NGƯỢC DÒNG VUNG ĐAO



Mẹ Nghiêm thiện lương lại kiên cường chống chọi nghịch cảnh, tất nhiên về nhà không tổ chức bốc thăm chọn ra người phải chết.
Bà chỉ là vừa liếc mắt đã thương yêu đứa bé trai lang thang lấm lem bùn đất, gầy như que củi nhưng chân tay khỏe mạnh, khung xương cứng cáp đủ để giành ăn cùng đám chó, bất kể xuất phát từ tâm lý bù đắp cho sự khuyết thiếu của đứa con mình, hay xuất phát từ hi vọng tương lai trong nhà có thêm sức lao động, hoặc căn bản chỉ vì tiên đoán trại dưỡng lão trong thôn và bảo hiểm xã hội đều không đáng tin, cần phải có một đứa con trai khỏe khoắn để phụng dưỡng tuổi già, phòng ngừa chu đáo.
Nghiêm Tiểu Đao không cha không mẹ, không rõ lai lịch, trở thành thành viên mới của gia đình vốn đã nghèo túng bần hàn.

Trong nhà còn chẳng có cái giường nào cho hắn, mỗi bữa chỉ có thể cho hắn một ít khoai lang và khoai tây, gạo không đủ ăn, rau dưa thịt cá phải để dành cho người ốm.

Vợ chồng mẹ Nghiêm và đứa con tàn tật ngủ trên giường, người chồng cũ bại liệt chỉ trông vào mẹ Nghiêm chăm bẵm ngủ trên võng.

Nghiêm Tiểu Đao ngủ cạnh cửa, ngoài vách tường thủng lỗ chỗ nuôi hai con heo.

Hắn thành anh hai, phải giúp mẹ chăm sóc đứa em trai nhỏ hơn mình một tuổi.
Mang theo chồng cũ tái giá là điều kiện của mẹ Nghiêm khi đến với chồng mới, việc này khá phổ biến ở vùng nông thôn phía Bắc, nơi đàn ông hơi khó kiếm vợ.

Tuổi tác càng cao mà điều kiện không tốt thì càng không có nhiều lựa chọn, có phụ nữ còn mang theo cả cha mẹ chồng trước, khiến cho căn nhà nghèo khó bần hàn chỉ có bốn bức tường càng thêm khốn khổ.
Nhưng mẹ Nghiêm cũng không thể nghe theo “lời khuyên” tốt bụng của người ngoài rỗi việc, bỏ chồng cũ ven đường chờ chết, lương tâm bà không cho phép.
Điều duy nhất đáng mừng là nhặt được Nghiêm Tiểu Đao, hắn là đứa trẻ chịu thương chịu khó, có bản lĩnh, lúc nào cũng làm nhiều hơn nói, không ba hoa, không ăn không ngồi rồi, cũng không để ai nuôi báo cô hắn, từ nhỏ hắn đã vậy.
Nghiêm Tiểu Đao ra bờ ao cắt tóc, tắm rửa sạch sẽ, hóa ra lại là một thiếu niên khôi ngô, mặt mũi đẹp trai rất gây chú ý, mấy người nhà họ Nghiêm đều phải giật mình, cảm giác chuyến này lời to.

Khi đó mẹ Nghiêm cũng được an ủi trong lòng, thậm chí còn bắt đầu mơ mộng đứa con cả cần cù chịu khó này lớn lên sẽ có nghề nghiệp tử tế, cưới được người vợ tần tảo hiền lành, cuộc sống sau này của cả nhà sẽ có chỗ dựa.
Khoảng thời gian đẹp nhất của gia đình họ chính là hai năm đó, chồng của mẹ Nghiêm thường xuyên đi sang thôn bên cạnh làm thuê, chỗ nào thiếu nhân công thì xin vào chỗ đó, thù lao tương đối cao, còn có thể năng về nhà săn sóc gia đình.
Nhưng đả kích nặng nề giáng xuống gia đình nhỏ vào năm thứ ba, lần đó người chồng được đồng hương gọi đi làm thời vụ cho một công ty xây dựng rất nổi tiếng trong tỉnh, nhận thầu công trình xây dựng đập chứa nước.

