THIÊN MỆNH KHẢ BIẾN

- Anh Hùng, anh bị sao vậy?

Hôm nay, Thu Mai vừa thấy mặt Vũ Hải Hùng, chợt kinh ngạc thốt lên.

Vũ Hải Hùng mặt sưng mày xỉa, không nói không rằng, ngồi đó lầm lì. Muốn ám hại Vương Thành Văn, mà càng ngày càng thảm. Đau bi hơn nữa, là thằng Văn vẫn còn sống, còn để lọt thằng Cường làm nhân chứng, khiến Phùng Huyết Linh tìm tới tận cửa nhà đòi chém mình.

Quả báo, hình như là có thật nhỉ? Mà càng ngày càng khủng khiếp. Liệu có nên dừng việc hại người lại hay không?

Đúng lúc này, tên đàn em lại hô lên.

- Anh Hùng! Thằng Vương Thành Văn, lại tìm đến.

Câu nói này, khiến Hải Hùng thất kinh, giật bắn cả mình, suýt nữa ngã ngửa từ trên ghế rơi xuống.

Vương Thành Văn tới thật. Lần này là một mình. Cánh tay vẫn còn bó bột, đi đứng khập khiễng, nhưng nó lại một mình tới nơi.

- Mày... mày muốn làm gì? - Vũ Hải Hùng lập bập hỏi. Cú Bộc Phá Quyền mà thằng Văn từng dùng ngày hôm qua, hắn vẫn còn chưa quên. Lỡ may thằng này cay cú đấm mình một cái, chỉ sợ không còn toàn mạng.

- Em tới cảm ơn anh.

- Hả?!

- Hôm qua may nhờ có anh chỉ huy, nên em và thằng Cường mới thoát chết. Vì vậy, em tới cảm ơn anh.

- Vậy thôi?

- Đúng vậy. Chào anh.

Cái này, là... lấy ân để trả oán? Tấm lòng cao cả gì thế này? Vũ Hải Hùng bỗng nhiên thấy vô cùng cảm động. Hắn bỗng thấy, những trò trả thù của mình, thật là trẻ con, thật là nông nổi, nhìn người ta mà xem, không thèm quan tâm, còn tới tận đây cảm ơn mình.

- Khoan đã. Thế còn vụ thuốc phiện, vụ con rồng, mày không muốn biết nữa sao?

- Không cần nữa.

- Sao vậy?

- Vì em có kể lại với anh Lý Thanh Long, anh ấy bảo, em không cần lo nghĩ chuyện này nữa. Anh ấy sẽ đích thân tới tìm anh sau.

-!!!!!!!!

Vũ Hải Hùng suýt ngất xỉu. Cái gì mà tấm lòng cao cả, hắn lại sai rồi. Thằng khốn này, rõ ràng muốn trả đũa, nhưng lần này là cậy nhờ Lý Thanh Long để trả đũa mình, khốn nạn tới mức không thể khốn nạn hơn.

Vũ Hải Hùng thừa nhận mình là đứa khốn nạn, nhưng cũng chưa đủ trình để so sánh với thằng nhóc này.

Quả nhiên, một tiếng sau, tiếng Lý Thanh Long đã vang vọng ngay trước cửa.

- Vũ Hải Hùng, mày ra đây cho tao!
Vũ Hải Hùng bị đập một trận vô cùng kinh khiếp, khiến cả trường Kình Ngư rợn cả người, nhưng chuyện này, thằng Văn không hay biết. Vì nó đã tới lớp học Vật Lý.

Sau vụ việc hôm qua, nó chợt nhận ra, học Vật Lý cũng vô cùng quan trọng. Có những lúc, trí tưởng tượng của nó là chính xác, nhưng cũng có lúc, lại không phải vậy. Những thứ mà anh Quang và người đàn ông kia đem ra, gì mà Trọng lực, Gia tốc, gì mà Lượng tử, rồi photon, nó không hiểu. Vì vậy, nó quyết tâm đi học.

Dạy Vật Lý, là một cô giáo, tầm 40 50 tuổi, thân hình phì nộn, nhưng rất hiền lành. Cô hỏi nó, tại sao tới buổi hôm nay mới đi học lần đầu, nó nói, là nó đăng kí học siêu tốc. Cô bảo nó cứ ngồi vào chỗ đi, cũng chưa học đến cái gì cao siêu, nó cứ ngồi nghe, có gì không hiểu thì hỏi.

