Ngày hôm sau, Lưu đại nương đến tìm Lam Hi Thần hỏi chuyện. Lam Hi Thần mới đầu chỉ xem trả lời cho có lệ, thế nhưng càng lúc mấy câu hỏi càng trở nên khó nghe, đại để như "ngươi đã từng thân cận với ai bao giờ chưa?", "thân cận với nam hay nữ?",.... rốt cuộc Lam Hi Thần không chịu nổi, cũng không thể tùy tiện cấm ngôn bà ta, đành viện cớ bản thân mệt mỏi mà đóng cửa nằm im trong phòng.
Mạnh Dao cũng biết y không thích tiếp xúc với nhiều người lạ, mỗi lần hắn ra ngoài đều khóa trái cửa, vậy mà không biết làm cách nào vị Lưu đại nương kia lại mở cửa ra được, mỗi lần gặp được Lam Hi Thần đều muốn dẫn y ra ngoài hội quán xem xét nhưng đều bị Mạnh Dao cản lại.
Thậy ra, không phải Lam Hi Thần không tò muốn ra bên ngoài tìm hiểu xem, rốt cuộc Trường Xuân hội quán này có gì đặc biệt mà đêm nào cũng có tiếng đàn ca múa hát ầm ĩ. Lại vì câu nói của Mạnh Dao: "người ở bên ngoài rất phức tạp", nên đành thôi. Ai biết được trong đám người phức tạp kia có lẫn người của Ôn thị đang muốn truy sát mình hay không?
Mấy đêm nay không đêm nào Lam Hi Thần có thể ngủ yên, vừa chợp mắt là gặp phải ác mộng. Y rất lo lắng không biết phụ thân như thế nào, Lam Vong Cơ có bị bắt đến Kỳ Sơn hay không?
Chắc là ông trời cảm thương, không nỡ để Lam Hi Thần ưu tư quá lâu. Một ngày nọ, đang lúc giúp Mạnh Dao thu thập mấy tấm màn phơi ở khu đất trống, làn gió se lạnh mang theo vài chiếc là vàng rơi xào xạt trên đất. Lúc này đã vào cuối hạ, trên những tán cây đã không còn vọng ra tiếng kêu khó chịu của bọn ve sầu tiếng sau dài hơn tiếng trước. Y thầm cảm khái mới hạ không được bao lâu mà thu đã kéo đến nhanh như vậy, cũng không đợi cho người ta kịp chuẩn bị gì hết.
Buồn bã nhớ nhà nhớ người thân, y khẽ ngâm một bài thơ: "Gió thu mát lành. Trăng thu sáng trong. Lá rụng lúc tụ lúc tán. Quạ đang đậu bỗng chợt kinh động. Nhớ nhau mà biết tới ngày nào mới gặp nhau? Tiết trời này, đêm này khiến lòng người không chịu nổi"*.
*Trích Thu Phong Từ của Lý Bạch. Nguyên văn Hán Việt: Thu phong thanh. Thu nguyệt minh. Lạc diệp tụ hoàn tán. Hàn nha thê phục kinh. Tương tư, tương kiến tri hà nhật? Thử thì, thử dạ nan vi tình.
"Thật là một bài thơ hay, có điều bây giờ ban ngày không có trăng cho nên không hợp với bối cảnh lắm!".
Lam Hi Thần giật mình quay lưng lại. Ở nơi phía cửa có ba thân ảnh hai nữ một nam, nhìn chung cả ba người đều có tư sắc cực kỳ mỹ mạo. Đúng, nam nhân kia cũng chính là một kiểu "mỹ mạo", một loại "mỹ mạo" hơn nam tử bình thường dù so sánh thì hắn thua Lam Vong Cơ rất xa. Bất quá, hắn ăn mặc có điểm.....quá lòe loẹt, thậm chí còn lòe loẹt hơn hai nữ nhân bên cạnh. Lam Hi Thần ban đầu còn cảnh giác, nhưng cứ thấy ba người kia đăm đăm nhìn mình không nói gì, tám con mắt cứ thế mà nhìn nhau dài lâu cũng không hay, thế là y hơi cung tay, nói "Xin cho hỏi, ba vị đây là.....".