Sắp đến Tết âm lịch, phải cấp tốc đuổi kịp tiến độ công trình, cái gọi là an toàn lao động thực chất chỉ thùng rỗng kêu to, cái gì cảm giác tiết kiệm được thì tiết kiệm, xảy ra chuyện thì bồi thường.

Giàn giáo dựng đập chứa nước sập từ trên đỉnh, chỉ trong chớp mắt đã cuốn trôi hi vọng được người thân cầm chút tiền về trang trải cuối năm của mười mấy gia đình nghèo khó, biến thành cơn ác mộng kinh hoàng…
Điều tàn khốc nhất sau sự cố chính là, người chồng thứ hai của mẹ Nghiêm không chết, mà trở thành người thực vật.
Công nhân thiệt mạng được bồi thường, còn những người nửa sống nửa chết chưa được nhận tiền thì người phụ trách công ty xây dựng đã cao bay xa chạy.

Cán bộ liên can bị tạm thời cách chức, mà tổng công ty vốn liếng hùng hậu, rễ sâu cây lớn, mặc kệ công trình đổ nát, phất tay áo bỏ đi, dân thường chân lấm tay bùn không có tư cách, cũng không có khả năng kiện tụng lên tòa án.
Chồng của mẹ Nghiêm chuyển qua chuyển lại hai năm giữa các bệnh viện lớn, tiêu tốn hết tiền tiết kiệm trong nhà, nợ nần mấy chục vạn, hàng xóm và họ hàng thân thích xa gần dần dà đều không muốn gặp gỡ gia đình xúi quẩy này.

Mãi cho tới khi uất hận mà chết, người đàn ông nọ vẫn không hiểu tại sao mình xui xẻo như thế, tại sao không chết luôn từ lúc đó, không thể để lại chút tiền cho vợ và hai đứa con.
Lúc này, để lại cho mẹ Nghiêm là hai người bệnh và một đống nợ nần, bà chỉ còn một mình Tiểu Đao để nương tựa.

Nghiêm Tiểu Đao dùng chiếc xe ba gác cũ kỹ đưa hắn về ngày trước, kéo xác người cha lên núi chôn.
Đám người đòi nợ lục tục kéo đến, bao gồm đội cho vay nặng lãi rất có thế lực ở nông thôn, hình như chuyên lừa bịp người dân đến góp vốn rồi cho vay lại, mỡ nó rán nó, cứ thế lừa gạt người ta.
Sáng sớm thức giấc, cả nhà thường xuyên nhìn thấy một cái rìu cắm trên ván cửa.

Cánh cửa rách mướp gần như chẳng còn chỗ nào cắm rìu.
Nghiêm Tiểu Đao làm đủ các việc ở thôn bên cạnh, kiếm tiền trả nợ cho gia đình, nghiêm túc mà nói, không có việc gì hắn chưa từng làm.
Cùng khoảng thời gian đó, Nghiêm Tiểu Đao quen biết cha nuôi của hắn, khi ấy đang mở quầy hàng rong chuyên bán giày dép quần áo phụ nữ trong chợ nông sản giữa thị trấn.

Năm đó Thích Bảo Sơn chỉ khoảng hai mươi tuổi, trắng trẻo hiền lành, nói chuyện với hắn rất hợp ý, chủ động gọi hắn là “Con nuôi”, ngày nào gặp mặt cũng mua bánh bao cho hắn ăn, nhét vào tay hắn ít tiền lẻ.

