MA ĐẠO TÌNH KIẾP (P1)

Hóa ra chủ nhân của Bích Du cung đau lòng khi nhìn thấy bấy kỳ con vật nào trước mắt, âu cũng có liên quan đến chuyện Phong Thần diễn kiếp năm xưa.

Từ sau khi Vu - Yêu hai tộc đại chiến, Yêu tộc và Nhân tộc cũng như Thần tộc với Ma tộc ngày trước phân tranh, với nhiều hệ giáo ra đời để mọi vật cầu đạo, Thiên Địa bắt đầu rơi vào cảnh loạn lạc. Ngọc đế Hạo Thiên lúc đó chỉ mới được Tam Thanh chỉ định lên ngôi Thượng Đế, chưa thể cai quản tốt ba cõi Thần - Yêu - Nhân. Nữ Oa vì chuyện này mà đến Tử Tiêu cung thưa với Hồng Quân Đạo Tổ. Sau một thời gian suy nghĩ, Hồng Quân Đạo tổ lệnh cho sáu đồ đệ của mình tụ hợp tại Tử Tiêu cung, quyết định lập ra Bảng Phong Thần nhằm làm yên ổn trời đất. Nhưng lúc đó trừ Nữ Oa không có giáo phái ra, Lão Tử chỉ có duy nhất một đồ đệ, Tiếp Dẫn và Chuẩn Đề ở Tây Phương không muốn xen vào chuyện thế tục nên chỉ còn lại Nguyên Thỉ và Thông Thiên. Vì vậy bọn họ quyết định, Bảng Phong thần có tất cả ba trăm năm mươi sáu vị trí dành cho những người không may mắn được nêu tên, không thể thành tiên mà chỉ có thể làm thần để nhà trời sai khiến, mà ba trăm năm mươi sáu vị trí đó sẽ phân đều cho môn đồ hai giáo của Nguyên Thỉ và Thông Thiên xuống trần xen vào thế sự là "Thương tàn Chu phất"*, sau sẽ phong thần cho đủ quân số nhà trời.


*ý nói khí số nhà Thương đã suy đồi, đến lúc nhà Chu nổi dậy.

Lại nói về Thông Thiên giáo chủ, khi ấy ông là người có nhiều giáo đồ nhất, được xưng là "vạn tiên triều bái" với quan niệm: Hữu giáo vô loài.

Từ khi đắc đạo, do không cùng chí hướng với hai vị sư huynh, Thông Thiên giáo chủ trở về nơi ở là Tử Chi Sơn, dựng nên Đồng Thanh đài và lập ra Triệt giáo. Thông Thiên giáo chủ cho rằng mọi chúng sinh trong vạn vật đều có quyền học đạo, không câu nệ chính tà sang hèn, hễ ai có khát vọng, biết nỗ lực kiên trì tu tập đều có thể chứng đạo, vì thế thu nhận tất cả muôn thú làm học trò. Đây cũng là điểm khác biệt so với giáo phái mạnh nhất lúc đó là Xiển giáo của nhị sư huynh ông, Nguyên Thỉ thiên tôn. Thậm chí ngay đến Nhân giáo của Lão Tử tức đại sư huynh của Thông Thiên giáo được xem là mờ nhạt nhất chủ cũng là đối lập. Bởi vì Lão Tử và Nguyên Thỉ rất hà khắc trong việc chọn đệ tử, hai giáo phái này quy định phải là những người được xem là có cốt cách trong sạch mới được tu tiên học đạo. Quy định này vững vàng đến nỗi đệ tử Nhân giáo chỉ chọn được có duy nhất một người là Huyền Đô tiên trưởng hay còn gọi là Huyền Đô đại pháp sư, Xiển giáo cùng lắm chỉ tới hàng thứ ba là những người như Dương Tiển, Lôi Chấn Tử, Na Tra, Kim Tra, Mộc Tra trong khi Triệt giáo đã truyền thừa tới thế hệ thứ năm.