Nữ nhân mặc lục y cầm quạt che nửa mặt dưới không biết nàng ta đang cười hay đang mím môi, chỉ thấy mày liễu sít sao dán chặt, hỏi ngược lại "Ngươi có phải là Trần Thư Nhuận?".
Lam Hi Thần gật đầu, lục y nữ tử lại nói tiếp "Nghe nói Mạnh phó sứ đang giấu một cực phẩm trong Lục Sắt cư, bây giờ nhìn tận mắt mới thấy lời đồn không khoa trương chút nào".
Xích y nữ tử đứng bên cạnh thì nhướn mày "Gương mặt như thế kia, cũng chẳng trách Lưu đại nương nghĩ đủ phương pháp muốn đưa người ra ngoài để rước vàng vào túi".
Tranh y nam tử tỏ vẻ phủi phui "Ta thì thấy cũng bình thường thôi, có gì hay ho?".
*Tranh y: trang phục màu cam. Tranh: cam.
Lục y nữ tử liếc hắn, che miệng cười khúc khích "Xem ngươi mạnh miệng nhỉ? Còn ta lại thấy ngay cả so phần đôi mắt thì ngươi còn kém hắn hơn năm ngàn lượng bạc ấy chứ".
Tranh y nam tử hừ lạnh một tiếng, lại trừng Lam Hi Thần một cái, sau đó phất tay áo đi một mạch. Còn lại hai nữ tử kia vẫn đứng đó, trên tay các nàng cầm quạt che mặt lại, nghiêng đầu như đang thì thầm với nhau. Thật ra nếu trong hoàn cảnh bình thường, Lam Hi Thần sẽ coi như không có gì bởi các tiên tử thế gia luôn nhìn y và Lam Vong Cơ bằng ánh nhìn ngưỡng mộ, nhưng hiện tại, y cảm thấy hai người kia chẳng khác nào nói về y như đang bình phẩm một món hàng, khiến y cảm thấy khó chịu trong lòng vô cùng.
Một lúc lâu sau, xích y nữ tử mới hạ quạt xuống, hỏi "Trần công tử năm nay được bao nhiêu tuổi rồi?".
Lam Hi Thần dè dặt đáp "Tại hạ mười tám tuổi".
Lục y nữ tử khẽ cong khóe môi, lẩm bẩm "Thế thì cũng không xem là lớn". Đoạn nàng chỉ vào mình rồi chỉ vào xích y nữ tử đứng bên cạnh, nói "Ta là Thúy Vi, nàng ta là Liễu Yến, còn nam nhân vừa rồi chính là Thịnh Vỹ. Bọn ta là đều người của Hoa Tiên Các ở hội quán. Không biết là Thư Nhuận công tử đã nghe qua chưa?".
Lam Hi Thần lắc đầu "Xin lỗi hai vị cô nương. Ta chưa nghe qua bao giờ".
Hai nàng hơi sựng lại nhìn nhau một lúc, lát sau Thúy Vi cười trừ "Vậy sao? Vậy chắc là Mạnh phó sứ chưa có kể gì với ngươi về Trường Xuân hội quán đâu nhỉ?".
Lam Hi Thần thành thật gật đầu. Thúy Vi trên mặt tuy vẫn là nét cười, nhưng lần này mang theo cả ba phần lúng túng, giống như không biết nên nói tiếp cái gì.
Rốt cuộc vẫn là Liễu Yến bước lên hai bước, mở lời "Lúc nãy nghe Thư Nhuận công tử ngâm thơ bài thơ hay như vậy. Chắc là bình thương ngươi đọc qua nhiều sách lắm?".
Lam Hi Thần nói "Không giấu cô nương, ta xác thực đã đọc rất nhiều sách".
Liễu Yến nói "Thế Thư Nhuận công tử có thường xuyên đi đối ẩm đàm đạo không?".
Lam Hi Thần nói "Rất ít".
Liễu Yến nói "Vậy ngươi có thích được luận ngôn với thi nhân mặc khách không?".
Lam Hi Thần nói "Đương nhiên là có, nhưng.... nhà của ta có quy tắc, muốn ngôn luận thì cũng phải đợi có dịp lễ lớn mới có thể tiếp xúc với nhiều người".
