NĂM THÁNG HUY HOÀNG

Vài ngày sau, một cỗ xe ngựa xa hoa lấp lánh ánh vàng dừng lại trước cổng “Liễu phủ”, những người hầu gái và thị vệ mặc áo gấm xếp hàng trang nghiêm trước và sau xe ngựa. Chữ “Triệu” được thêu trên cửa tay áo của mỗi người hầu. Đội ngũ xa hoa như vậy đã thu hút rất nhiều người dân Lạc Dương đến xem.

Bức màn được vén lên, một ông lão già nua được người hầu dìu xuống cẩn thận, ông ta vận một chiếc trường bào tay áo rộng, đầu đội mũ cao, là chiếc mũ Tất Sa Lung Quan bằng chất liệu tơ tằm ánh vàng. Bước xuống theo sau là một quý phu nhân trông rất quý phái, tóc giả được búi cao với tầng tầng lớp lớp đồ trang sức cài trên đầu, đều là các loại châu báu quý giá khác nhau. Bà buộc phải xoay đầu từ từ để đảm bảo rằng búi tóc và mũ đội đầu không bị rối loạn.

Trong đám đông đang đứng vây xem, có người nhận ra thân phận của hai người họ, là Hoàng thúc của đương kim Hoàng thượng - Triệu Vương Tư Mã Luân và Vương phi Tần thị.

Người có liên quan đến chuyện này còn có Liễu Quang Minh của Liễu phủ đang cùng với người hầu đứng đợi trước cổng. Tần thị hai mắt đỏ hoe, vừa nhìn thấy Liễu Quang Minh, bà liền không kìm lòng được vội tiến lên hai ba bước nắm lấy tay chàng cùng với hàng nước mắt chảy dài, nhìn tình cảnh này trông thật thảm.

Tư Mã Luân là người có vai vế cao nhất trong hoàng tộc, có địa vị tôn quý hiển hách như thế, sao có thể tự mình đến gặp một thiếu niên trẻ tuổi? Giới quý tộc ở thành Lạc Dương đã nổ ra một cuộc tranh cãi vô cùng kịch liệt bởi tin tức quan trọng này. Các gia tộc đều đang truyền tai nhau tin đồn bùng nổ ấy, người kể người nghe cứ như biết sự thật, cứ như có nhiều người đã tận mắt chứng kiến mọi chuyện vậy. Nhiều chi tiết khác nhau cũng được thêm vào lần lượt, cuối cùng một câu chuyện đầy máu chó đã được tạo nên hoàn chỉnh như sau.

Về chuyện Triệu Vương Tư Mã Luân và Vương phi Tần thị, trước khi bà được gả cho Triệu Vương làm kế thiếp, bà đã từng xuất giá nhưng chỉ sống hạnh phúc được một tháng. Vì muốn bước chân vào được Triệu Vương phủ, gia tộc ép buộc bà phải rời khỏi nhà phu quân trong bí mật, để gả bà vào phủ Triệu Vương với tư cách là một người nữ chưa thành thân. Tần thị sinh con sau khi nhập phủ không bao lâu, song đứa trẻ này lại là con của đời trước. Triệu Vương đã bí mật ra lệnh mang đứa trẻ này đi nơi khác và ông ta che giấu hết thảy mọi thứ với bên ngoài. Tư Mã Luân khi cưới Tần thị cũng đã ở tuổi bốn mươi, thân thể của ông ta sớm đã bị rỗng toét, thế nên từ đó về sau Vương phi không thể sinh con được nữa, đây vĩnh viễn là nỗi đau đớn trong lòng bà.

Và rồi, hai mươi năm sau, đứa trẻ ấy đã trưởng thành nên người. Chàng trai đã đến Lạc Dương, ngụy tạo gia phả, lấy tên tuổi của tam công tử trong chi tộc họ Liễu ở Hà Đông, rồi vất vả ra vào làm thân với các đại gia tộc khác chỉ để tìm kiếm mẫu thân mình. Cuối cùng, người có ý chí quyết tâm cũng được đền đáp, chàng thiếu niên ấy đã tìm thấy mẫu thân ở phủ Triệu Vương. Triệu Vương phi thì xen lẫn kinh ngạc cùng mừng rỡ, nghe đâu khi gặp được nhi tử bà đã khóc suốt đêm. Vương phi nhiều năm không có con, hiện tại lại ngoài bốn mươi càng không có khả năng mang thai lần nữa. Bà đau đớn cầu xin hết lời với Triệu Vương rằng hãy giữ con lại. Triệu Vương nghĩ tình Vương phi đã từng lo liệu trông coi Vương phủ một cách cẩn trọng và tận tâm trong nhiều năm qua nên sau cùng ông ta đã bằng lòng với lời thỉnh cầu của Vương phi.

Thế nên mới có màn cảm động lòng người khi phu nhân nhận lại con.