Tiếc rằng cha nuôi buôn bán cũng chẳng khấm khá gì, đêm đêm cõng gia sản nặng trĩu vào chợ còn bị cướp đường, du côn và thành quản rượt chạy khắp nơi, cũng chỉ là một gã độc thân hai bàn tay trắng mà thôi.
Thích gia khi vẫn là thanh niên từng trêu chọc hắn, “Con à, con biết vì sao ba chỉ coi trọng con chứ không nhận kẻ khác không? Ba từng gặp một vị bán tiên bói toán cực linh ở Hồi Mã Trấn, ổng tính cho ba một quẻ! Ổng nói ba sẽ gặp một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ, nó sẽ là đại quý nhân, là cứu tinh giúp đỡ ba kiếp này thăng quan phát tài… Con tin không con?”
Lũ cho vay nặng lãi đến nhà đạp cửa, thật sự không tìm được gì có giá trị, bèn yêu cầu nhà họ cử một người đàn ông khỏe mạnh đến mỏ than lân cận làm công trả nợ.

Đó cũng là thủ đoạn mướn nhân công giá rẻ để bóc lột sức lao động của ông chủ mỏ than.
Mẹ Nghiêm nói, nhà tôi không có đàn ông, chỉ có một người nằm trên giường bệnh, còn lại chẳng có ai.
Những kẻ nọ chỉ vào Nghiêm Tiểu Đao mười tuổi đang chăm heo ngoài chuồng, nói dối! Rõ ràng nhà bà còn một thằng đàn ông kìa!
Nghiêm Tiểu Đao lập tức bị đám người nọ dẫn tới mỏ than, mẹ Nghiêm không có sức ngăn cản, không cướp được con trai về, quỵ xuống đất khóc nức nở.
Thực ra cũng chẳng phải Nghiêm Tiểu Đao bị đám người nọ ép buộc hay bắt cóc, hắn nói với mẹ nuôi, chỉ là xuống hầm cuốc mỏ than vài năm rồi về, không có gì nghiêm trọng, con có thể trả nợ cho gia đình.
Vài năm ấy, tổng cộng mẹ Nghiêm chẳng được nhìn mặt con trai mấy lần, lần nào gặp cũng chỉ là thấp thỏm chờ đợi tuyệt vọng giữa hi vọng lập lòe.

Mỏ than quanh năm bịt kín, người chết lặng lẽ, hai ba tháng lại có tai nạn, vài người chết ngạt đen đúa được kéo lên từ miệng hầm, gửi một ít tiền chôn cất coi như đền bù sinh mệnh rẻ mạt hèn mọn của họ, chẳng ai thương tiếc ai.

Mẹ Nghiêm luôn có linh cảm, e rằng một sáng sớm thức giấc, bà sẽ nhận được tin dữ truyền tới từ mỏ than, nghiền nát chỗ dựa cuối cùng của cuộc đời bà.
Nhưng mà, tin dữ của Tiểu Đao không đến, món nợ trong nhà chỉ dần vơi.
Vào một đêm mưa, chồng cũ của mẹ Nghiêm rút tấm mành vải trong nhà cùng vài chiếc tất, buộc lại thành một sợi dây thừng, gian nan lê bước chui đầu qua vòng dây rồi nằm xuống, tự treo cổ mình.

Trước khi đi vài ngày, người đàn ông ấy để lại lời trăng trối cho mẹ Nghiêm, “Bao nhiêu năm chẳng làm được gì cho em, giờ phải giúp em làm một việc tốt.”
Nghiêm Tiểu Đao được nghỉ nửa ngày, mang ít tiền từ mỏ than về cho mẹ nuôi trả nợ, lại kéo xe ba gác đưa chồng cũ của mẹ nuôi lên núi chôn cạnh người chồng mới, để hai người đàn ông cùng rất khổ đau lúc còn sống làm bầu bạn sau khi qua đời.
Mấy tháng sau, một gánh nặng khác trong nhà, có lẽ cũng không thể chịu đựng cuộc đời vô nghĩa, tiếp tục buông tay.