Dĩ nhiên, Lam Hi Thần sẽ không nói thẳng ra cái dịp lễ lớn kia chính là Thanh Đàm hội của bách gia huyền môn.
Liễu Yến nói "Xem ra Thư Nhuận công tử rất có khiếu văn chương. Nếu như ta nói hiện tại có một nơi đáp ứng được sở thích này của ngươi, vậy ngươi có muốn tới đó không?".
Lam Hi Thần nói "Liễu cô nương, ý của cô nương....".
Liễu Yến hơi hất hàm hướng về một phía, nói "Nếu muốn, ngươi có thể ra ngoài hội quán. Ở đó không thiếu thi nhân mặc khách thập phương đổ về".
Lam Hi Thần mừng rỡ, hỏi "Có thật không?", nhưng rồi lại do dự, nói "Có điều Mạnh công tử nói người ở ngoài đó rất phức tạp".
Thúy Vi nói "Ôi dào, có cái kỹ....à, khách lâu nào mà không có người phức tạp vào ra?".
Chừng như nàng ta suýt nữa thì lỡ lời tiết lộ cái gì đó, Liễu Yến khẽ liếc mắt khiến nàng ta mau miệng lấp liếm, nói "Như Yến tỷ đã nói, nếu hội quán đã có tài tử đặt chân tới thì nó cũng đâu có gì gọi là phức tạp? Ta nghe nói Thư Nhuận công tử suốt ngày ở Lục Sắt cư không bước chân ra ngoài, như vậy thì là buồn chán biết bao, có khi ngươi nên ra ngoài thư giãn một chút. Ta thấy hay là tối nay, Thư Nhuận công tử hãy thử ra ngoài hội quán xem, chắc chắn sẽ không mất nhã hứng ngâm thơ đâu".
Lam Hi Thần ngập ngừng "Nhưng mà.....".
Liễu Yến nói "Thư Nhuận công tử không nên quá để tâm lời của Mạnh phó sứ, nếu là vì sở thích của bản thân, ngươi cũng không nên quá nghe lời người khác mà kìm chế. Nếu đêm nay Thư Nhuận công tử có nhã hứng thì hãy ra ngoài hội quán tìm ta, ta sẽ giới thiệu cho ngươi vài tài tử thường xuyên đến đây làm khách".
Dứt lời liền cùng Thúy Vi rời đi. Lam Hi Thần thì để trong lòng lời nói của nàng ta. Cả buổi chiều hôm đó y cứ suy nghĩ mãi, cho đến khi tiếng nhạc như thường lệ cất lên thì y đã chẳng thể kìm nổi sự mong chờ.
Thấy y hào hứng như vậy, Mạnh Dao rốt cuộc đành phải nói thẳng ra với Lam Hi Thần rằng: Trường Xuân hội quán tuy rằng là nơi để cho các tài tử gia nhân so tài thi phú, có sân khấu diễn kịch, quán ăn, sòng bạc. Bề ngoài nhìn như một trung tâm giải trí nhưng vốn dĩ chính là một....kỹ quán, mà kỹ quán này lại thuộc dạng cao cấp mượn cái vỏ bọc Trường Xuân hội quán để tồn tại, gọi là Hoa Tiên các. Trong Hoa Tiên các có tất cả mười hai hoa tiên, mà khiến cho người ta ngạc nhiên hơn, trông số mười hoa tiên đó không chỉ có kỹ nữ mà còn có cả tiểu quan.*
*tiểu quan là một cách gọi khác của kỹ nam.
Dĩ nhiên cái danh tiếng gì thì cũng đi chung với cái tính chất của nó. Dù có là kỹ quán, nhưng khác với những chốn thanh lâu phường tửu thông thường, Hoa Tiên các chỉ tiếp đãi những người thuộc hạng quyền quý, người của Hoa Tiên các lại còn có cả tài năng về âm nhạc động lòng người, mà mỗi giờ phong hoa tuyết nguyệt thì giá có khi vượt mức một trăm lượng bạc là chuyện bình thường. Do vậy, muốn chạm vào người của Hoa Tiên Các, túi tiền nhất định phải thật to, thật đầy.