Đệ tử của Thông Thiên giáo chủ ngày trước tuy rằng đều không phải người, nhưng lại vô cùng tài giỏi. Đứng đầu thế hệ thứ nhất là Đa Bảo Đạo Nhân, Quy Linh Thánh mẫu, Kim Linh Thánh mẫu và Vô Đương Thánh Mẫu. Xuống tới hàng thứ hai là Triệu Công Minh, Tam Tiêu tiên tử, Thể Vân tiên tử, Hạm Chi tiên tử, Thập Thiên Quân rồi hàng thứ ba là Văn Trọng (Văn thái sư), Hỏa Linh Thánh Mẫu, Cửu Long đảo tứ thánh, Linh Nha tiên, Bì Lô tiên,.... khi xuống tới người cuối cùng của hàng thứ năm là Trường Nhĩ Định Quang tiên thì số lượng môn đồ đã nhiều không kể xiết.

Không chỉ có tài phép được học từ tôn sư, các vị ấy còn nắm trong tay pháp bảo tự chế vô cùng lợi hại như Lục Mục châu, mũ Kim Hà, Kim Giao Tiển, Hỗn Nguyên Đấu cùng những trận pháp cường đại mà nổi tiếng là Cửu Khúc Huỳnh Hà của Tam Tiêu tiên tử. Trong trận ấy, mười hai vị đại tiên của Xiển giáo* đều bị Tam Tiêu bắt vào trong trận, mất hết tu vi mấy ngàn năm mà trở thành xác phàm.


*Theo Phong Thần Diễn Nghĩa, trừ Nam Cực Tiên Ông là đại đồ đệ luôn theo hầu Nguyên Thỉ thiên tôn ra thì Xiển giáo Thập Nhị đại tiên là: Nhiên Đăng đạo nhân (sau đầu nhập Phật môn trở thành Nhiên Đăng Cổ Phật), Lưu Tôn (sau đầu nhập Phật môn trở thành Phật Câu Lưu Tôn), Phổ Hiền chân nhân (sau đầu nhập Phật môn thành Phổ Hiền Bồ Tát), Văn Thù Quảng Pháp thiên tôn (Sau là Văn Thù bồ tát), Từ Hàng đạo nhân (Sau là Quan Âm đại sĩ, xuất hiện trong Tây Du Ký), Linh Bảo đại pháp sư, Quảng Thành Tử, Huỳnh Long chân nhân, Xích Tinh Tử, Ngọc Đỉnh chân nhân, Thái Ất chân nhân, Đạo hạnh chân quân. Về sau Nhiên Đăng đạo nhân được chỉ đạo đứng ra giúp Khương Tử Nha, thập nhị thiếu khuyết một vị trí và được thay bằng Thanh Hư chân quân.

Bởi vì môn hạ Triệt giáo quá tài giỏi mà ai cũng lần lượt xuống trần đối đầu Khương Tử Nha, người đã được vâng mệnh phong thần, liền kéo theo người của Xiển giáo đều nhúng tay vào. Thời điểm Thương - Chu hai triều vừa mở màn khai chiến, môn hạ Triệt giáo đối đầu rất gay gắt môn hạ Xiển giáo. Cuối cùng, cái chết của Hỏa Linh thánh mẫu như giọt nước tràn ly, khiến cho môn hạ Triệt giáo không còn nhẫn nhịn được nữa, Thông Thiên giáo chủ mới chính thức ra mặt lập trận Tru Tiên để cản trở Khương Tử Nha, đồng thời muốn so bì với Nguyên Thỉ thiên tôn về cả năng lực lẫn cách dạy học trò.
Trận Tru Tiên đó được lập ra dựa vào uy lực của Tru Tiên tứ kiếm do La Hầu Ma Tổ chế ra, người của Xiển giáo không cách nào phá được. Lúc này hai vị sư huynh của Thông Thiên giáo chủ là Nguyên Thỉ và Lão Tử đã phải nhờ tới sự trợ giúp của Tây Phương nhị Thánh nên khiến Thông thiên giáo chủ chịu thua. Vì trong trận Tru Tiên, đệ tử Xiển giáo ra tay tàn sát không thương tiếc tính mạng đệ tử của Triệt giáo, Thông Thiên giáo chủ vô cũng phẫn uất nên quyết không nhún nhường tình đồng môn, lập tiếp trận Vạn Tiên còn ghê gớm hơn trận Tru Tiên gấp mười lần. Nếu không phải đến phút then chốt có Hồng Quân Đạo Tổ xuất hiện, chỉ e tất cả đã trở thành cát bụi. Hồng Quân Đạo Tổ sau khi hóa giải hiềm khích, lệnh cho giáo chủ các giáo ai trở về cung người nấy, riêng Thông Thiên giáo chủ không được dạy học trò nữa. Bích Du cung cũng từ đó mà trở nên hiu quạnh, chỉ còn lại mấy tiểu tiên đồng như Tự San ở lại hầu việc. Thông Thiên giáo chủ dặn các tiên đồng không cho phép bất kỳ một con vật nào trừ đám hạc tiên vẫn hay bay lượn tự do xuất hiện ở Bích Du cung, vì mỗi lần nhìn thấy ông sẽ nghĩ đến những đồ đệ bạc số của mình, không dằn lòng được mà thương cảm không thôi.
Lam Hi Thần có điểm cảm thán. Một vị giáo chủ tài giỏi như Thông Thiên giáo chủ lại gặp phải vận khí thật xấu, môn đồ kẻ chết người còn, giáo phái thì tiêu tán. Thật khiến người ta phải bùi ngùi tiếc nuối!

