THIÊN MỆNH KHẢ BIẾN

Cái này không phải chương truyện, không đặt VIP, cũng không ảnh hưởng gì tới Thiên Mệnh Khả Biến. Các ngươi rảnh thì có thể đọc, không thích thì có thể bỏ qua sang chương sau (à mà đã làm đek gì có chương sau, he he he). Nếu ai thích đọc những kiểu lảm nhảm ngoài lề thế này thì comment cho ta biết, còn những ai không thích hoặc thấy quá nhảm nhí thì không cần comment cho ta biết đâu, he he he. Thích thì ta cứ đăng thôi.

===============================

Đôi điều cảm nhận về Vô Ảnh

Ở cái tầm như bác Trương thì cũng chẳng dám review gì, chỉ mạn phép có đôi lời cảm nhận mà thôi.

Phim bác hay quá. Vì ngoài cái từ hay ra, chẳng còn lời nào khác để nhận xét.

Cái thời xa lắc xa lơ ngồi xem Thập Diện Mai Phục với Anh Hùng trên đầu VCD lắc lắc giật giật nó cũng đã qua lâu lắm rồi, lâu tới mức chẳng dám tin vào trí nhớ của mình nữa. Chỉ nhớ rừng trúc thăm thẳm mịt mùng, nhớ những cuộc đấu kiếm trong mưa, nhớ cuộc đối thoại giữa Kinh Kha và Tần Vương.

Tới Vô Ảnh, thì mọi thứ được coi là thương hiệu của bác Trương cũng đã được phô diễn ra gần hết. Từ những cuộc đấu trong mưa, súc tích ngắn gọn chỉ trong 3 chiêu thức, 3 lần giao thủ, ấy mà 3 lần giao thủ ấy đã trở thành gần hết mục đích của phim. Trong 3 lần giao phong ấy, ta thấy được Chí Cương Chí Dương, Chí Âm Chí Nhu, ta thấy được một nền Văn minh phải nhìn theo Thiên Địa mà sinh tồn, một vũ trụ quan mang đậm âm hưởng của Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trong vũ trụ ấy, kẻ nhìn thấu Thiên Địa thì chiếm được Tiên cơ, kẻ hiểu được Âm Dương thì cải biến được số mệnh. Giả sử, trong một thế giới phàm tục như ta đang sống, có khi nào dùng ô mà làm vũ khí được hay không? Một thứ vũ khí giả tưởng chỉ có thể áp dụng khi trời mưa xuống, ấy thế mà lại khắc chế được đại đao dũng mãnh, thứ vẫn được tượng trưng cho sức mạnh, cho sự dũng mãnh, cho lòng quả cảm của người Hán.

Nói về ô, về mưa, về Âm Dương, về những vương quốc ở vùng đồi núi hiểm trở, hẳn những người Việt đôi chút quan tâm về lịch sử sẽ nhìn thấy bóng dáng của một nước Việt cổ, hoặc những quốc gia lân cận phương Nam, mà ngày nay là miền Nam Trung Quốc. Ta thấy ở đó một bóng dáng văn hóa quen thuộc được che giấu đi bởi những lời thoại bằng tiếng Quan Thoại, bằng những Thư pháp Phồn thể rối rắm. Ta thấy nam nữ hợp nhất, như một loại tượng hình cho Văn hóa phồn thực. Ta thấy Âm và Dương, thấy Bát Quái mà không có Ngũ Hành. Giá thử, nếu không có cái bóng của Trung Hoa to tổ bố đè lên văn hóa Việt, liệu các đạo diễn Việt có phù phép được những nét văn hóa nước nhà thành những kiệt tác hay không? Tự nhiên ngẫm nghĩ vu vơ vậy.

Ấy là đôi chút liên hệ. Còn lại thì, phim rất đậm tính Trung Hoa. Nhất là ở phần âm nhạc. Xem phim mà mình đôi lúc băn khoăn, không biết bác Trương vì phim mà tìm nhạc, hay là vì nhạc mà làm phim. Nhạc Trung Hoa không vui vẻ, không nhộn nhạo, mà sâu lắng, u buồn, ai oán, như chính 4 ngàn năm tang thương của vùng đất này. Nhạc Trung Hoa không thích hợp để đưa vào cảnh cao trào, mà dù có thì cảnh cao trào ấy cũng gợi nên những điều tang thương. Toàn bộ những bộ phim của bác Trương đều có cái âm hưởng như vậy, mà rõ ràng là quá phù hợp với nhạc, như chính con người bác đã hòa vào cái nền văn hóa phương Đông ấy. Trong khúc vui lại chen những nốt buồn, vì khi ta gảy một sợi dây đàn, ngay sau âm thánh thót vang lên lại là tiếng vọng trầm đục đuổi ngay sau đó, như hình với bóng. Có 2 đoạn chuyển cảnh mà âm nhạc giúp kết nối, còn lại thì hầu như toàn bộ phim đều là sự yên tĩnh và vắng lặng. Không có một dàn nhạc vô hình nào lẩn trốn sau màn hình và chen nhạc vô tai người xem, mà nhạc vang lên đều phải có người gảy. Như mọi sự việc xảy ra đều phải có kẻ tạo nên.

Ấy lại nói về nhân vật. Phim của bác Trương lại rất đậm chất phương Đông ở chỗ, trong phim không có “thằng ngu”. Ai ai cũng đều rất thông minh. Nhưng ngươi tưởng ngươi thông minh là hay à? Không có. Chớ nên tự mãn. Vì thiên ngoại hữu thiên, mà kẻ thông minh thì lại có người thông minh hơn, và rồi tất cả các bên đua nhau thi thố cái trí thông minh của mình, chằng chịt lại thành một mạng nhện những âm mưu rối rắm. Để rồi, những nhân vật của Trương Nghệ Mưu hoặc là vô tình, hoặc là cố ý, lạc vào cái mạng nhện ấy, bế tắc không có đường ra. Như rừng trúc năm nào mịt mùng mê lối. Ngươi những tưởng điểm sáng nơi cuối đường sẽ là lối ra, nhưng người không ngờ đó lại là ngưỡng cửa dẫn ngươi tới một mê cung còn u tối hơn.