Mạnh Dao nói luyên thuyên một hồi, cuối cùng thở dài nói một câu "Thư Nhuận huynh, ta thành thật khuyên ngươi tốt nhất đừng nên ra ngoài đó. Với bộ dáng này của ngươi mà đi cùng với người của Hoa Tiên các, sẽ rất dễ bị hiểu lầm thành..... mà nói sao đi nữa, một người như ngươi vẫn là đừng lai vãng ở chỗ kỹ quán thì hay hơn".
Lam Hi Thần vốn là người được dưỡng giáo trong lọ thủy tinh từ nhỏ, mọi thứ đều do Lam Diệp và Lam Khải Nhân dạy dỗ. Hai vị lão nhân lại chưa từng nói qua mấy chuyện liên quan đến phong tình tục lụy, lại càng không cho phép y tùy ý đi bừa. Mỗi lần đi đâu đều sẽ có người theo giám sát. Nếu gọi là có ghé vào hàng quán, cùng lắm là ghé tới quán nước ở chân cầu Thải Yên của Trương lão uống lệ chi thủy, cho nên Lam Hi Thần vẫn là lần đầu nghe qua hai chữ "kỹ quán" nên không hiểu được ẩn ý sâu xa trong lời khuyên kia. Chẳng những không nghe lời Mạnh Dao mà còn hỏi thêm rằng "Không phải kỹ quán cũng là một loại khách lâu sao? Nếu thế, ta ra đó có đi gần Hoa Tiên Các đi nữa thì cũng chỉ như là khách nhân thôi, đã gọi là khách nhân thì có thể ngồi đó uống trà đàm đạo mà, có đúng không?".
Mạnh Dao lau một trán đầy mồ hôi, dùng ánh mắt không thể tin được nhìn Lam Hi Thần, nói "Thư Nhuận huynh, ngươi xác thực ra đó chỉ là uống trà đàm đạo thôi sao?".
Lam Hi Thần nói "Ta cảm thấy xác thực là như vậy, còn không thì bình thường khách nhân tới kỹ quán ngoài uống trà ra thì còn có thể làm gì nữa?".
Mạnh Dao nói "Thư Nhuận huynh, ta hỏi thật một câu: Ngươi có phải là mười tám tuổi hay không?".
Lam Hi Thần nói "Đương nhiên", y định nói ta cao hơn ngươi nửa cái đầu thì không giống thiếu niên mười tám tuổi hay sao, nhưng nghĩ lại nếu mà nói ra thì mắc công người trước mắt sẽ đau lòng nên đành nuốt lời muốn nói xuống cổ họng.
Mạnh Dao giậm chân "Mười tám tuổi mà ngươi không biết kỹ quán là nơi nào thì ta thực sự sốc đến chết. Đừng nói với ta luôn cả Xuân cung đồ ngươi cũng không biết đấy chứ?".
Lam Hi Thần ngơ ngác rồi lại cười xòa "Xuân cung đồ? Cái tên nghe cũng hay đấy! Đó là sách gì thế, ta thực chưa nghe qua bao giờ?".
Đến nước này thì Mạnh Dao thật sự muốn ngã rầm xuống đất. Hắn muốn hỏi thiếu niên mười tám tuổi đầu này rốt cuộc được sinh ra từ cái nhà họ Trần ất ơ nào vậy chứ? Sao có thể giống như một đứa bé ba tuổi ngồi nghe hát kịch như vịt nghe sấm thế này?
Sau một hồi năn nỉ ỉ ôi, Mạnh Dao không còn cách nào để giữ y ở yên trong Lục Sắt cư, đành phải dẫn y ra ngoài hội quán. Kỳ thực Mạnh Dao không có nói quá. Trường Xuân hội quán đúng là một trung tâm giải trí phong phú đa dạng. Đại sảnh là một sân khấu lớn dùng để diễn kịch, ca múa. Lầu một gồm phía tây là sòng bạc, phía đông là tửu lâu. Còn lầu hai chỉ là dãy các phòng đóng kín cửa, cũng không biết bên trong có cái gì. Lam Hi Thần cảm khái, có thể mở một hội quán đồ sộ như thế này, vị Chu tông chủ kia ắt hẳn là giàu nứt vách đổ tường.