Khoan đã! Thông Thiên giáo chủ? Cõ lẽ nào là một trong Lục vị Thánh Nhân trước đây nhóm người Nam Cung Nguyên Khang từng nói qua, cũng là Thượng Thanh Linh Bảo thiên tôn trong truyền thuyết?

Nói nửa buổi trời mới biết bản thân đang ở chỗ của một vị Thánh Nhân, và còn là một trong bốn đại cường giả của cõi trời, Lam Hi Thần khó mà tin được bản thân lại có cơ duyên đến vậy. Những lo âu muộn phiền nhanh chóng tan biến, trong lòng y rộ lên một tia vui mừng, nghĩ mình nhất định phải tìm cách gặp được Thông Thiên giáo chủ để cầu xin ông ấy giúp trở lại hình người.
Nhiếp Minh Quyết hỏi "Vậy là toàn bộ đệ tử của Triệt giáo đều bị liệt tên vào bảng Phong Thần?".

Tự San thở dài "Cũng không hẳn! Một phần lớn thì như vậy, còn một số thì bị đánh đến hồn xiêu phách lạc vĩnh viễn không thể đầu thai, số ít khác thì may mắn hơn được Tây Phương nhị Thánh rước về cõi Phạm thiên tu hành lại từ đầu. Nhưng nói gì thì nói, Triệt giáo của Thông Thiên giáo chủ nào đã phạm sai lầm gì lớn, cũng tại vì bên Xiển giáo gây chuyện trước, vậy mà đến lúc phong thần lại là Triệt giáo chịu thiệt lớn nhất trong khi Xiển giáo chỉ mất đi mười người rưỡi. Thật là không công bằng!".

Nhiếp Minh Quyết cau mày "Mười người rưỡi? Người thì làm sao có thể tính là một nửa được?".

Tự San có vẻ bất mãn "Chuyện này còn không phải nhờ Khương Tử Nha dàn xếp sao? Nói ngươi biết, tên Khương Tử Nha kia cứ nghĩ tốt đẹp nhưng không ngờ cũng chẳng hay ho gì, rất là lắm mưu ma chước quỷ. Vào thời điểm Thương - Chu giao chiến sắp đến hồi kết, Trụ Vương cứ tưởng không còn người cầm quân thì đúng lúc gặp được Hồng Cẩm vốn là môn đồ mới đắc đạo của Triệt giáo. Hồng Cẩm này mỗi lần ra trận đều cầm một cây cờ phướn, mỗi lần rung lên đều tạo ảo giác mà chặt đầu đối phương khiến cho quân của Tây Kỳ khốn đốn. Khương Tử Nha nhắm bề dũng vũ lực không xong liền chuyển qua dùng mưu kế. Ở bên hàng ngũ quân tướng Tây Kỳ có một người gọi là Long Kiết công chúa. Nàng ta vốn là tiên mắc đọa, bản thân là con gái của Ngọc đế Hạo Thiên và Diêu Trì Kim Mẫu, do phạm sai lầm trong việc dọn hội Bàn đào mà bị đày xuống trần, sau đó được lệnh phò trợ Khương Tử Nha để lấy công chuộc tội. Long Kiết công chúa chẳng những tài giỏi mà còn là đệ nhị mỹ nhân của Thiên đình, dung mạo chỉ xếp sau Nguyệt cung Hoàng Hậu là Thường Nga. Khương Tử Nha nắm ngay điểm này, điều Long Kiết công chúa ra trận đối đầu với Hồng Cẩm, quả nhiên khiến cho Hồng Cẩm rối trí dẫn đến bại trận. Chẳng biết cố ý hay vô tình mà Nguyệt lão còn hạ phàm, nói Long Kiết công chúa còn vướng nợ trần nên phải cùng Hồng Cẩm thành thân. Hồng Cẩm kết phu thê với Long Kiết công chúa nên thành ra phải theo về Tây Kỳ phò Thương diệt Chu, nhập vào Xiển giáo. Nhưng Hồng Cẩm không hề thừa nhận đã rời khỏi cũng như Thông Thiên giáo chủ chưa từng cất lời đuổi hắn ra khỏi Triệt giáo, cho nên không rõ hắn là Triệt nhân hay Xiển nhân, vì vậy mà lúc phong thần mới thành ra nửa này nửa kia".
Ồ, hóa ra là anh hùng lại khó qua ải mỹ nhân!