Vậy là nó ngồi vào chỗ.

Bài học hôm nay, là về chuyển động.

- Như các em đã biết, Vật Lý Sơ trung, chia ra làm 4 lĩnh vực chính, là Cơ học, Quang học, Điện học, và Nhiệt học. 4 lĩnh vực này, thật ra không có ranh giới rõ ràng, nhưng tạm thời chia ra như vậy, để các em có thể làm quen. Hôm nay chúng ta tiếp tục nghiên cứu những hiện tượng cơ bản nhất của Cơ học. Đó chính là sự chuyển động.

- Bắt đầu bài học hôm nay, cô sẽ nhắc lại về sự chuyển động đều một chút. Một vật, chuyển động đều với vận tốc không đổi, trên quãng đường thẳng trong một khoảng thời gian. Ta sẽ có phương trình đơn giản: S = vt. Tuy nhiên, S chỉ là tính quãng đường đi được. Sau này, chúng ta sẽ không tính tới quãng đường nữa, mà sẽ là toạ độ của vật. Ví dụ, lấy điểm xuất phát có toạ độ x = 0, thì sau thời gian t, toạ độ của vật, x = vt. Như vậy, khi biết vận tốc, biết thời gian, biết cả điểm xuất phát, ta sẽ tính được toạ độ của vật.

Bỗng nhiên, Vương Thành Văn giơ tay. Cô gật đầu cho nó nói.

- Thưa cô, em có tình cờ nghe qua về Nguyên lý Bất định, khi một vật có vận tốc xác định, ta sẽ không biết được toạ độ của vật, còn khi xác định được toạ độ của vật, thì lại không biết được vận tốc chính xác. Vậy tại sao ở đây, cô lại xác định được cả toạ độ và vận tốc ạ?

Câu hỏi này, làm cả lớp trợn tròn mắt kinh ngạc.

- Ừm, em tên là gì nhỉ? Vương Thành Văn phải không? Đúng vậy, nếu em đã hỏi, thì cô cũng sẽ mở rộng vấn đề luôn, dù vấn đề này có vẻ hơi quá sức với học sinh Sơ trung. Đúng là Nguyên lý Bất định có thể hiểu đơn giản là khi xác định được vận tốc, thì không xác định được vị trí, và ngược lại, nhưng đó chỉ áp dụng với những vật có kích thước cực kì nhỏ bé.

Cô quay lại viết lên bảng.

Δx.Δv.m >= h/4π.

- Các em có thể thấy, Δx là độ bất định của tọa độ, Δv là độ bất định của tốc độ. Nếu Δx = 0, vậy là toạ độ có thể xác định. Δv = 0, thì tốc độ có thể xác định. Nhưng bởi vì cả 2 không thể cùng bằng 0, vì nhìn vào biểu thức này, có thể thấy, khi cả 2 nhân với khối lượng m vẫn lớn hơn 0. Vậy là chỉ có thể có 3 trường hợp, hoặc là vận tốc không thể xác định, hoặc là toạ độ không thể xác định, hoặc là cả hai đều không thể xác định. h ở đây là hằng số Planck, xấp xỉ bằng 6,63*10^-34 J.s, rất nhỏ. Vì vậy, khi khối lượng m rất nhỏ, thì Δx và Δv mới đáng kể, còn khi m rất lớn, ví dụ lớn chỉ cỡ bằng 1 con kiến hoặc 1 hạt bụi thôi, cũng đủ để Δx và Δv nhỏ tới mức không đáng kể rồi. Các em có hiểu không?

Cả lớp ngơ ngác chóng mặt đau đầu, máu ngừng cung cấp lên não, mắt hoa lên, não từ chối hoạt động.

Nhìn cả lớp ngơ ngác, cô khẽ lắc đầu. Vậy mới nói, Vật lý lượng tử, làm sao có thể đem dạy cho lũ nhỏ được.

Nhưng thằng Văn lại trả lời.

- Em có hơi hiểu một chút rồi ạ. Vậy là đối với những vật có khối lượng lớn, ta không cần quan tâm tới cái... delta x delta v kia, bởi lúc đó chúng nhỏ tới mức không đáng kể, nên ta có được cả toạ độ và vận tốc cùng xác định, phải không ạ? Còn với những vật có khối lượng cực kì nhỏ bé, mới xuất hiện delta x và delta v. Vậy là, với những vật như vậy, cần một môn học khác để nghiên cứu về chúng. Là Vật lý lượng tử, có phải không ạ?