Lúc Lam Hi Thần bước ra, ở giữa sân khấu đã có một vở kịch đang diễn ra. Nhìn cách ăn mặc và tình tiết đoạn kịch thì kia chính là vở "Uyên Ương Hóa Hồ Điệp", kể về mối bi tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Lam Hi Thần chưa từng xem qua loại hình ca kịch này, chỉ là ngày trước Nhiếp Hoài Tang ở Vân Thâm Bất Tri Xứ nghe học, không biết hắn kiếm từ đâu một đống sách phong tình cổ văn, có một ngày cùng Ngụy Vô Tiện và Giang Trừng bàn về chuyện tình đó, ngẫu nhiên Lam Hi Thần đi qua liền nghe được ít nhiều nên cũng biết một ít chi tiết về vở diễn trước mắt.
Lam Hi Thần đứng bên mép cột, đang say sưa theo dõi vở kịch cũng như cảm thán, chợt có tiếng người lanh lảnh cất lên "Ôi chao, đây chẳng phải là khối vàng lớn, à không, là Thư Nhuận công tử đây sao? Cuối cùng ngươi cũng chịu ra ngoài rồi à?".
Mạnh Dao tỏ vẻ không vui "Lưu đại nương, coi bộ bà mong chờ điều này lâu lắm rồi nhỉ?".
Lưu đại nương che miệng cười khanh khách, lại vỗ vào vai Mạnh Dao một cái, nói "Mạnh phó sứ đúng là giỏi nhìn rõ lòng người quá đi mất! Thôi, không nói với ngươi nữa đâu, ngươi mau đi lo các quan khách ở tây lầu đi kìa. Thư Nhuận công tử sao lại đứng đây? Ngươi muốn xem rõ kịch không? Để ta dắt ngươi tới chỗ này ngồi, cho ngươi nhìn thật rõ khán đài".
Dứt lời cũng không để Lam Hi Thần hay Mạnh Dao lên tiếng, bà ta luống cuống như bắt được vàng, trực tiếp kéo tay Lam Hi Thần đi phía sau mấy bức màn rũ xuống thẳng tiến đến một chỗ có rất đông người ngồi, mỗi người đều cầm trên tay một loại nhạc cụ mà ba trong số đó, Lam Hi Thần đều đã từng gặp qua.
Trong khi chín người còn lại trân mắt nhìn y với sự trầm trồ xen lẫn ghen tỵ, Thúy Vi chỉ bình thản nhìn y một cái rồi tiếp tục kéo hồ cầm. Liễu Yến từ đầu tới cuối chẳng hề để tâm, vẫn điềm nhiên thổi sao. Chỉ có Thịnh Vỹ đang tấu thất huyền cầm, khóe môi cong lên tỏ ý cười cợt, nói "Còn tưởng vẫn đang ở trong phòng lánh mình, hóa ra chịu không được cũng muốn gia nhập với chúng ta sao?".
Lời này Lam Hi Thần có thể nghe thấy bốn phần ghét bỏ sáu phần châm chọc. Y không biết làm sao cho phải, bèn đưa mắt nhìn Lưu đại nương, muốn nói với bà ta hay là để y trở về chỗ cũ cũng được. Mà những người khác nghe tới câu cuối của Thịnh Vỹ, tất cả đều đồng một ý nghĩ: Tuyệt đối không được! Nếu không chén cơm của bọn họ làm sao mà kiếm?
Lưu đại nương thêu mi nhìn Thịnh Vỹ, sau đó lại nở nụ cười, nói "Gia nhập thì gia nhập, thêm người thêm vui chứ có sao đâu? Huống hồ ngươi xem ở bên ngoài còn chỗ nào nữa chứ, chẳng lẽ để Thư Nhuận công tử ngồi với đám người lạ? Hắn là bà con với Mạnh phó sứ đó nha, để Mạnh phó sứ biết thì các ngươi khỏi cần ra khỏi Hoa Tiên các đi dạo".