Nhiếp Minh Quyết nói "Ta có đọc qua trong sách nói Khương Tử Nha là người đa mưu túc trí, không ngờ cũng có lúc lại dùng tới kế này để hạ quân địch không tốn binh đao".

Tự San nói "Cho nên vì lẽ đó mà từ khi trở về, Thông Thiên giáo chủ tuy rằng tuân thủ với Hồng Quân Đạo tổ là không dạy học trò nữa, nhưng ta biết ông ấy rất bất mãn, cũng rất thương cho học trò mình phải chịu kiếp nạn phong thần. Chỉ khổ là trong lúc bàn việc lập Bảng Phong Thần ở cung Tử Tiêu của Hồng Quân Đạo Tổ, mọi người đã nói rõ là môn hạ của ai đã có tên trong bảng thì chính là số kiếp an bài, giáo chủ cũng không thể làm gì hơn. May mà ông vẫn còn có một niềm an ủi nhỏ. Đó là một trong tứ đại đồ đệ của ông là Vô Đương Thánh mẫu cùng hai trăm môn đồ mới vào tu đạo may mắn thoát được kiếp nạn, hằng năm cứ vào đúng ngày mười lăm tháng chạp đều tề tựu trở về chúc thọ tôn sư, làm cho giáo chủ được nguôi ngoay phần nào".
Nhiếp Minh Quyết nói "Đó là điều hiếm thấy! Theo ta biết ở chỗ Nhân giới của ta một khi tông môn tan rã, một là phản giáo, hai là cảnh người đi vĩnh viễn gần như không trở về vấn tông".

Tự San nói "Bởi vậy mới nói giáo chủ của chúng ta được lòng muôn vật đến chừng nào. So ra thì vẫn tốt hơn bên phía Xiển giáo phần lớn thành tiên, nhưng đắc đạo rồi có ai còn lui tới cung Ngọc Hư thăm thầy mình? Chưa kể một số còn phản giáo đầu nhập Phật môn. Hầy, chẳng biết Nguyên Thỉ thiên tôn có suy nghĩ gì chứ riêng ta lại thấy hả dạ thay cho Thông Thiên giáo chủ, nếu có thể ta cũng muốn kêu Nguyên Thỉ thiên tôn nên xem lại cách dạy học trò mình ra sao nữa kìa".

Lam Hi Thần nghe vậy thì nghĩ: cái tên Tự San tiên đồng này sao mà thất lễ như vậy? Lời này lỡ mà đến chỗ của Nguyên Thỉ thiên tôn, Thông Thiên giáo chủ cũng khó bề nói giúp ngươi. Dầu sao, Nguyên Thỉ thiên tôn cũng là sư huynh của Thông Thiên giáo chủ. Vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ?
Nhiếp Minh Quyết nói "Bảng Phong Thần kia nói vòng vo là mâu thuẫn thế gian giữa hai triều Thương - Chu, nói trắng ra thì chính là một cách so cao thấp của Thông Thiên giáo chủ với Nguyên Thỉ thiên tôn. Tuy rằng các giáo phái khác nhau, nhưng lại đều chung một cội gốc là Hồng Quân Đạo Tổ, việc gì phải phân tranh để chuốc thảm như vậy?".