Lần đó trong nhà chẳng có ai, đứa em trai tàn phế của Nghiêm Tiểu Đao nghịch lửa, củi lửa cháy lan sang ruột bông, giường cháy, căn nhà và chuồng heo cũng cháy, một trận hỏa hoạn dễ dàng san bằng tất cả, đứa em trai thiểu năng lần đầu tiên làm chủ được vận mệnh của mình, chết trong biển lửa.
Nghiêm Tiểu Đao lại kéo đứa em lên núi, chôn cất cạnh hai người đàn ông.

Sườn núi phủ tuyết, hai mẹ con nhìn ba nấm mồ nhỏ, nét mặt kiên cường, không ai rơi lệ.
Khi đó mẹ Nghiêm còn khẽ hỏi Tiểu Đao, “Con xem, có phải mẹ con mình cao số quá không? Mẹ con mình khắc chết cả nhà…”
Hai mẹ con cao số, cuối cùng cũng rơi vào cảnh sống nương tựa lẫn nhau.
Nghiêm Tiểu Đao từ nhỏ đã không biết thế nào là rơi lệ, cũng không tin vào số phận.

Bao nhiêu chuyện xảy ra trên đời không phải chỉ dùng nước mắt cầu xin lòng thương hại hoặc thở vắn than dài xót xa cho bản thân là có thể giải quyết.

Hắn nhất định phải cao hơn cái số của hắn.

Hắn phải ngậm cái số của hắn trong miệng, nghiền nó nát nhừ.


Kể lại chuyện cũ, trong lòng bình thản, thỉnh thoảng còn biết pha trò, Nghiêm Tiểu Đao gối lên cánh tay trái, ngắm trời sao, rất vui mừng vì có một người bên cạnh, người có thể khiến hắn vui vẻ kể lại câu chuyện mà hắn khinh thường chia sẻ với người ngoài.

Trải qua bao năm, hiện giờ hắn rất thản nhiên thuật lại như đang nói về chuyện của một người không liên quan nào đó.
Nhưng người nghe câu chuyện này lại không thể bình tĩnh như hắn.

Khuôn mặt Lăng Hà dưới ánh sao thoặt sáng thoặt tối, đầu tiên là hé lộ nét chuyên chú cùng thương yêu, sau đó là cảm động và khâm phục, cuối cùng đột ngột biến sắc tại khúc ngoặt bất ngờ của câu chuyện, sắc mặt ảm đạm tối tăm, cả người lạnh ngắt.
Nghiêm Tiểu Đao chợt thấy trong chăn hơi lạnh, mới nãy còn ấm lắm mà, dường như thân thể Lăng Hà bỗng chốc giao mùa.

Hương xuân đâm chồi, hoa cải bạt ngàn phủ khắp núi đồi, ngài Lăng lại từ mùa xuân biến trở về mùa đông?
Nghiêm Tiểu Đao thò tay qua, cách chăn bông cầm tay Lăng Hà, “Lạnh hả?”
“Cần thêm chăn không?”
“Bị cảm rồi sao?”
Đối với người hắn tôn trọng và quý mến từ tận đáy lòng, Nghiêm Tiểu Đao tình nguyện dè dặt phát hồ tình, chỉ hồ lễ*, cả vuốt ve cũng phải qua lớp chăn.

Hắn muốn kiểm tra nhiệt độ trên trán Lăng Hà, bèn nhẹ nhàng dùng mu bàn tay áp lên, nghĩ rằng mu bàn tay còn nhẵn nhụi hơn lòng bàn tay, áp lên trán y sẽ không quá thô ráp.

(*Trích “Kinh Thi”, là chủ trương của Khổng Tử.

Câu này mang ý rằng, nói chuyện yêu đương thì có thể, nhưng không được vượt qua lễ pháp giới hạn, không thể tằng tịu dung tục với nhau, dù có tình cảm thì vẫn phải giữ lễ nghĩa)
“Tôi hiểu rồi.” Lăng Hà khẽ nhoẻn cười dưới trời sao lấp lánh, nụ cười thấm đẫm bi thương, “Sau đó cha nuôi Thích Bảo Sơn của anh trở lại, cứu vớt số phận anh, thay anh trả món nợ hai mẹ con anh cả đời bán mạng bán mình cũng không trả nổi, giúp anh có được ngày hôm nay!”