Thúy vi khẽ cười một tiếng, hất cằm về chỗ trống bên cạnh, nói "Phải, ở đây ngoài chỗ Lưu đại nương thường ngồi quan sát ra thì vẫn còn chỗ này là trống. Thư Nhuận công tử ngồi cũng vừa hay đủ chỗ".
Lưu đại nương thấy thế liền đẩy Lam Hi Thần ngồi vào cái chỗ kia. Lúc ngồi vào, Lam Hi Thần chỉ cảm thấy một trận khó chịu. Thứ nhất là lần đầu ngồi cạnh một nhóm nữ nhân. Thứ hai, trừ Liễu Yến ngồi bên cạnh không có chút gì quan tâm mình ra, những người khác cặp mắt đều dán chặt vào y với ý vị không giống như cách chúng tiên tử trong bách gia vẫn hay nhìn mình.
Chỗ này ngăn cách với bên ngoài bởi một lớp màn và sân khấu. Lúc bấy giờ cảnh diễn là đoạn Chúc Anh Đài bước chân lên kiệu hoa, chuẩn bị đi ngang mộ của Lương Sơn Bá.
Thúy Vi bỗng nói "Sắp đến cảnh hai người gặp nhau cũng là đoạn Liễu Yến tỷ hát, thế mà Thịnh Vỹ ngươi lại biến tấu giai điệu chẳng ra hồn gì cả. Không khéo sẽ phá hỏng vở kịch mất".
Lam Hi Thần cảm thấy khó hiểu. Thịnh Vỹ kia biểu diễn không tệ, nhưng nàng ta lại chê bai như vậy, có lẽ nào âm luật của nàng ta rất tài giỏi?
Thịnh Vỹ cười lạnh, nói "Ngươi coi thường ta vừa thôi chứ! Bản nhạc này ta đã tấu rất nhiều lần. Chỉ là hôm nay tay của ta không cẩn thận bị kéo cắt qua, bây giờ vẫn còn đau nên khó lòng phát huy hết cái hồn của giai điệu".
Lưu đại nương ra vẻ ảm đạm "Nếu thế thì đêm nay chẳng phải ta sẽ mất cả vốn lẫn lời hay sao?".
Lam Hi Thần nghĩ mình tuy rằng thiên phú không quá giỏi với cổ cầm nhưng cũng không thể xem là quá tệ, liền nói "Để ta tấu được không?".
Một lời nói ra, trăm ánh mắt đều nhìn không chớp
Liễu Yến hạ cây sáo xuống, nói "Thư Nhuận công tử, ngươi biết tấu cổ cầm sao?".
Lam Hi Thần nói "Ta đã từng học qua cổ cầm".
Liễu Yến nói "Vậy ngươi có biết Tứ Trương Cơ?*".
*Một bài trong Cửu Trương Cơ, liên khúc nổi tiếng đời Tống. Chín bài là chín sắc thái khác nhau trong tình yêu, bài thứ tư là bài có sự pha tạo giữa hỷ và bi, bộc lộ nỗi đau vì nhớ nhung xa cách và mong ước được ở bên nhau trọn đời.
Lam Hi Thần nói "Ân".
Liễu Yến đang muốn nói, Thịnh Vỹ liền cướp lời "Ồ, Thư Nhuận công tử không chỉ giỏi văn mà còn hiểu âm luật thế sao? Nếu ngươi đã kiên quyết thì phải làm cho tốt, bằng không.....".
Liễu Yến đứng dậy, nói "Sắp đến rồi, Thư Nhuận công tử chuẩn bị đi".