Tự San nói "Ngày trước giáo chủ cũng vì suy nghĩ như ngươi nên mới vô tình khiến người của Triệt giáo bị coi khinh rồi mới gây ra họa lớn, âu cũng vì sự nhân nhượng mà ra. Nếu giáo chủ có thể cứng rắn thêm một chút thì giờ này Bích Du cung đã chẳng quạnh vắng như vậy. Nhưng ta nói nhỏ cho ngươi biết cái này, ngươi phải hứa là đừng nói với ai nha!".

Nhiếp Minh Quyết nói "Nếu là chuyện bí mật gì đó thì ngươi không cần nói, ta cũng không muốn nghe".
Tự San nói "Ngươi chẳng hiếu kỳ sao?".

Nhiếp Minh Quyết nói "Có những bí mật của người khác, không nên biết vẫn là hay nhất".

Tự San nói "Nhưng ta nghĩ đi nghĩ lại thì chuyện này hình như có điểm tương đồng, cho nên giáo chủ mới miễn cưỡng nhận lời của Tuệ Trang trưởng công chúa cứu ngươi một mạng, lại còn phá lệ thu nhận ngươi vào sư môn".

Hở?! Hóa ra là do Đông Phương Trường Nguyệt đưa Nhiếp Minh Quyết đến đây? Vậy là đến cả nàng cũng không cứu được hắn?

Nhiếp Minh Quyết nói "Chuyện gì mà tương đồng? Chẳng qua giáo chủ thu nạp ta, một phần do nể mặt trưởng công chúa, một phần vì rộng lòng từ bi thôi".

Tự San nói "Nhưng ta vẫn thấy nó giống với chuyện của một ngàn năm trước. Khi đó ở Hoa Quả Sơn......".

Bỗng nhiên có tiếng bên ngoài cắt ngang "Tự San, giáo chủ kêu ngươi đi xếp cam thảo lên dĩa, ngươi đã làm xong chưa?".
Tự San thất kinh, vội chạy ra nói "Ta quên mất! Vô Triệt sư huynh làm ơn đi nói với giáo chủ giúp ta một tiếng, ta đem đến cho ông ấy ngay", lại còn ló đầu vào nhắc Nhiếp Minh Quyết "Có thời gian ta sẽ kể tiếp cho ngươi nghe, ngươi nhất định không được nói với ai đó!" rồi chạy đi mất.

Nhiếp Minh Quyết chỉ khẽ lắc đầu, đứng dậy lấy ấm nước sôi kia xuống, sau đó cầm ấm nước đặt lên bàn mà Lam Hi Thần cùng A Dứu đang ngồi, với tay lấy một cái thau gỗ rồi đổ nước vào, cuối cùng là lấy ít lá hoa khô trên kệ bếp gần đó thả vào trong thau. Kỳ lạ thay, mớ hoa cỏ khô đó ngâm trong nước thoáng cái đã nở ra, còn tỏa một mùi thơm thanh thoát.

A Dứu tới gần miệng thau, tính nhoài đầu vào để ngửi thì bị Nhiếp Minh Quyết kéo nhẹ ra, hắn nói "Không được động tới, đây là chỗ nước dùng rửa tay của Thông Thiên giáo chủ".
Rồi ánh mắt lướt qua Lam Hi Thầm, hai người, à không, nên nói là một người một vật bốn mắt nhìn nhau một thoáng, Nhiếp Minh Quyết túm Lam Hi Thần xách lên. Bị nhấc bất ngờ, Lam Hi Thần chới với. Y rất muốn nói hắn có thể nhẹ một chút được không, còn nữa, có thể nào đừng xách y lên như đang xách cổ gà thế chứ?

Dĩ nhiên mấy lời đó Lam Hi Thần biết sẽ không cách nào nói được, mà Nhiếp Minh Quyết xưa nay trừ bỏ thái độ đối với mình và Lam Vong Cơ còn hòa nhã một chút, với người khác lời ra khỏi miệng còn không có nhẹ nhàng chứ nói gì đến hành động. Nhưng đó là tính riêng biệt của hắn. Hắn không giống ai, cũng chẳng ai giống hắn.