“….

Đúng.” Nghiêm Tiểu Đao thường xuyên thán phục bộ não của Lăng Hà.

Trò chuyện và thổ lộ tâm tình với người như Lăng Hà vô cùng thoải mái, rất giỏi đoán ý, suy một ra ba, nghe mở đầu là đoán được kết cục, trời sinh ra để làm đạo diễn vở kịch nhân sinh.

Nghiêm Tiểu Đao cũng sợ gặp phải người ngốc nghếch không tinh ý, trò chuyện dông dài cực kỳ khó coi.
Lăng Hà thở dài, nét mặt lạnh tanh, “Nghiêm tổng kể tiếp đi, tôi muốn nghe xem ban đầu Thích gia hành hiệp trượng nghĩa trước mặt anh ra sao.”
Tới mùa xuân năm đó, vào một ngày bình thường không ai ngờ tới, Thích Bảo Sơn từ phương Nam trở về.
Người này lúc đi còn chẳng có nổi hai trăm đồng trong túi, nói là vào Nam “xuống biển” làm ăn, trở về lại khoác chiếc áo lông dê màu xám nhạt rất sang trọng, oai phong ngời ngời.

Thích Bảo Sơn cưỡi siêu xe màu đen, mang theo cả lái xe và vệ sĩ, đằng sau còn có nhiều xe khác nối đuôi, đi thẳng vào thôn tìm người.
Thích Bảo Sơn tìm Nghiêm Tiểu Đao, phát hiện nhà họ Nghiêm ngày xưa đã thành đống đổ nát, lập tức tìm đến mẹ Nghiêm đang ở nhờ trong căn phòng ngói bể nhà hàng xóm.
Thích Bảo Sơn nhận được tung tích của Nghiêm Tiểu Đao, tức tốc lái xe đến mỏ than đá.
Nghe mẹ Nghiêm kể lại khi ấy, người cha nuôi này rất niệm tình xưa, quả đúng là trượng nghĩa! Chiếc siêu xe của Thích Bảo Sơn đỗ tại chân núi có mỏ than, xuống xe lệnh cho vệ sĩ xách người phụ trách khai thác mỏ ra, hỏi thẳng, “Thằng nhỏ họ Nghiêm đâu? Mang nó ra, bây giờ ta cần dắt nó đi.”
Lão chủ khu mỏ nọ không nhận ra người này chính là thanh niên mở sạp giày dép năm nào, nhưng vẫn câu cũ, bọn tôi có hợp đồng thợ mỏ đây, sao phải cho anh mang nó đi? Việc của nó còn chưa xong đâu!
Thích Bảo Sơn mắng, hợp đồng con mẹ nhà mày, giam giữ thằng nhỏ mười hai mười ba tuổi trong cái hố vạn người, bắt nó lao động tay chân cho chúng mày sai phái, chúng mày ngược đãi nó tới chết rồi quẳng xác lấp hầm, chưa chết rồi cũng phải chết! Mày tưởng tao không biết đám súc sinh uống máu người không chớp mắt chúng mày làm nghề gì hả, chúng mày đào mỏ than đá làm sao phát tài?
Lão chủ nọ cảm giác người này hậu phương hiển hách, đành phải nói, nhà họ vay nặng lãi, làm sao phủi đít bỏ đi được, đã trả tiền đâu.
Thích Bảo Sơn hỏi, nợ mày bao nhiêu?
Lão chủ vươn năm ngón tay.
Thích Bảo Sơn hỏi, năm vạn?
Lão chủ cười khẩy, năm mươi vạn! Lãi mẹ đẻ lãi con, giá chung rồi, nhà nó phải trả hết đời!
Thích Bảo Sơn quay lại, dùng mắt ra hiệu, vệ sĩ từ ghế sau xách ra một chiếc túi dệt hai màu xanh đỏ, rút năm mươi vạn tiền mặt, quẳng đống tiền vào lão chủ mỏ than đen đúa bóng dầu.
Lúc này lão chủ mới cảm giác không đúng, năm mươi vạn đâu phải con số nhỏ nhoi gì, vội vàng sai thuộc hạ xuống hầm tìm Nghiêm Tiểu Đao, nhanh chóng xách thằng nhỏ lên.
Thích Bảo Sơn vân vê hai quả hạch đào trong tay, ung dung nói, “Nếu con nuôi tao không thiếu cánh tay cẳng chân nào thì tao đưa nó đi, túi tiền này là của mày.