Lam Hi Thần nhẹ nhàng nhận lấy cổ cầm từ tay Thịnh Vỹ đặt lên gối mình, bắt đầu gảy một điệu nhạc. Nói về âm luật, Lam Hi Thần dĩ nhiên không chỉ biết những âm điệu nhạc phổ như vấn linh, trấn yểm, độ vong. Ngày nhỏ, Lam Diệp vì thất vọng trong nhà không có đích nữ, sau khi Lam Hi Thần bắt đầu khoảng 2 3 tuổi biết đọc biết viết thì trừ bỏ ca vũ, Lam Diệp đã không tiếc tiền mời tất cả danh sư trong thiên hạ tới để dạy riêng cho Lam Hi Thần cầm kỳ thi họa. Đây là điều chỉ có mình Lam Hi Thần mới có, ngay cả Lam Nhu Thủy lúc đó tuy là nữ nhi nội tộc mà cũng không được học qua. Về sau Lam Hi Thần muốn truyền thụ cho Lam Vong Cơ, nhưng hắn lại không mấy hứng thú, bảo việc đó quá giống chuyện của mấy tiểu thư đài các chốn khuê phòng hay làm, đối với hắn mà nói thì không có gì là nhã nhặn phù hợp. Lam Hi Thần nghe vậy liền cho là đúng, nên không dạy hắn nữa, bản thân trước giờ cũng chẳng đem ra trình diễn làm gì.
Liễu Yến chờ nhịp cầm thứ hai vang lên, liền cất tiếng ngâm buồn bã của bài Tứ Trương Cơ.
"Uyên ương dệt mộng muốn cùng bay. Chưa già tóc bạc khá thương thay. Kia là sóng xuân cỏ biếc. Này là sương lạnh vơi đầy. Áo đào trong dạ lòng ngất ngây"*.
*Nguyên văn Hán Việt: Uyên ương chức tựu dục song phi. Khả liên vị lão đầu tiên bạch. Xuân ba bích thảo. Hiểu hàn thâm xử. Tương đối dục hồng y.
Liễu Yến có giọng hát rất hay, mỗi tiếng cất lên như yến ca oanh hót, hòa cùng tiếng đàn của Lam Hi Thần càng thêm rót mật vào lòng người, mà cảnh diễn ở sân khấu lúc này là cảnh Chúc Anh Đài ôm quan tài của Lương Sơn Bá, khiến cho sự bi thương lên đến đỉnh điểm, bên dưới sân khâu đã có kẻ nhịn không được mà lau nước mắt.
Khi khúc nhạc và cảnh diễn kết thúc, bên dưới khán đài người người vỗ tay. Đến cả đám người ở sòng bạc đang mải mê đánh cũng phải dừng lại tán thưởng. Thúy Vi nói "Không ngờ Thư Nhuận công tử âm kỹ quá siêu vời, thật là cho chúng ta mở mang tầm mắt".
Lam Hi Thần ái ngại trả cây đàn cho Thịnh Vỹ, nói "Cô nương đừng khen ta, ta chỉ biết chút tài nhỏ thôi. Có chăng phải nhờ Liễu Yến cô nương có giọng hát cuốn hút nên mới được mọi người hoan nghênh như vậy".
Lưu đại nương nói "Nàng hát hay thì là một chuyện, còn lại vẫn là nhờ âm kỹ của Thư Nhuận công tử đây. Đêm nay ngươi đã khiến cho cái hội quán này kiếm được không ít bạc đâu. Không biết Thư Nhuận công tử có thể thường đêm đến đây tấu đàn hay không?".
Thịnh Vỹ giậm chân "Lưu đại nương!".
Bà ta hơi bặm môi nhìn hắn, còn Liễu Yến nói với Lam Hi Thần "Thư Nhuận công tử biết không, Mạnh phó sứ được Chu tông chủ giao quản lý cái hội quán này. Nếu ngươi có thể giúp nơi này thu về món lời lớn, vậy thì Mạnh phó sứ cũng sẽ được coi trọng thêm. Đó cũng là một cách để ngươi giúp đỡ người quen".
Lam Hi Thần càng nghe càng thấy có lý, dù sao từ khi gặp Mạnh Dao thì đã làm phiền hắn không ít, nếu có thể dùng tài năng của mình giúp hắn được coi trọng, cũng coi như trả cho hắn một phần ơn nghĩa, liền nói "Được, ta đồng ý".
Thịnh Vỹ trừng mắt "Ngươi,....".
"Ngươi" một lúc lâu vẫn không nói ra một tràng phía sau là cái gì.
Lưu đại nương nói "Chỉ là tấu đàn thôi mà, làm gì ngươi lại căng thẳng? Thư Nhuận công tử đã đồng ý giúp, vậy lão nương ta xin
đa tạ".