Cô giáo gật đầu.

- Đúng vậy. Ở bậc Sơ trung, các em chỉ học về Vật lý cổ điển, tức là Vật lý áp dụng cho những vật có khối lượng lớn. Đó cũng là thế giới mà các em nhìn thấy. Còn những vật nhỏ hơn cả hạt bụi, các em đâu có thấy được, phải không? Con người tiến hoá, để quen với cuộc sống trong thế giới phi lượng tử, nên mỗi người sinh ra, đều là một nhà Vật lý cổ điển bẩm sinh, nhưng lại rất xa lạ với Vật lý lượng tử, thậm chí nhiều người không thể tin vào lượng tử.

- Vì sao cô lại nói con người là một nhà Vật lý cổ điển bẩm sinh ạ? - Thằng Văn lại hỏi.

- Vì... ví dụ nhé. Các em không cần học Vật lý, cũng biết được, muốn đi một quãng đường xa, hoặc là tốn nhiều thời gian, hoặc là cần tăng tốc độ, đúng không? Hoặc là nếu ném một quả bóng lên cao, nó chắc chắn sẽ rơi xuống đất, đúng không? Các em hoàn toàn biết những điều đó. Đó là năng lực bẩm sinh.

- Nếu đã là năng lực bẩm sinh, vậy tại sao chúng ta còn cần phải học Vật lý cổ điển ạ?

- Bởi vì, các em chỉ biết về các hiện tượng, mà không hiểu vì sao chúng lại diễn ra. Tìm hiểu nguyên lý tại sao chúng lại diễn ra, mới giúp con người tự mình chế tạo ra những thứ tương tự, thậm chí là ưu việt hơn.

Cô ngừng lại hắng giọng vài tiếng, sau đó cầm viên phấn viết lên bảng một chữ thật to.

“Phân tích”!

- Vật lý học, không phải bắt các em nhớ các công thức hay phải tính toán nhiều. Đó là việc của bên Toán học. Thứ mà cô cần các em nhớ, là cách phân tích hiện tượng. Phân tích được, tại sao những hiện tượng đó lại xảy ra, và dự đoán xem, đối với những hiện tượng mà các em chưa gặp bao giờ, chúng sẽ xảy ra như thế nào. Vật lý học, chính là môn học tìm cách giải thích về thế giới xung quanh. Giải thích về vũ trụ, giải thích về bầu trời, giải thích về mặt đất, giải thích về vạn vật!

Nghe tới đây, cả lớp đang ngơ ngác, lại trở nên vô cùng hứng thú.

- Tuy vậy, các em phải quay trở lại những vấn đề cơ bản nhất. Đây là thứ công thức mà loài người nghĩ ra đầu tiên. S = v*t...

“Một nỗ lực của loài người để giải thích thế giới”. Văn chợt nghĩ. Có lẽ, Vật lý không phải môn học đầu tiên để loài người giải thích về thế giới. Những câu chuyện thần thoại mà mẹ từng kể, về thần sấm, thần mưa, thần gió, về vạn vật hữu linh, rồi về thiên đường, và địa ngục.

Con người luôn nỗ lực để giải thích về thế giới này. Nỗ lực ấy, đi ngược lại với mong muốn của vũ trụ. Bất kì kẻ nào đạt được tới một trình độ nhất định, đều sẽ gặp phải Thiên Kiếp. Nhưng khi vượt qua Thiên Kiếp ấy, liệu vũ trụ đã thật sự buông tha cho kẻ đó? Có lẽ, nếu loài người tiếp tục tìm kiếm tri thức, thứ chờ đợi chúng ta ở cuối con đường, chính là sự huỷ diệt. Không phải từ một vũ trụ xa xôi, mà bởi chính chúng ta, bởi chính tri thức của chúng ta.

Người ta tìm kiếm tri thức, để khôn ngoan hơn, hay để ngu xuẩn hơn? Là để ngăn chặn thảm hoạ ấy xảy ra, hay là để thúc đẩy nó tới nhanh hơn?

Nhưng Văn còn nhỏ, nó không biết về những vấn đề ấy. Nó chỉ cắm cúi ghi vào quyển vở của mình, công thức vật lý đầu tiên của loài người. S = v*t.

Bình luận

Truyện đang đọc