Nhiếp Minh Quyết đặt Lam Hi Thần nằm xuống cái ổ rơm lúc nãy. Nom y bây giờ mà tô thêm chút mà nữa thì chẳng khác gì gà trống nằm ấp ổ. Thực là xấu hổ muốn chết! Có điều trước mắt chỉ có thể chịu tình cảnh thế này, đợi vết thương lành lại rồi sẽ tính cách gặp Thông Thiên giáo chủ.
Nhiếp Minh Quyết thấy y đã nằm yên trong ổ rơm, liền nói "Ngươi ở đây, chớ có chạy lung tung", rồi quay qua chỉ vào A Dứu "Cả ngươi nữa".

Con sóc mang khuôn mặt bất mãn nhìn Nhiếp Minh Quyết, hắn cũng chẳng nói thêm gì, bưng thau gỗ trên bàn ra khỏi bếp.

Còn lại Lam Hi Thần và cái con sóc hung dữ kia, y thực sự cảm thấy chẳng thể yên tâm nổi. A Dứu đúng kiểu "cường hào ác bá hà hiếp dân lành", nó không có ý định ngồi yên một chỗ. Dường như từ lúc Nhiếp Minh Quyết nhặt Lam Hi Thần đem về, nó phát giác có kẻ giành mất sự quan tâm của nó khiến nó rất không hài lòng, vì vậy mà nhân lúc không có ai liền tới quấy phá Lam Hi Thần. Tất nhiên y chẳng có hơi sức cũng chẳng muốn hơn thua với một con vật, kết quả là bị nó hất lắn xuống đất, "giường" cũng bị nó xốc tung lên, chiếc áo của Nhiếp Minh Quyết cũng bị nó tha đi. Lam Hi Thần có điểm ấm ức cắn một góc định kéo lại chiếc áo, chưa kịp phản kháng đã bị A Dứu dùng cái đuôi to đùng đánh mấy phát lên đầu khiến y choáng váng.
May mà có Tự San đến, cậu ta đúng là một tiên đồng tốt. Ra ngoài không bao lâu liền chạy tới định nói tiếp câu chuyện ban nãy cho Nhiếp Minh Quyết, trên tay còn đem theo một tấm đệm bông dày cộm. Không thấy Nhiếp Minh Quyết, Tự San thất vọng ra mặt, một bên mắng A Dứu, một bên xếp lại cái ổ rơm rồi phủ tấm đệm kia lên. Sau đó ra hiệu cho Lam Hi Thần cứ việc nằm xuống. Mắt thấy Lam Hi Thần cứ nhìn chăm chăm cái áo mà A Dứu đang ngoặm, cậu ta giựt một phát khiến nó mất đà ngã lăn ra đất, sau đó để lên "chiếc giường" nhỏ kia. Lam Hi Thần khi đó mới yên tâm nằm lên giường, kéo tấm áo kia đắp lên như một tấm chăn.

Phải nói là tấm đệm kia dù có lót bông thì vẫn là làm bằng một lớp vải thô, nhưng so với lớp rơm rạ kia thì nằm thoải mái hơn nhiều. Lam Hi Thần mệt mỏi, gặp cảnh "chăn êm niệm ấm" thế này, cảm thấy ngủ lớn hơn trời, nằm thiêm thiếp một chút liền rơi vào ngủ, mặc kệ Tự San cứ ngồi đó nói huyên thuyên cái gì đấy.
Chẳng biết qua bao lâu thì Lam Hi Thần tỉnh lại, phát hiện bên ngoài tối đen, hóa ra đã vào đêm.

Nhà bếp tối om, chỉ có cái lò là cháy đỏ, nóng rực, tiếng củi nổ tanh tách, từng đóm lửa nhỏ vung ra nhưng mấy con đom đóm. Nhiếp Minh Quyết ngồi bên lò, rất chăm chú nhìn vào đống lửa đang cháy. Ánh sáng đỏ rực từ trong lò lửa dạ vào khuôn mặt hắn đỏ au, còn có một chút nghiêm lãnh đến đáng sợ.

Lam Hi Thần ngóc đầu dậy, nhìn thấy Nhiếp Minh Quyết để hai bàn tay vào trong lò lửa. Y đang định kêu hắn cẩm thẩn thì hắn đã nắm chặt lấy hai hòn than đỏ hỏn, hai mắt nhắm lại, vẻ mặt không một chút gợn sóng, hai tay cũng nhẹ nhàng chuyển động như người đang luyện khí công. Tất cả đều thực hiện ở trong đống lửa đang cháy kia.

Bình luận

Truyện đang đọc