Lam Hi Thần nói "Có điều Lưu đại nương, ta có thể xin bà một việc: mỗi khi ta tấu đàn, có thể buông màn xuống che được không?".
Lưu đại nương như vớ được vàng, liền gật đầu cái rụp, nói "Tưởng chuyện gì, như thế có khó cái chi đâu? Vậy ngày mai Trần công tử sẽ bắt đầu làm việc chứ?".
Lam Hi Thần nói "Đương nhiên".
Lưu đại nương phấn khích không thôi, còn Mạnh Dao...Chẳng hiểu nguyên nhân gì mà sau khi nghe chuyện đó, hắn lại ôm trán nhìn y lắc đầu thở dài, chẳng lẽ y giúp hắn là một chuyện xấu?
Đêm hôm đó, Trường Xuân hội quán thu về hơn một trăm ngàn lượng, trong đó vừa có bạc vừa có vàng. Lưu đại nương ở trong phòng riêng ôm mấy thỏi bạc lớn, tấm tắc nói "Ta biết mà, ngay từ lúc chạm mặt ta đã biết mỹ nam tử kia chắc chắn là một khối vàng sống".
Liễu Yến ngồi chải tóc bên cạnh, nhàn nhạt nói "Thôi được rồi, bà đừng có làm quá như thế. Sau này biết đâu còn được ôm một đống lớn hơn? Đến chừng đó chắc là bà sẽ ngã lắn ra bất tỉnh mất thôi".
Lưu đại nương nói "Nếu vậy thì ta nguyện sẽ bất tỉnh dài dài. A Yến, lần này phải cảm ơn ngươi, ngươi mà không có cách khiến cho Trần Thư Nhuận kia chịu ra mặt thì ta đâu có được ôm cái mớ này? Không biết nếu hắn bước chân vào Hoa Tiên các thì vàng với bạc chỗ đâu mà chứa đây?".
Liễu Yến im lặng một chút rồi nghiêm túc nói "Đại nương, nếu ngươi muốn để hắn vào Hoa Tiên các thì ta sẽ không ý kiến gì, nhưng trừ "ngài ấy" ra, Trần Thư Nhuận có được ai săn đón thì ta cũng mặc kệ".
Lưu đại nương hơi mất hứng "Nha đầu ngươi sao mà hẹp hòi thế? Ta chỉ nói đùa thôi mà! Muốn Trần Thư Nhuận vào Hoa Tiên Các thì còn phải qua ý của tên Mạnh Dao kia nữa. Chắc chắn hắn sẽ không chịu đâu. Mà với lại, Chu công tử của ngươi trước nay chỉ thích mỗi ngươi, đến đây mười lần thì đều mười lần tìm ngươi rồi. Ngay cả Thịnh Vỹ trăm đường chèo kéo mà hắn còn không xiêu lòng thì Trần Thư Nhuận kia chắc không có cửa đâu. Ngươi còn lo cái chi nha?".
Liễu Yến nghe vậy, chỉ khẽ thở dài nhìn những ngọn nến đỏ rực trong phòng, lẩm bẩm "Hy vọng là vậy".
Nàng là người đẹp nhất trong số mười hai Hoa Tiên, chính là một hoa tiên đầu bảng. Bởi vì trong phòng nàng bày trí toàn là loại nến đỏ rực dùng trong đêm tân hôn nên còn gọi là Xích Lạp nương. Kể từ khi nàng mười bốn tuổi vì gia cảnh mà bán thân đến đây, người đầu tiên và cũng là người từ trước tới giờ luôn thân cận nàng chỉ có mỗi tiểu bá vương của Vân Bình, Chu Viêm Bá. Trước đây Liễu Yến cứ luôn tưởng điều này sẽ như thế tiếp diễn, nhưng bây giờ lại xuất hiện một Trần Thư Nhuận tài sắc vẹn toàn hơn nàng gấp bội, làm cho nàng không thể không lo lắng.
Tuy rằng hứa sẽ giúp Lưu đại nương lôi kéo người kia thu lợi về cho hội quán, nhưng nếu như người kia khiến cho Chu công tử của nàng bị thu hút, nàng tuyệt nhiên sẽ không để yên.