Triệu Vương Tư Mã Luân cũng nhận chàng thiếu niên này làm nghĩa tử, đổi tên chàng thành Tư Mã Minh, sau đó báo lên triều đình cùng quần thần để xếp chàng vào một trong những người thuộc hoàng tộc Tư Mã. Huệ Đế Tư Mã Trung cũng chỉ biết cười ha ha một cách ngớ ngẩn rồi phê chuẩn cho xong chuyện này, chỉ vì hành động của vị vua như vậy đã khiến hết thảy triều thần và dân chúng ở Lạc Dương một phen xôn xao náo động. Trong thời đại này khi sự phân chia giai cấp ngày càng rõ rệt, thì mọi việc giao du qua lại đều bị phong bế, song lại có thể xảy ra một sự việc với xác xuất cực nhỏ như trên: Khi con nhà nghèo vượt khó lại được sinh ra trong gia đình quyền quý và giờ trở thành một chàng thiếu niên cao lớn, đẹp trai cùng giàu có. Chàng trai này chắc chắn là người đã dành chiến thắng trong cuộc sống này, khiến hầu hết những người thuộc tầng lớp thứ tộc đều phải ghen tị.

Với thân phận danh chính ngôn thuận như thế, chuyện chàng trai từng giả mạo thành sĩ tộc và trà trộn vào các gia tộc lớn chè chén mua vui chỉ xem như một việc nhỏ, không được mọi người nhắc đến nữa. Giờ đây các gia tộc hào môn lại quan tâm hơn đến tin tức bát quái bùng nổ khác, đó là: Vị công tử Tư Mã Minh này đã cùng với Tôn Tú, là thân tín của Triệu Vương Tư Mã Luân đi đến Dương phủ với một chiếc xe đầy lễ vật để đề nghị kết thông gia và hỏi cưới Dương Hiến Dung – đại tiểu thư của Dương gia.

*****

“Hỏi cưới Hiến Dung nhà ta ư?” Trong sảnh chính của Dương phủ, Dương Huyền Chi đang nhìn về phía đối diện. Đại sảnh này được bài trí khá là phù hợp với quy củ, ở giữa có một tràng kỷ được chạm khắc từ gỗ hương, ba mặt xung quay là bức bình phong Bách Điểu Triều Phượng. Trên giá để đồ cổ thì đặt những bồn cảnh bằng ngọc bích, trên tường treo bức thư pháp của Thái Ung - cha của Thái Văn Cơ và bảng chữ viết “Uất Cương Trai” của Chung Do, hết thảy mọi thứ trong sảnh đều cho thấy sự xa xỉ nhưng không phô trương của nhà trâm anh thế gia.

Một cái bàn nhỏ được đặt trên sạp, Dương Huyền Chi ngồi một bên, hai vị khách ngồi ở phía đối diện. Một người thì mặc áo đạo sĩ, có khung xương khá tốt, từ phong thái đến cốt cách đều mang dáng vẻ cao cao tại thượng của bậc đạo sĩ. Người này chính là Tôn Tú, tâm phúc đáng tin tưởng của Tư Mã Luân, ông ta theo giáo phái Thiên sư Đạo của Đạo giáo, đồng thời cũng là ông mai cho ngày cầu thân hôm nay.

Ở thời đại này, đối với cách xưng hô tôn kính thường dành cho những người có chức vụ hay cấp bậc quan lại đứng đầu. Ví dụ như Dương Huyền Chi giữ chức vụ Thượng thư lang thì sẽ gọi ông là “Thị lang”. Nếu như là người thân thiết, có thể gọi thẳng tên. Còn nếu không thân tình mà gọi thẳng tên đối phương hoặc khi đối phương không có mặt ở đó thì cực kỳ không có lễ độ.

Tôn Tú chỉ là một văn thư trong phủ Triệu Vương, không giữ chức vụ gì nên không thể xưng hô với ông ta theo kiểu tôn kính. Nhưng do Tôn Tú rất được Tư Mã Luân tín nhiệm, nên về sau ông ta được xem như người tài giỏi ở thành Lạc Dương này, vì lẽ đó mọi người đều gọi ông ta là “tiên sinh”. Khi bắt đầu trò chuyện với Dương Huyền Chi, Tôn Tú đã tự mình giới thiệu tất tần tật về tên tuổi, gia thế, lai lịch của mình. Ông ta nói bản thân cũng thuộc dòng họ Tôn ở Sơn Đông, cùng dòng tộc với ngoại tổ phụ Tôn Kỳ của Hiến Dung. Tôn Tú cùng các vị cữu cữu của Hiến Dung cũng từng kết giao bằng hữu qua lại. Vì thế, ông ta và Dương gia có nguồn gốc khá gần gũi với nhau. 

Sau khi kết thúc màn tự giới thiệu phân biệt giai cấp, Tôn Tú cũng đề cập mục đích đến đây ngày hôm nay: “Hôn lễ này sẽ là sự kết hợp tốt đẹp nhất giữa hai họ, trước nhất là để phụng sự đền thờ tổ tiên và kế đến là để tiếp nối thế hệ mai sau.” Ông ta chỉ vào A Diệu đang ở bên cạnh mình và nói với một nụ cười, “Dương thị lang chắc hẳn đã biết,  đây là người con duy nhất của Vương phi nhà ta, công tử Tư Mã Minh.”

