THIÊN MỆNH KHẢ BIẾN

Quặng Tama-hagane còn lẫn khá nhiều tạp chất, như rơm, bùn, và nhiều thứ khác.

Vì vậy, Takezawa lại phải nung chúng trong lửa, sau đó dùng búa đập để lọc ra những quặng thép hắn cần.

Tốn hơn 20 tấn than củi mới nung ra được vài cục quặng thép, rồi từ vài cục quặng thép đó, mới lọc ra được một lượng thép vừa đủ để rèn kiếm. Bởi vậy mới nói, kiếm của Phú Sơn, đừng bao giờ dùng hàng đại trà.

Lọc được những mẩu thép nhỏ bé, Takezawa mới bắt đầu quan sát. Văn cũng ghé mắt vào nhìn.

- Nhóc xem nè. Những mẩu thép có đường uốn lượn thế này, cho thấy chúng rất mềm. Những mẩu thép vuông cạnh thế này, là rất cứng. Cứng và mềm, là do tỉ trọng carbon trong thép tạo ra. Thép cứng, sẽ được dùng làm Kawagane, còn thép mềm sẽ trở thành Shingane.

- Kawa... với cái gì... shin cơ ạ?

- Kawagane, phần thép cứng, sẽ trở thành mặt ngoài của thanh kiếm. Còn Shingane, phần thép mềm, sẽ trở thành lõi của kiếm. Đây là một kĩ thuật tinh tuý nhất mà nền văn minh Phú Sơn hàng ngàn năm trước đã đúc kết ra, truyền lưu của bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn còn được giữ lại tới ngày nay.

- Vì sao thanh kiếm lại phải có hai phần ạ?

- Bởi vì, lõi thép mềm dẻo bên trong, sẽ chống chịu lực tác động, sẽ khiến thanh kiếm bền vững không bao giờ gãy. Còn phần thép cứng bên ngoài, sẽ sắc bén và cứng rắn, sẽ chém đứt bất cứ thứ gì cản đường. Mềm và Cứng, cũng như Âm và Dương, như Mâu và Thuẫn, cùng tồn tại trong một lưỡi kiếm. Bởi vậy, lưỡi kiếm katana của người Phú Sơn, mới là nơi kết hợp tinh hoa của kiếm. Chừng nào lõi thép Shingane còn chưa hư hại, thanh kiếm đó còn có thể tái tạo và sử dụng lại, dù chịu bất cứ vết thương nào!

- Ồ!

- Để có thể gắn kết hai phần thép khác biệt ấy lại làm một, là dưới ngọn lửa 10 nghìn độ C. Cũng giống như người Phú Sơn ta, lưỡi kiếm nếu không trải qua một thử thách khủng khiếp như vậy, sẽ không bao giờ thành hình.

- Cháu thấy, nếu như vậy thì bác chịu thử thách hơi nhiều...

- Xí! Khổ tận cam lai. Người Phú Sơn vốn rất tin vào thuyết nhân quả đấy. Rồi mày xem, ít lâu nữa bác mày sẽ giàu to. Sẽ mua cho mày hẳn một ngôi nhà.

- Sao bác lại mua nhà cho cháu?

- Vì khi Takezawa tao gặp khó khăn, người đối tốt với tao cũng không nhiều. Những ai ở bên tao lúc tao hoạn nạn, tao đều sẽ trả ơn tận tình.

- Vậy bác không cần mua nhà đâu, bác mua cho cháu một cái biệt thự là được rồi. Cháu đã hứa sẽ tặng mẹ cháu một căn biệt thự.

- Đúng là được voi đòi tiên. Được rồi, giờ giúp tao cho xong đã.

Văn cầm lấy cây kìm, kìm chặt khối thép. Takezawa cầm búa gõ choang choang vào khối thép nóng. Hắn cán dập khối thép, sau đó lại gập đôi khối thép lại, cán dập tiếp, rồi lại gập đôi lại.

Cứ như thế 12 lần tất cả.

Với 12 lần gập đôi rồi cán dập, sẽ có hơn 4000 lớp thép được ép lại chỉ trong bề dày 2cm, những lớp thép này tạo độ rắn chắc kinh khủng cho thanh kiếm, đồng thời tạo nên những đường vân li ti. Những đường vân này, gọi là Jihara.

Sau khi cán xong cả phần Kawagane và Shingane, hắn mới gập phần Kawagane lại làm đôi, rồi nhét phần Shingane vào giữa, như người ta cho bánh mì kẹp lấy xúc xích. Kẹp xong, hắn lại cán mỏng cái thứ ấy, thành một thanh thép dài.

Tới đây, thanh Katana mà hắn mong muốn, bắt đầu thành hình.

Sau khi nung thanh thép ấy ở 10 nghìn độ C, Takezawa mới nhét nó vào trong xô nước lạnh. Nước bốc hơi xèo xèo.

- Đã xong chưa hả bác?

- Chưa. Còn một phần rất quan trọng nữa. Đó là vẽ Hamon cho kiếm.