Còn nếu nó mất cái gì, hoặc nó mất mạng, haizz… Năm mươi vạn này có bao nhiêu tờ tiền, tao xẻo chúng mày thành bấy nhiêu mẩu thịt.”
Nghiêm Tiểu Đao từ dưới hầm chui lên, tóc đen ngắn ngủn, khuôn mặt dầu mỡ bẩn thỉu suýt không nhận ra mình, nhưng thể xác túng bấn nghèo khổ không che giấu được khí khái oai hùng từ trong tâm tưởng, đáy mắt trong veo điềm đạm, từ nhỏ đã cứng cỏi không biết cúi đầu chịu thua, khí khái mãnh liệt dường như sinh ra đã có.

Thích Bảo Sơn thích Tiểu Đao, tán thưởng hắn từ trong tâm khảm, cũng đắc ý với con mắt nhìn người của bản thân, thật lòng kính nể một người, bất kể người đó hiện mới chỉ là một đứa nhỏ gầy gò yếu đuối!

Khi đó, Lăng Hà nở nụ cười, “Hay cho một Thích gia nghĩa khí ngút trời, đối với anh đúng là tình sâu tựa biển, ân trọng như núi! Nghiêm tổng à, sau này anh nhất định không được làm gì có lỗi với ông ta, nhất định không được phản bội ông ta đó.”
Nụ cười ẩn chứa vài phần thê lương và buồn bã, ánh mắt như đã vượt qua bao mùa xuân hạ, thu tới đông qua.

Khi nói chuyện, lồng ngực Lăng Hà quặn thắt từng cơn, đau buốt hơn cả một ống Nicotine tiêm vào phổi, thân thể như chìm trong nỗi thất vọng lạnh lẽo tựa hầm băng.
Buông trôi để mình trượt đi quá xa, động lòng rồi mới thấy đau khổ, hôm nay mới biết xong đời.
Phút gắn kết ngắn ngủi mà hạnh phúc ngọt ngào, cảm giác nhộn nhạo không thể gọi tên vừa nãy chợt vút bay như ảo mộng nhân gian.


Lúc này, hai người lại một lần nữa bị kéo xuống quỷ vực.

Họ đang ở trên hai thế giới song song, giấc mộng nào cũng phải đến hồi thức tỉnh.
Nghiêm Tiểu Đao cũng nhận ra cảm xúc của Lăng Hà biến đổi.
Mỗi lần nhắc đến Thích gia, Lăng Hà đều biến sắc.

Chuyện này rất bình thường, không thể tránh được, chung quy hai người vẫn là “kẻ thù”.
Nghiêm Tiểu Đao cố giữ không khí bình thường, nở nụ cười tự giễu, “Có thể lúc đó tôi chưa tới số chết hoặc Thích gia nhầm lẫn, tự nhiên vừa ý tôi.

Ông ấy mê tín, tin vào quẻ bói của đạo sĩ bán tiên trên trị trấn, cho rằng tôi sẽ giúp ông ấy đổi đời, làm ăn phát đạt.

