Phượng Tường biết Phạm Hiên dành tình cảm sâu đậm cho nguyên phối. Nhưng Dương Niệm Nô hồi trẻ kiệt lực vì Phạm Hiên, sinh Phạm Ngọc xong lại không nghỉ ngơi đầy đủ nên ốm đau triền miên. Bà buông tay nhân gian khi Phạm Ngọc còn nhỏ.

Sau ngày Dương Niệm Nô chết, dù chỉ có một nhi tử là Phạm Ngọc thì Phạm Hiên vẫn không chịu tục huyền. Nhiều người cho rằng Phạm Hiên làm vậy vì yêu sâu sắc Dương Niệm Nô, song Trương Phượng Tường lại hiểu đôi phần nguyên nhân từ những lời ông thổ lộ.

“Bệ hạ đang tự trừng phạt bản thân,” Trương Phượng Tường thở dài.

Phạm Hiên cười bảo, “Trẫm định sau khi đăng cơ sẽ nghiêm túc dạy dỗ Ngọc nhi, không ngờ trời cao chẳng cho trẫm thời gian.

“Cũng may,” Phạm Hiên nhìn về nơi xa xăm, sắc mặt đượm vẻ chua xót, “trời cao không tệ bạc với Đại Hạ.”

Phạm Hiên nói giữa lúc bông tuyết khoan thai bay xuống từ bầu trời.

Cố Cửu Tư mặc quan bào, tay chắp lại trong tay áo, bước chân hướng tới cổng cung điện.

Phạm Hiên nhắm nghiền mắt, than nhẹ thành tiếng, “Đại Hạ còn Cố Cửu Tư.”

Chú thích

[1] Một thể loại văn trong khoa cử thời Minh – Thanh có quy định về phân đoạn rất nghiêm ngặt, nội dung rỗng tuếch, hình thức cứng nhắc, gò bó tư tưởng con người. Bát cổ gồm bốn đoạn, mỗi đoạn hai vế, tổng cộng có tám vế.

[2] Chỉ các bài văn nghị luận về các vấn đề chính trị trong hiện tại, nhằm mục đích hiến kế cho triều đình.

Bình luận

Truyện đang đọc