A Diệu hơi khom mình hành lễ, đôi mắt cụp xuống, không dám nhìn thẳng vào Dương Huyền Chi. Hôm nay, chàng khoác lên người chiếc áo bào rộng rãi của sĩ tộc làm chàng có chút mất tự nhiên, cộng thêm việc phải đối mặt với gương mặt uy nghiêm cùng ánh mắt sắc bén của Dương Huyền Chi càng khiến chàng thêm hoang mang bất an. Dương Huyền Chi không phải là nhà quý tộc kém cỏi mà chàng từng thấy, ông là người đã từng trải qua các trận chiến và là nhân vật lập mưu tính kế cho triều đình. Từng ánh mắt, từng biểu cảm của ông đều có thể khiến A Diệu rùng mình sởn gai ốc, có vẻ như dù chàng có che giấu sâu đến đâu thì với đôi mắt lão làng kia vẫn có thể dò xét được điều gì đó.

Tôn Tú truyền đạt lại vài lời có ghi trên thiếp canh: “Minh công tử là người con mà Vương gia và Vương phi hết mực yêu thương và rất muốn để cậu ấy hỏi cưới một tiểu thư xuất thân trong gia đình quý tộc, có tri thức và hiểu lễ nghĩa ở thành Lạc Dương. Minh công tử năm nay vừa tròn hai mươi tuổi và cũng trạc tuổi Dương tiểu thư nhà ngài. Dương gia và Triệu Vương lại là người có gia thế lẫn địa vị, cũng từng hỗ trợ nhau trong việc triều chính. Hôn sự này quả thật là duyên trời tác hợp, không biết Dương thị lang nghĩ như thế nào?”

Trong lời nói của Tôn Tú mang khá nhiều ẩn ý dành cho Dương Huyền Chi: Tuy rằng Minh công tử không phải do Tư Mã Luân sinh ra, nhưng lại được Triệu Vương phi che chở, tiền đồ mai sau của cậu ấy sẽ tươi sáng đầy triển vọng. Điều thứ hai, Dương Hiến Dung của nhà ông đã mười bảy tuổi rồi, mà Minh công tử nhà ta lại là chàng thiếu niên trẻ tuổi cũng không có gì là không thể, nếu ông bỏ qua cơ hội này thì sẽ không còn cơ hội nào khác nữa. Thứ ba, mặc dù Tư Mã Luân không còn tham gia vào việc chính sự trong vài năm gần đây, nhưng sức ảnh hưởng của ông ấy vẫn còn đó. Việc kết tình thông gia với phủ Triệu Vương sẽ giúp ích rất nhiều cho Dương Huyền Chi nhà ông trong việc triều chính.

Ba điều trên quả thực có lực sát thương rất lớn, cho dù là người trong sạch thanh cao như Dương Huyền Chi cũng không thể không nghiêm túc suy xét. Dương Huyền Chi vừa nhíu mày vừa vân vê chòm râu: “Dương mỗ nhờ người coi giúp bát tự để xem hôn sự này có hợp hay không?”

Tôn Tú rất vui mừng, liền mang thiếp canh đặt trên bàn. Thái độ của Dương Huyền Chi đã khá rõ ràng: A Diệu là đối tượng mà ông có thể suy xét. Trong chuyến đến nhà lần đầu tiên này đã có bước phát triển khả quan thì xem ra kế hoạch mai sau có vẻ sẽ thuận lợi suông sẻ.

Khi tin tức lan ra khắp các gia tộc lớn ở Lạc Dương, chắc chắn có người sẽ không kìm lòng được.

*****

*Chú thích:

- Tất Sa Lung Quan: gọi tắt là “Lung quan” (lồng mũ), là một chiếc mũ thường đội vào thời Ngụy – Tấn – Nam – Bắc triều, xuất hiện đầu tiên vào thời Hán, được chế từ sợi cây sơn nhỏ màu đen. Đỉnh mũ bằng, thân mũ tựa như cái hộp tròn, đội lên để lộ hai bên vành tai. Ngoài ra, khi đội phải lồng thêm một cái khăn, sau đó dùng tơ tằm buộc lại, vậy mới thành mũ. (Hình)

- Chung Do: là đại thần cuối thời Đông Hán, công thần khai quốc nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc

- Chung Do: là đại thần cuối thời Đông Hán, công thần khai quốc nhà Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

- Thiên sư Đạo: còn gọi là Ngũ Đấu Mễ Đạo, Chính Nhất Đạo, Chính Nhất Minh Uy Chi Đạo, là một giáo phái ra đời trong giai đoạn đầu của Đạo giáo, tức cuối đời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, do Trương Lăng sáng lập.

+

- Bách Điểu Triều Phượng.

Bình luận

Truyện đang đọc