Hai năm trước lão đạo sĩ nọ mọc cánh thành tiên, ông ấy còn đưa tôi về làm lễ truy điệu, lão đạo sĩ lại lập dàn tụng kinh, ngồi đài sen chiêu hồn, lãng phí hết cả tấm lòng thành.”
Lăng Hà cũng cười nói, “Thích gia chí tình chí nghĩa, rất có khí khái người trong giang hồ, trước đây tôi không biết rõ, tôi quá coi thường ông ta rồi.”
Cả hai cùng như quay lại không khí hòa hợp vui vẻ khi nãy.

Lăng Hà nhìn Nghiêm Tiểu Đao, “Nghiêm tổng này, tôi quên hỏi, năm nay anh bao nhiêu tuổi nhỉ?”
Nghiêm Tiểu Đao đáp, “Hai mươi tám.”
Nghiêm Tiểu Đao tiện thể điều tra, “Còn cậu?”
Lăng Hà chớp chớp đôi mắt xinh đẹp, “Đã bảo năm nay tôi thi đại học mà.”
Nghiêm Tiểu Đao rúc trong chăn, trầm trầm cười, “Đại học nào thế hả chàng sinh viên trời Tây? Cậu thi đại học nhan sắc à?”
Tiếng cười của Lăng Hà mang theo nét kiêu kỳ tự mãn bẩm sinh, thình lình chuyển đề tài, “Tức là, khoảng mười lăm năm trước, cha nuôi của Nghiêm tổng đột nhiên phát tài ở phương Nam, xách túi tiền mặt nặng trĩu quay về tìm anh, từ đó về sau giàu sang phú quý, làm ăn phát đạt.

Ông ta dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, thế khi đó buôn bán cái gì mà phất lên nhanh vậy?”
Nghiêm Tiểu Đao thoáng sửng sốt, thật thà đáp, “Lúc đó tôi còn nhỏ, nghe nói hồi ấy lợi dụng lỗ hổng trong chuyển đổi hiến pháp pháp luật, buôn lậu trang phục, đồ điện, xe máy linh tinh gì đó.

Bao nhiêu năm qua rồi, tôi cũng không hỏi rõ.”
Lăng Hà thoải mái cho qua vấn đề này, mỉm cười, cười đến rung cả tấm chăn hai người cùng đắp.
Lăng Hà thình lình nhích lại, ghé sát vào Nghiêm Tiểu Đao, chóp mũi suýt soát chạm chóp mũi, đôi mắt mảnh dài xinh đẹp mở to, lặng lẽ nói một câu bên gối, “Đúng là một truyền kỳ, vận mệnh xoay chuyển và những thăng trầm trong cuộc sống đều không thể sửa lại, đúng là khó có thể tin! Nghiêm tổng thử nghĩ xem, mười mấy năm trước, một người bán giày nháy mắt phát tài nghe hợp lý hơn, hay nhà họ Lăng giàu sang phú quý nháy mắt sụp đổ, từ vàng bạc đầy sân biến thành lũ ăn mày ngày ngày bị người qua đường chửi bới thóa mạ thì hợp lý hơn?”
Nghiêm Tiểu Đao lập tức lặng thinh, hết lời chống đỡ.
Ăn ngay nói thật, cả hai đều bất hợp lý.

Tất nhiên Thích gia có điều giấu giếm, có lẽ còn dính dáng chút gì đó với nhà họ Lăng.

Nhưng vấn đề này vượt quá bổn phận và tuổi tác của Nghiêm Tiểu Đao, giờ phút này hắn biết phải nói gì đây?
Hắn chăm chú nhìn đôi mắt phượng biết nói của Lăng Hà.
Lăng Hà vẻ mặt điềm đạm, không muốn giương cung bạt kiếm thúc ép hắn, rất thoải mái trùm chăn lên, “Nghiêm tổng, ngủ đi.”
Giữa tiếng hô hấp sẽ sàng, Nghiêm Tiểu Đao loáng thoáng nghe thấy người nào đó hừ mũi dưới tấm chăn, “Ngài Nghiêm già quá rồi đấy, tôi hai mươi ba, gato chưa…”


Bình luận

Truyện đang đọc