3 chiêu thức giao tranh có thể coi là hàm chứa cả vũ trụ rộng lớn, nhưng tiếc thay, không hàm chứa nổi xã hội bé xíu của loài người thấp kém. Cảnh Châu sống sót qua 3 chiêu thức tuyệt luân của Dương Bình, nhưng không có nghĩa rằng anh ta đã chiến thắng cuộc chiến của đời mình. Phim của Trương Nghệ Mưu cũng không phải loại phim kết thúc chỉ bằng một trận chiến. Sau đó, thì đúng sai, thật giả đều lẫn lộn, và cách duy nhất để những nhân vật thoát khỏi sự bế tắc đang bủa vây lấy mình, là vươn lên, là đạp lên những kẻ khác. Nhưng cái vòng xoáy ấy có thật sự đã kết thúc? Cảnh Châu trao lại cho Tiểu Ngải chiếc túi vải đã đẫm máu, mà bàn tay anh ta không cách nào lau sạch những vết máu ấy, như một lời tiễn biệt cuối cùng với cái tôi ngây thơ thuần khiết của mình. Còn cảnh Tiểu Ngải lao mình chạy ra ngoài đại điện, rồi tần ngần đứng trước ngưỡng cửa, là ý gì? Là sẽ đi theo Cảnh Châu diễn lời nói dối ấy tới cùng, hay sẽ tố giác anh ta? Chẳng ai biết, vì phim tới đó là hết rồi. Số phận những nhân vật trong phim rồi sẽ ra sao? Cũng chẳng ai biết, và riêng mình thì cũng chẳng quan tâm. Vì một lần nữa, bác Trương lại thể hiện một cái triết lý mà mình cũng rất tin tưởng: bản thân câu chuyện còn quan trọng hơn bất cứ thứ gì đi theo nó. Kết cục, tình tiết, ý nghĩa, thông điệp… rốt cuộc có quan trọng bằng những cảm nhận lóe lên trong não chúng ta khi xem phim hay không? Đôi lúc, những gì đọng lại là những điều không lời có thể mô tả.

Cách dẫn truyện thì quá là phê rồi. Không có một cảnh thừa. Tình tiết rất có lớp lang. Và bác Trương đẩy từng lớp nhân vật một, có thứ tự, có trước sau, như một họa sĩ lên dần sắc độ cho từng khối màu, chứ không ham hố tô vẽ cho đậm nét từng vùng một. Tình tiết xảy ra với nhân vật này, thực ra lại là bước đà để biến nhân vật đó thành một Doctor Watson, một người dẫn chuyện cho một nhân vật khác, rồi từ đó lại dẫn tới một tình tiết để đẩy mạch truyện cho một nhân vật khác nữa (!). Nói đơn cử như cảnh anh tướng quân cãi lại chúa công rời bỏ mũ từ quan, bản thân chi tiết ấy đã đẩy mạch truyện của anh ta lên rồi, ai ngờ cũng chính vì thế mà anh ta đi gặp Cảnh Châu, rồi gặp Tử Ngu, lại gián tiếp qua đoạn hội thoại mà đẩy sâu nhân vật Tử Ngu thêm một bậc, rồi kết quả của cuộc nói chuyện, là việc anh chàng này sẽ đi huấn luyện cho quân lính của Tử Ngu. Và ô kìa, trong cảnh huấn luyện ấy ta lại thấy em công chúa xinh tươi đang trốn anh trai đi đánh giặc! Thật là lớp lang một cách kinh khủng khiếp.

Để phân tích về cái tầm của Trương Nghệ Mưu thì thực ra là mình chưa có đủ trình, cảm nhận thì cũng có nhiều, nhưng viết ra cho rành rọt thì cũng chỉ có nhiêu đó. Phần lớn những điều còn lại, như đã viết ở trên, thật sự rất khó để viết thành lời. Và tiếc thay, nhiều khi đó mới là những điều giá trị nhất mà bác Trương mang lại. Bác sẽ khiến người ta băn khoăn mãi với những câu hỏi, kiểu như: ông vua ấy thực sự thương em gái mình, hay coi cô ta chỉ như một công cụ, hay là cả hai cảm xúc ấy đan xen? Anh tướng quân sau khi gặp Tử Ngu, nhìn lại Cảnh Chân, lại nói rằng “ngươi còn giống đô đốc hơn cả đô đốc thật”, đây chỉ là khen về diện mạo, hay là nhận xét về khí chất? Có khi nào, con người ta khi đánh mất cái khí chất vốn có của mình, sẽ không còn là họ nữa?

Cảnh cuối cùng khi Cảnh Chân vác gươm rời khỏi đại điện, thì chắn giữa anh ta với máy quay, hay cũng là góc nhìn của Tiểu Ngải, là bức trướng mỏng như lá lúa, với hình đám đông đang ngụp lặn giữa cuộc đời. Mà muốn có được một bức trướng như vậy, thì câu chuyện lại phải diễn ra ở Trung Hoa, lại phải qua bao nhiêu sự dàn xếp và toan tính mới có được. Và mình lại chợt băn khoăn, liệu bác Trương vì một cảnh quay ấy hiện ra trong đầu mà làm nên cả một bộ phim, hay tất cả, đơn giản chỉ là một sự tình cờ?

Bình luận

Truyện đang đọc