- Vẽ Ha môn để làm cái gì ạ?

- Hamon, tiếng Đại Nam là Ba Văn, là đường vân hình sóng. Vẽ nó, ta dùng một loại đất, trộn với các thành phần khác, để che phủ bề mặt sống kiếm, để cách nhiệt nó. Khi nung trong lò nung, phần không được phủ đất sẽ nóng lên rất nhanh, trở nên rất cứng, còn phần sống kiếm, vẫn giữ được sự mềm dẻo. Rồi sau đó, khi ngâm vào nước lạnh, phần lưỡi kiếm lại được làm lạnh đột ngột, còn phần sống kiếm thì được làm lạnh từ từ, nên sinh ra chênh lệch nhiệt độ. Chính sự chênh lệch ấy, khiến thanh Katana của Phú Sơn đều có lưỡi cong.

- Ồ! Ra vậy!

- Vẽ Hamon là giai đoạn vô cùng khó khăn. Rèn, chỉ là giai đoạn quyết định phẩm chất của kiếm. Còn vẽ Hamon, lại tuỳ vào từng người rèn kiếm. Lúc này, thợ rèn như trở thành một nghệ nhân, truyền linh hồn của mình cho kiếm vậy. Đường Hamon này, sẽ quyết định tính chất của thanh kiếm.

- Ồ!

- Hiểu rồi thì để bác đi pha trộn đất. Trật tự để bác mày vẽ.

- Khoan đã bác!

- Hở! Sao thế?

- Cháu nghe bác tả về Hamon như vậy, khá giống với Văn lực của Tâm Linh Sư. Bạn Linh từng kể cho cháu nghe về các Tâm Linh Sư, vì mẹ bạn ấy cũng là một Tâm Linh Sư. Nếu bác nói dùng đất trộn với các loại chất khác để che phủ thanh kiếm, vậy tại sao không lựa chọn những vật liệu có tính chất đặc biệt, sau đó dùng Văn Lực để vẽ lên kiếm.

- Tính chất đặc biệt mà mày nói, là sao?

- Hồi đi chợ mua vải, cháu có nghe bà bán hàng nói về tính năng kháng độc, kháng lửa, kháng rất nhiều thứ của các loại vải. Cháu nghĩ, hoặc là tìm kiếm những vật liệu có tính năng tương tự vậy, hoặc là ta kiếm những loại vải như thế, nghiền nhỏ ra, pha với mực và đất, sau đó nhờ ai đó biết về Văn Lực để vẽ lên kiếm. Biết đâu, thanh kiếm này sẽ có tính chất vô cùng đặc biệt thì sao?

- Mày nói cũng có lý. Mấy loại vải ấy rất đắt, nhưng mình chỉ cần một ít, thậm chí không cần phải mua, đi nhặt mấy mẩu vải thừa là được rồi. Nhưng còn Văn Lực, làm sao tìm được người biết Văn Lực đây?

- Để cháu hỏi Linh. Thử nhờ mẹ bạn ấy xem. Bác đưa cho cháu mượn cái điện thoại.
Sau khi trình bày với Linh đầu đuôi câu chuyện, Văn được nói chuyện với Phạm Tố Uyên, mẹ của Linh.

- Alo, Văn đấy à? Cháu gặp cô hôm khai trương nhà hàng rồi nhỉ. Ừm, vậy có chuyện gì không? Muốn nhờ cô vẽ Văn Lực lên kiếm á? Ừm ừm, cô hiểu rồi, nhưng cô cũng chưa từng vẽ Văn Lực lên kiếm bao giờ, cũng không biết có tác dụng hay không nữa. Chuyện này cô giúp cháu thì cũng được thôi, nhưng cô cũng chỉ là Thạc sĩ mà thôi. Nếu thanh kiếm của cháu quý giá tới vậy, thì nên tìm một Tâm Linh Sư thật là mạnh mẽ, và Văn Lực phải thuộc hàng đỉnh cao. Sao? Cháu không biết tìm ở đâu một người như vậy á? Hì hì hì.

- Sao cô lại cười ạ?

- …

- Sao rồi?

Thấy thằng Văn cúp máy, vẻ mặt ngơ ngác, Takezawa lo lắng hỏi. Hắn đang rất háo hức với sự thử nghiệm mà thằng Văn đề xuất. Nếu có thể dùng Văn Lực vẽ Hamon cho kiếm, biết đâu lại tạo nên một thanh kiếm tuyệt tác, sánh ngang với 13 thanh Cực Phẩm Thần Kiếm của Phú Sơn.

- Cô ấy nói, về hỏi mẹ cháu. Vì mẹ cháu,... là một Tâm Linh Sư, cũng là một Thư Pháp Gia vô cùng mạnh. Cô ấy bảo là mạnh lắm ấy, mạnh đến mức không thể tin được.

- Bà Thanh đó á? Thế mày có tin không?

- Cháu cũng không thể tin được. Nhưng cứ để cháu về hỏi mẹ.

Bình luận

Truyện đang đọc